|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nếu Grab nhảy vào mảng xe khách liên tỉnh, 'nồi cơm' của các nhà xe sẽ ra sao?

06:40 | 25/04/2018
Chia sẻ
Nếu nhìn cách các hãng taxi truyền thống vật lộn với Grab, chúng ta có thể thấy các nhà xe khách ở Việt Nam đối mặt nguy cơ lớn nếu các hãng vận tải nước ngoài đội lốt công nghệ xâm nhập Việt Nam.
neu grab nhay vao mang xe khach lien tinh noi com cua cac nha xe se ra sao Tài xế: 'Tiếc Uber vì họ lắng nghe đối tác, còn Grab chỉ áp đặt luật chơi'

"Nếu Uber và Grab nhảy vào thị trường xe khách, các nhà xe sẽ thế nào? Hãy nhìn cách các hãng taxi truyền thống đang phải vật lộn với Grab, bạn sẽ thấy được những nguy cơ nếu các hãng vận tải nước ngoài đội lốt công nghệ xâm nhập thị trường", Phan Bá Mạnh, người sáng lập công ty Công nghệ vận tải An Vui, bình luận.

Mạnh dự đoán viễn cảnh đó chẳng còn xa, bởi Grab đang bắt đầu thử nghiệm dịch vụ xe khách tại Singapore. Mọi người đều thấy, khi Grab và Uber bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, các hãng taxi truyền thống quá tự tin và chậm chạp trong ứng dụng công nghệ. Vì thế, họ hứng chịu hậu quả lớn khi những doanh nghiệp vận tải nước ngoài ứng dụng triệt để công nghệ để cạnh tranh ở Việt Nam.

neu grab nhay vao mang xe khach lien tinh noi com cua cac nha xe se ra sao
Với tốc độ phát triển nhanh của Grab, khả năng họ tham gia lĩnh vực vận tải hành khách đường dài là rất lớn.

"Mọi người đều thấy rõ sự yếu kém của doanh nghiệp Việt trong quản lý và quản trị điều hành vận tải. Câu hỏi đặt ra là nếu doanh nghiệp vận tải Việt có công nghệ tiên tiến, chăm sóc khách hàng tốt đồng thời có những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành sản phẩm thì kể cả khi các doanh nghiệp ngoại có khả năng lấn lướt hay không?", anh Mạnh đặt câu hỏi.

Uber và Grab đã tiến vào nhiều nước trên thế giới nhưng không phải quốc gia nào họ cũng có thể đẩy taxi truyền thống vào tình cảnh khó khăn như tại Việt Nam. Theo Mạnh, thực tế ấy khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Các doanh nghiệp vận tải trong nước đã ứng dụng công nghệ và thay đổi để phù hợp với tình hình mới chưa?

Người sáng lập An Vui nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những luật chơi mới. Bây giờ, chúng ta không thấy công ty lớn thắng công ty nhỏ, mà chỉ thấy doanh nghiệp nhanh thắng doanh nghiệp chậm. Tiếng nói của khách hàng ngày càng trở nên quan trọng hơn nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội. Phương pháp marketing qua mạng xã hội cho phép doanh nghiệp tiếp cận hàng trăm triệu người với chi phí rất thấp.

"Các doanh nghiệp vận tải phải gấp rút cải thiện hoạt động chăm sóc khách hàng. Đây là điểm yếu chung của các hãng xe. Họ không lưu thông tin hành khách để có thể tiếp tục chăm sóc. Tôi tin rằng, nếu một hãng xe vận tải hành khách có đầy đủ thông tin của khách hàng sau mỗi chuyến và thường xuyên tổ chức chiến dịch chăm sóc hành khách cũ, doanh thu từ bán vé sẽ tăng rất mạnh", anh bình luận.

Một thực trạng đáng buồn mà Mạnh nêu ra là rất ít chủ hãng xe ở Việt Nam hiểu biết và quan tâm tới công nghệ, chứ chưa nói gì tới ứng dụng công nghệ vào quản lý và điều hành. Thực trạng ấy khiến các nhà xe tụt hậu và mất dần những lợi thế cạnh tranh. Công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng để giảm chi phí và nâng cao năng suất, nhưng thực tế đáng buồn là phần lớn doanh nghiệp vận tải trong nước vẫn thờ ơ với công nghệ.

"Chúng ta cần nhớ rằng Uber và Grab lấn lướt taxi truyền thống nhờ khả năng tận dụng công nghệ", Mạnh nói.

neu grab nhay vao mang xe khach lien tinh noi com cua cac nha xe se ra sao
Phan Bá Mạnh (người đứng ngoài cùng, bên trái), người điều hành công ty Công nghệ vận tải An Vui, cùng hai đồng nghiệp.

Trước kia, để có một thương hiệu nhiều người biết, doanh nghiệp phải kiên trì gây dựng hàng chục năm. Nhưng ngày nay, theo Mạnh, nếu chất lượng dịch vụ của hãng thực sự tốt, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ để truyền thông, chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều người sẽ biết tới doanh nghiệp.

"Hành khách ngày nay không chỉ cần đến đúng địa chỉ, mà cần một dịch vụ đẳng cấp. Trước kia hành khách chỉ cần ghế sạch đẹp, xe chạy đúng giờ. Ngày nay hành khách còn muốn tận hưởng những cảm giác an toàn và thoải mái. Họ cần wifi, nước uống, khăn lạnh, sạc điện thoại, xem phim. Thậm chí họ còn cần thư giãn và sử dụng món ăn nhẹ trên xe. Những nhà xe đi trước đón đầu xu thế chăm sóc hành khách đã gặt hái những thành công rất lớn như Interbuslines, Hải âu, BJC", Mạnh lập luận.

Sức người không thể giải quyết triệt để những công việc có tính lặp lại với tần số lớn. Nếu hãng xe muốn giải quyết triệt để những công việc như thế, họ sẽ cần một lực lượng lao động lớn. Vì vậy, Mạnh nói rằng ứng dụng phần mềm vào quản lý và điều hành là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhà xe giải quyết khó khăn trong thời đại mới. Công nghệ giúp mọi ngành tiết kiệm chi phí, thực hiện công việc chính xác và không gây nhầm lẫn, thất thoát. Những nhà xe ứng dụng phần mềm vào quản lý và điều hành sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành như gọi điện thoại, nhân sự bán vé, thống kê.

"Với hơn 10 năm làm việc trong ngành công nghệ thông tin từ việc xây dựng phần mềm quản lý siêu thị đến việc tư vấn xây dựng phần mềm quản lý sản xuất cho các nhà máy, tôi thấy rất rõ những thách thức và cơ hội của ngành công nghệ thông tin khi phục vụ cuộc sống. Những doanh nghiệp ứng dụng triệt để công nghệ thường tạo ra những bứt phá rất lớn. Grab là một minh chứng hùng hồn cho quy luật đó", Mạnh bình luận.

Kim Cương