|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Chính quyền hết lòng thì doanh nhân yên tâm khởi nghiệp'

20:58 | 15/02/2018
Chia sẻ
Chia sẻ của ông Mai Hữu Tín, vị doanh nhân đang đầu tư ở trên 20 tỉnh, thành tại Việt Nam với VnEconomy nhân dịp xuân mới.
chinh quyen het long thi doanh nhan yen tam khoi nghiep Năm Mậu Tuất, doanh nghiệp trông chờ gì?

Nếu chính quyền hết lòng vì doanh nghiệp, không phe nhóm thì môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn, mọi người sẽ có niềm tin để lập nghiệp và khả năng thành công của doanh nhân sẽ cao hơn.

Đó là chia sẻ của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, vị doanh nhân đang đầu tư ở trên 20 tỉnh, thành tại Việt Nam.

Trao đổi với VnEconomy trước thềm xuân mới, ông Tín tâm tư, rằng trong khi Thủ tướng bỏ rất nhiều thời gian, tâm sức đi nhiều nơi, gần gũi, lắng nghe và cố gắng thúc đẩy các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thì ở cấp dưới lại chưa có nhiều thay đổi đáng kể.

chinh quyen het long thi doanh nhan yen tam khoi nghiep
Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.

Nếu có thể đóng góp, tôi sẵn sàng

Khi ông còn là đại biểu Quốc hội khoá 12 và 13, hầu như tất cả các nhận xét của ông về tình hình doanh nghiệp đều không mấy lạc quan. Ông cũng đã từng nêu thực tế nhiều doanh nhân Việt lấy quốc tịch khác vì không yên tâm làm ăn trên chính quê hương của mình. Giờ, sau hai năm Chính phủ luôn nhấn mạnh thông điệp liêm chính, phục vụ doanh nghiệp, ông nhận lời tham gia Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Phải chăng cái nhìn của ông về môi trường kinh doanh đã lạc quan hơn?

Tôi chưa lạc quan hơn. Việc các bạn doanh nhân Việt Nam tiếp tục lấy quốc tịch thứ hai vẫn diễn ra rất phổ biến và khuynh hướng bi quan trong việc tìm đường sống khác, làm việc ở nơi khác vẫn đang diễn ra.

Nhưng nếu chúng ta cứ để mọi việc trôi như vậy hoài thì xót xa quá. Càng lúc cạnh tranh càng khốc liệt hơn, mở cửa nhiều hơn thì càng nhiều doanh nhân nước ngoài muốn "chiếm" việc kinh doanh của anh em trong nước hơn.

Từng phụ trách phong trào doanh nhân trẻ (ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá 4 - PV) nên tôi không khỏi nặng lòng khi nhìn nhiều doanh nhân trong nước thua ngay trên chính sân nhà. Nên, nếu có thể tham gia đóng góp vào để tình hình khá hơn, tôi sẵn sàng.

Với kinh nghiệm 30 năm làm kinh doanh, từ những được - thua của chính mình, tôi chia sẻ với các bạn trẻ mới khởi nghiệp để họ có thể khởi nghiệp vững vàng hơn. Mà không chỉ thế hệ trẻ đâu, nhiều doanh nhân tầm tuổi trên dưới 50 như tôi cũng đang rất loay hoay không biết làm gì để đối phó với những doanh nhân nước ngoài mạnh hơn, giỏi hơn.

Nói lạc quan hơn về môi trường kinh doanh thì chưa hẳn, nhưng tôi nhận thấy mình có thể giúp được nhiều người khác làm ăn tốt hơn và đang tập trung làm việc đó.

Ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn nhấn mạnh thông điệp Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thông điệp này đã "thấm" đến những người trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp, từ góc nhìn của ông?

Ở cấp cao nhất thì Thủ tướng bỏ rất nhiều thời gian tâm sức đi nhiều nơi, gần gũi, lắng nghe và cố gắng thúc đẩy các bộ, ngành trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Đó là việc rất tốt, các doanh nghiệp lớn tiếp xúc cũng thấy tinh thần của Thủ tướng, cũng cố gắng hơn. Nhưng ở dưới, khi doanh nghiệp va đập liên tục với bộ máy công quyền thì chưa thấy thay đổi nhiều.

Tôi đang giúp rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, một số bạn tôi đầu tư cả tài chính cho họ luôn vì họ có ý tưởng, có kiến thức, có công nghệ. Nhưng khi làm thủ tục từ đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, môi trường... chỗ nào cũng tốn nhiều tiền và thời gian.

Điều đó làm tôi đau. Làm sao cả bộ máy có sức đẩy giúp cho môi trường khởi nghiệp tốt hơn là điều tôi luôn suy nghĩ.

Như vậy khó khăn nhất vẫn nằm ở khâu thực thi, điều đã được nhắc đến ở nhiều kỳ họp Quốc hội qua nhiều nhiệm kỳ. Có một gánh nặng mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như nhiều chuyên gia hay nói đến là chi phí của doanh nghiệp Việt - bao gồm cả không chính thức - đã làm nhiều doanh nghiệp không thể lớn nổi. Ông có chia sẻ nhận xét này không?

Khâu thực thi thì vài địa phương đã làm tốt tiếp tục làm tốt hơn như Bình Dương, Đồng Tháp..., còn rất nhiều nơi khác vẫn tốn kém như thế.

Tôi đang đầu tư ở trên 20 tỉnh, thành nhưng thấy rất ít thay đổi, việc dùng thủ tục hành chính để kiếm tiền doanh nghiệp vẫn rất phổ biến.

Có những việc tương tự nhưng làm thủ tục ở tỉnh ngay kế bên Bình Dương thì chi phí gấp 5 lần mới xong việc.

Có những chỗ Chính phủ chưa "động" đến

Bên cạnh chi phí thì doanh nghiệp Việt Nam còn rất sợ sự thay đổi đột ngột của chính sách vĩ mô. Điều này theo ông có được cải thiện trong thời gian gần đây không?

Cái đó thì đỡ hơn, chính sách đã có sự thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới theo hướng ổn định.

Nhưng những việc hết sức bình thường với doanh nghiệp như xuất hay nhập khẩu một container hàng hoá, hay xin giấy phép xây dựng, thuê một lô đất... vẫn như vậy, vẫn tốn kém, chi phí không chính thức nói hoài nhưng còn nguyên đó.

Giờ những việc như giám định hàng hoá nhập khẩu, cắt bớt được cái nào cho doanh nghiệp thì mừng cái đó. Rồi chi phí logistic cao hơn rất nhiều nước khác thì ai cũng thấy. Hiện giờ mỗi xe chạy trên đường đều tốn tiền (không chính thức) thì cái đó đâu có thể đưa vào chi phí chính thức được.

Có những chỗ hành doanh nghiệp hàng ngày mà Chính phủ chưa động đến được đâu.

Vậy theo ông nên hiểu thế nào về con số kỷ lục về thành lập doanh nghiệp mới của hai năm gần đây?

Con số này có tác động từ chính sách nhưng chỉ là một phần, phần còn lại là do bản thân nền kinh tế đang đón nhận nhiều tác động khá tốt. Khi mà GDP tăng 6,8% thì có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, nhiều người muốn mở doanh nghiệp để làm ăn.

Rồi còn do những tác động bên ngoài, như việc gần đây Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy gây ô nhiễm thì các chủ nhà máy đó chạy qua Việt Nam, rồi lo lắng về an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tăng đầu tư ở Việt Nam... Họ gây tăng một loạt nhu cầu về các dịch vụ khác nhau.

Khi đã có quyết tâm từ trên cao, như ông nhận xét, thì giảm gánh nặng cho doanh nghiệp dường như cũng có cơ hội hơn chứ, thưa ông?

Đều do lãnh đạo địa phương thôi, nếu chính quyền hết lòng vì doanh nghiệp và không có phe nhóm thì môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn, mọi người sẽ có niềm tin để lập nghiệp tại đó.

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp (người mở đầu phong trào "cà phê với doanh nhân" - PV) là một ví dụ. Sự đoàn kết nội bộ rất tốt ở Bình Dương là một ví dụ khác. Nó làm cho doanh nhân cảm thấy thoải mái và muốn tập trung vào những chỗ đó. Chỗ nào khó thì người ta sẽ né.

Tôi cũng không tin con số được vài tỉnh công bố, điều kiện kinh doanh khó khăn mà họ cứ nói con số tăng trưởng ấn tượng thì không đáng tin lắm.

Gần đây dồn dập xét xử các đại án kinh tế, điều đó tác động đến doanh nhân thế nào, thưa ông?

Tôi có chút hy vọng. Càng dẹp sạch thì những anh em trẻ càng có niềm tin và có cơ hội để khởi nghiệp. Doanh nhân ở Đà Nẵng và các địa phương khác có các ông "ngáo ộp" như đã biết sẽ cho rằng kinh doanh bằng quan hệ mới được chứ kinh doanh thật đâu có được, nó làm nản chí những người kinh doanh thật.

Học nghiêm túc mới có cơ hội cạnh tranh

Ông từng nói việc ông bỏ phiếu trắng (cùng với đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc) khi thông qua Hiến pháp sửa đổi là bởi ông cho rằng kinh tế tư nhân nên là động lực phát triển chủ yếu của Việt Nam. Giờ đây ông nhận lời tham gia Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - một tổ chức chưa từng có trước đây, phải chăng ông cho rằng cơ hội thực sự cho kinh tế tư nhân đã đến rồi?

Việc Thủ tướng cho phép lập ra ban này để lắng nghe thực sự và nghiêm túc là có, tôi cảm nhận rất rõ điều này qua trao đổi với anh Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - PV) là thủ trưởng trực tiếp của ban.

Thủ tướng cũng rất chịu khó lắng nghe. Nhiều việc khác nhau chúng tôi đang đeo đuổi về vốn dài hạn cho doanh nghiệp, về nông nghiệp công nghệ cao, về logistic... đều được Chính phủ và Thủ tướng ủng hộ, thúc đẩy các bộ ngành thực hiện đề xuất của Ban.

Tôi đánh giá cao điều này, còn việc đó có tạo ra cơ hội thực sự lớn cho kinh tế tư nhân hay không thì tôi còn chưa dám nói, vì như đã nói ở trên, việc thực thi ở từng địa phương còn rất khác nhau.

Nhưng rõ ràng, sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân cao như vậy là chưa từng có từ trước đến nay. Đó là điều đáng mừng.

Ông có thể nêu một vài đề xuất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã được Thủ tướng quyết định nhanh?

Nghị định 210 để phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất chậm được sửa đổi, nhưng khi Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất thì được Thủ tướng đồng ý sửa ngay là một ví dụ.

Hoặc trước đây khi những tổ chức khác bàn đến việc có bảo hiểm tự nguyện cho người lao động song song với bảo hiểm xã hội Việt Nam thì không được lắng nghe, nhưng bây giờ Thủ tướng đã đồng ý cho nghiên cứu, để có những mô hình bảo hiểm tự nguyện như vậy, nhằm lập ra dòng vốn dài hạn để đầu tư trở lại nền kinh tế chứ không chỉ là vốn do Nhà nước quản.

Đó là những chuyện tích cực, nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho tương lai, cái gì né được tính độc quyền thì sẽ có lợi hơn cho toàn xã hội.

Những cái đó có thể ngoài xã hội chưa thấy được nhiều tác động, nhưng chúng tôi, khi tham gia kiến nghị chính sách, thấy được sự tích cực đó, thì có niềm tin, có động lực cống hiến, tạo thêm những cách làm mới ở Việt Nam.

Vậy điều gì khiến ông trăn trở nhất trong các điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển?

Vẫn là bộ máy thực thi ở từng địa phương, làm sao ở đâu cũng đều minh bạch, công bằng. Còn nếu vẫn có những cơ hội chỉ dành cho một nhóm nào đó thì không ổn. Vẫn có những nhóm lợi ích đang tồn tại và họ lấn hết phần của những người còn lại.

Chuyện đó chắc không chỉ xảy ra ở địa phương?

Ngay ở Trung ương cũng vẫn có, nhưng ở Trung ương có nhiều tiếng nói phản biện hơn so với các địa phương nên sẽ làm cho những người ra quyết định buộc phải suy nghĩ lại, phải chùn tay hơn.

Vâng, khó khăn thì chắc còn rất nhiều, nhưng cơ hội không phải là không có. Với kinh nghiệm của một người đã khởi nghiệp thành công từ 30 năm trước, ông có lời chúc nào đến giới doanh nhân Việt Nam nhân dịp xuân mới?

Tôi thấy nhiều bạn doanh nhân hiện nay đang mất quá nhiều thời gian về những vấn đề không gắn đến chuyện kinh doanh cụ thể và một số vẫn tin rằng làm kinh doanh bằng quan hệ là con đường ngắn nhất.

Tôi không cho đó là cách làm nên theo mà phải tăng cường kiến thức quản trị và công nghệ ngang bằng với người nước ngoài, đó mới là con đường dài.

Năm mới, tôi mong các doanh nhân bỏ thời gian để học, học nghiêm túc mới có cơ hội cạnh tranh với người khác, làm được chuyện đó thì mới có nhiều cơ hội trong tương lai. Do vậy, lời chúc của tôi là mong các bạn doanh nhân vững tâm tập trung thời gian vào chuyện kinh doanh và học hành nghiêm túc để gặt hái thành công.

Nguyên Thảo