|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nếu thế giới bóng đá có 'gã thợ hàn' Ranieri, giới kinh doanh Việt Nam có một Mai Hữu Tín

08:00 | 27/06/2018
Chia sẻ
Giải cứu thành công Giấy Sài Gòn, ông Mai Hữu Tín cùng nhóm cổ đông sáng lập quyết định bán 90% vốn cổ phần cho Tập đoàn Nhật Bản Sojitz, khoản đầu tư gia tăng giá trị lên 2,5 lần. 

Tái sinh một Giấy Sài Gòn gần như không còn nhiều hi vọng

Tập đoàn đa ngành của Nhật Bản – Sojitz vừa bỏ ra 91,2 triệu USD (tương đương gần 2.100 tỷ đồng) để mua lại 90% vốn của CTCP Giấy Sài Gòn, nhà sản xuất giấy vệ sinh và giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Nếu như bóng đá thế giới có “gã thợ hàn” Ranieri, thì trong giới doanh nhân Việt Nam, ông Mai Hữu Tín cũng nổi tiếng với biệt tài "trục vớt các con tàu đắm", điển hình là thương vụ đầu tư vào Giấy Sài Gòn.

Còn nhớ, Giấy Sài Gòn từng tăng trưởng vượt bậc trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giấy tăng cao trước đây, bản thân công ty lại là một trong nhưng doanh nghiệp công suất lớn nhất nhì cả nước. Tuy nhiên từ 2007, dưới tác động của suy thoái kinh tế, các cổ đông như Prudential, VIG rút vốn, từ đó là thời kỳ suy thoái kéo dài của Giấy Sài Gòn.

Năm 2011, khó khăn lên đến đỉnh điểm khi đối tác Nhật Bản nắm tỷ lệ cổ phần đa số, Daio Paper, cũng muốn thoái vốn do tình hình tài chính khó khăn đến từ Tập đoàn mẹ. Không chỉ vậy, dự án nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng phải chịu lãi vay có thời điểm lên tới 20%. Đây cũng chính là giai đoạn mà ngay cả người sáng lập, ông Cao Tiến Vị cũng không thể tránh nổi bi quan. Chia sẻ với báo chí, ông cho biết: “Có lúc thất bại gần như đã ở ngay trước mắt”.

neu the gioi bong da co ga tho han ranieri gioi kinh doanh viet nam co mot mai huu tin
Khi nói về hợp tác cùng ông Mai Hữu Tín, ông Cao Tiến Vị (sáng lập Giấy Sài Gòn) từng nói: "Đường xa không thể độc hành!"

Tháng 9/2013, CTCP Mai và Cộng sự (Mai & CO) của ông Mai Hữu Tín ra tay mua lại toàn bộ số cổ phần và nợ của Daio Paper, số tiền bỏ ra khoảng 416 tỷ đồng theo mệnh giá để nắm giữ 42,3% vốn điều lệ. Sau thương vụ một doanh nghiệp Việt, giành lại công ty từ Tập đoàn Nhật Bản, người ta vẫn gọi là “cá bé nuốt cá lớn”, ông Mai Hữu Tín trở thành Chủ tịch HĐQT Giấy Sài Gòn, trong khi người sáng lập Cao Tiến Vị làm Tổng giám đốc.

Quyết định đầu tư vào thời điểm đó được ông Tín cho biết khá đặc biệt, tham gia vào Giấy Sài Gòn vì tình cảm hơn là một thương vụ kinh doanh, ông không muốn thấy một công ty Việt Nam có thương hiệu tốt lại thất bại.

neu the gioi bong da co ga tho han ranieri gioi kinh doanh viet nam co mot mai huu tin
Ông Mai Hữu Tín đã hoàn thành nhiệm vụ tại Giấy Sài Gòn

Ngoài chuyện đời tư, ông Tín và ông Vị có mối quan hệ khá thân thiết, ông Tín từng thừa nhận điều này làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn tuy nhiên không phải yếu tố quyết định. Việc đầu tư vào Giấy Sài Gòn đã hội đủ các điều kiện, tin vào năng lực điều hành của nhà sáng lập và đội ngũ lao động cũng như hiểu rõ ngành nghề của Giấy Sài Gòn, nhìn thấy tương lai xán lạn của nó.

Hai năm sau thời điểm ông Tín vào, Giấy Sài Gòn đi vào hoạt động ổn định, tổng công suất khi đó đạt 320.000 tấn giấy/năm và dự kiến có lợi nhuận. Công ty hướng đến mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng vào 2019.

Khi đó, ông Tín cho biết, Giấy Sài Gòn đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật. Giấy tissue là mảng kinh doanh lớn nhất của Giấy Sài Gòn đứng đầu về thị phần giấy trong nước. Thị trường xuất khẩu có đến hơn 50 nước.

Khoản đầu tư vào Giấy Sài Gòn tăng giá trị gấp 2,5 lần

Trong một lần nói về phong cách đầu tư của mình, ông Mai Hữu Tín cho biết, hoạt động của U&I (công ty vốn 500 tỷ đồng, ông Tín nắm 88%) nhìn tổng quát cũng giống như các quỹ đầu tư rót vốn và nắm cổ phần ở các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, ông Tín cho rằng doanh nghiệp của ông khác với quỹ đầu tư ở chỗ luôn tính toán đầu tư lâu dài và hoàn toàn không có ý định thoái vốn nếu khoản đầu tư đó vẫn tốt như họ kỳ vọng.

Với mức giá 91,2 triệu USD cho 90% vốn cổ phần, định giá của Giấy Sài Gòn vào khoảng 101,3 triệu USD, tương đương 2.320 tỷ đồng. Trong khi thời điểm ông Mai Hữu Tín giữ chức Chủ tịch Giấy Sài Gòn, số tiền bỏ ra mua cổ phần vào khoảng 938 tỷ đồng (tức giá trị đã tăng thêm 150%).

Các nhà máy của Giấy Sài Gòn đang đạt công suất 40.560 tấn/năm với giấy tiêu dùng và trên 232.000 tấn/năm đối với giấy công nghiệp.

Gian nan "vá con tàu" Gỗ Trường Thành

Hiện tại, HĐQT của Giấy Sài Gòn đã được thay thế bằng người của Sojitz, với Chủ tịch là ông Naoki Yokoyama, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ông Jun Morita, các thành viên HĐQT kiêm giám đốc chức năng khác cũng đều là người Nhật. Không còn hình bóng đội ngũ của ông Mãi Hữu Tín, ông Cao Tiến Vị trong HĐQT, Ban điều hành của Giấy Sài Gòn.

neu the gioi bong da co ga tho han ranieri gioi kinh doanh viet nam co mot mai huu tin
Hội đồng quản trị mới của Giấy Sài Gòn không còn ông Mai Hữu Tín và ông Mai Tiến Vị.

Ông Mai Hữu Tín cùng cộng sự đang trong một nhiệm vụ giải cứu khác tại Gỗ Trường Thành (Mã: TTF), gian nan không kém và được ông đánh giá là khác hoàn toàn so với trường hợp tại Giấy Sài Gòn. TTF đang phải tập trung vào chủ trương thoái vốn vì phần trả lãi vay còn quá nặng, cùng với đó phải kiểm soát hàng tồn kho, xử lý các khoản phải thu khó đòi.

Năm 2017, kết quả kinh doanh TTF đã có những điểm sáng, doanh thu gấp đôi năm 2016 và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ xấp xỉ 35 tỷ đồng. Ông Mai Hữu Tín khẳng định, tất cả những con số nói trên đều là thực tế, công suất của nhà máy và nỗ lực của con người đã phải gia tăng gấp đôi.

Năm 2018, TTF đặt kế hoạch doanh thu 1.570 tỷ đồng, lãi sau thuế 76 tỷ đồng do nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm.

“Vấn đề của TTF nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí; các khoản đầu tư ra ngoài ở công ty con, công ty liên kết. Trong năm nay, TTF sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề này. Cơ thể này sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định. Chúng tôi hiểu cảm giác của cổ đông khi nhìn thấy giá cổ phiếu. Chúng tôi khẳng định TTF chỉ có thể vươn lên mạnh mẽ khi xử lý hết các vấn đề của 2018"

Kể từ thời điểm chấp nhận chi 8.000 đồng/cp để mua 20% vốn TTF, khoản đầu tư của ông Mai Hữu Tín đang mất một nửa giá trị trên thị trường chứng khoán. HĐQT, ban điều hành TTF cần phải làm nhiều hơn nữa để lấy lại niềm tin nhà đầu tư, vực dậy một trong những thương hiệu gỗ vang bóng một thời.

neu the gioi bong da co ga tho han ranieri gioi kinh doanh viet nam co mot mai huu tin
Diễn biến giá cổ phiếu TTF từ thời điểm ông Mai Hữu Tín mua vào (VNDirect)

Xem thêm

Bạch Mộc