|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga hứa giảm hoạt động quân sự gần Kiev: Ukraine và Phương Tây lo sắp đánh nhau to

17:19 | 30/03/2022
Chia sẻ
Sau cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Nga đưa ra lời hứa sẽ giảm hoạt động quân sự quanh Kiev, cả Phương Tây và Ukraine đều khó lòng tin tưởng, đồng thời đưa ra cảnh báo về những cuộc tấn công quy mô lớn hơn.

 Nhà cửa ở thủ đô Kiev, Ukraine bị hư hại do xung đột vũ trang, ngày 25/2/2022. (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Ukraine tỏ ra đầy nghi hoặc khi Nga hứa sẽ giảm hoạt động quân sự quanh khu vực Kiev và một số thành phố khác của Ukraine trong buổi đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước Phương Tây cho rằng Moscow sẽ tăng cường hoạt động quân sự tại những vùng khác của Ukraine.

Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp hôm 29/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ khi Liên Hợp Quốc thúc giục ngừng bắn. Cơ quan thông tấn TASS của Nga đưa tin, cuộc hội đàm diễn ra tại văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul và kéo dài hơn 3 giờ.

Cuộc xung đột đã chậm lại trên hầu hết các mặt trận bởi sự kháng cự gay gắt từ các lực lượng Ukraine.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước cuộc hội đàm giữa Ukraine và Nga tại Istanbul. (Ảnh: Murat Cetin Muhurdar/Dịch vụ báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói với các phóng viên: "Để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo và đạt được mục tiêu cuối cùng là ký kết hiệp định, Nga quyết định sẽ giảm hoạt động quân sự theo hướng Kyiv và Chernihiv”.

Ông Fomin không đề cập đến các khu vực khác đã từng chứng kiến giao tranh dữ dội, bao gồm Mariupol ở phía đông nam, Sumy và Kharkiv ở phía đông và Kherson và Mykolaiv ở phía nam.

"Người Ukraine không ngây thơ", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu vào cuối ngày 29/3, đáp lại những thông báo của phía Nga về việc giảm thiểu các hoạt động quân sự gần Kiev. "Người Ukraine đã học được trong 34 ngày chiến đấu, và trong 8 năm qua tại Donbass, rằng điều duy nhất họ có thể tin tưởng là một kết quả cụ thể".

Một đợt tấn công mới

Theo Lầu Năm Góc, Nga đã bắt đầu di chuyển một số lượng rất nhỏ quân khỏi các vị trí xung quanh Kiev trong một động thái mang tính chất thay đổi vị trí nhiều hơn là rút lui hoặc rút khỏi cuộc chiến.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khi được hỏi về việc Nga giảm hoạt động quân sự gần khu vực Kiev đã trả lời: “Rồi chúng ta sẽ biết. Tôi không tin tưởng điều gì trừ khi thấy hành động từ Nga”.

Phát ngôn viên John Kirby của Lầu Năm Góc nói trong một cuộc họp báo: "Tất cả chúng ta nên đề phòng một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine. Lời hứa của Nga không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kiev đã hết".

Bộ Quốc phòng Anh trong một bản cập nhật thông tin tình báo cho biết: "Rất có thể Nga sẽ tìm cách chuyển hướng sức mạnh chiến đấu từ phía bắc sang các cuộc tấn công ở các khu vực Donetsk và Luhansk ở phía đông".

 

Nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk ở miền đông Ukraine cân nhắc gia nhập với Nga sau khi kiểm soát được toàn bộ khu vực Donetsk. Phía Kiev cho biết bất kỳ động thái nào như vậy sẽ không có cơ sở pháp lý.

Tại thành phố cảng Mariupol bị bao vây, hàng nghìn dân thường có thể đã thiệt mạng, người đứng đầu phái bộ nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Ukraine nói với Reuters vào hôm 29/3.

Trong một diễn biến khác, lực lượng Ukraine đã chiếm lại lãnh thổ từ tay quân đội Nga ở phía đông bắc và nam ngoại ô Kiev. Đặc biệt ở hướng đông Kiev, theo lời của phát ngôn viên Kirby, Ukraine đã đẩy Quân đội Nga ra cách thành phố gần 50 km.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng lời hứa của Moscow trong việc giảm giao tranh chủ yếu ở các khu vực mà Nga đang mất dần vị trí.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết lời hứa cắt giảm các hoạt động quân sự ở một số khu vực của Nga "có thể là sự luân chuyển các đơn vị riêng lẻ và nhằm mục đích đánh lừa".

Trong khi đó, hãng tin Interfax cho biết, quân đội Nga cáo buộc lực lượng Ukraine sử dụng lệnh ngừng bắn để khôi phục trạng thái sẵn sàng chiến đấu và thiết lập các điểm phục kích trong bệnh viện và trường học.

Áp lực ngoại giao

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Italy và Anh vào hôm 29/3 để thảo luận về tình hình mới nhất tại Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế Daleep Singh, đều thăm Ấn Độ - quốc gia kêu gọi ngừng bắn nhưng từ chối lên án Moscow.

Các giải pháp

Các nhà đàm phán Ukraine đề xuất rằng Kiev sẽ không tham gia các liên minh hoặc cho quân đội nước ngoài đóng quân, nhưng sẽ được đảm bảo an ninh theo các điều khoản tương tự như "Điều 5" - điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh quân sự NATO.

Phía Ukraine nêu tên Israel và các thành viên NATO là Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia có thể đưa ra những bảo đảm an ninh cho Kiev. Nga, Mỹ, Anh, Đức và Italy cũng có thể tham gia.

Các đề xuất trên đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine, đề cập đến thời gian tham vấn kéo dài 15 năm về hiện trạng của Crimea - được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Số phận của khu vực đông nam Donbass, nơi Nga yêu cầu Ukraine nhượng lại cho phe ly khai, sẽ được các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga thảo luận.

Ông Vladimir Medinsky, nhà đàm phán hàng đầu của Nga cho biết đề xuất của Kiev còn bao gồm việc Moscow sẽ không phản đối Ukraine gia nhập EU. Nga trước đây đã phản đối việc Ukraine trở thành thành viên EU và đặc biệt là NATO.

Ông Medinsky cho biết phái đoàn của Nga sẽ nghiên cứu và trình bày các đề xuất với Tổng thống Putin. Ông Medinsky sau đó đã nói với hãng thông tấnTASS rằng thỏa thuận hòa bình "vẫn còn một chặng đường dài phía trước". 

Minh Quang