Tài xế: 'Tiếc Uber vì họ lắng nghe đối tác, còn Grab chỉ áp đặt luật chơi'
Dân Đông Nam Á sẽ chịu tổn thất khôn lường nếu Uber 'đầu hàng' Grab |
Loại Uber khỏi Đông Nam Á, Grab sẽ dệt mộng vàng với người nghèo |
Uber chuyển nhượng thị trường Đông Nam Á cho Grab với dân số xấp xỉ 652 triệu người (số liệu 2018 theo Liên Hợp Quốc) tương đương 8.59% dân số thế giới. Rõ ràng, đây là một thị trường đầy tiềm năng.
Đương nhiên, nhiều người lo lắng khi Grab trở thành hãng xe ôm công nghệ giữ vị trí độc tôn ở Việt Nam trong thời gian tới vì không hãng nào đủ sức cạnh tranh, họ có thể nâng giá cước với khách hàng và tăng tỷ lệ chiết khấu với đối tác.
Nỗi lo của tài xế Grab
Nguyễn Văn Hưng - một tài xế Grab tại Hà Nội - nói rằng, từ trước đến nay Uber và Grab đến nay vẫn cạnh tranh nhau khốc liệt. Cũng vì thế mà hai hãng ra sức tăng lợi ích để thu hút đối tác.
"Nhưng bây giờ khác rồi, Grab chiết khấu bao nhiêu đối tác vẫn phải chịu", Hưng nhận xét.
Khi Uber và Grab sát nhập, nhiều tài xế lo ngại họ không thể làm gì khi Grab tăng tỷ lệ chiết khấu. Ảnh: Kiểu Oanh |
Đồng tình với quan điểm đó, anh Nguyễn Văn Cường, một tài xế Grab tại Hà Nội, nhận định rằng Mai Linh hay Didi đều chưa phổ biến nên số lượng người sử dụng thấp. Hợp tác với hai hãng đó chắc chắn tài xế không thể kiếm nhiều cuốc xe bằng Grab.
"Bây giờ tôi không chạy bên Grab thì biết chạy cho công ty nào?”, anh tâm sự.
Dương Văn Trường, một tài xế Grab, cho rằng việc Uber sáp nhập vào Grab đồng nghĩa với việc Grab sẽ có thêm số lượng lớn tài xế. Sự cạnh tranh giữa các tài xế sẽ trở nên căng thẳng hơn. Đây là điều anh lo lắng nhất lúc này.
"Rất nhiều buổi tối tôi chỉ chạy một chuyến vì tài xế Grab ngày càng đông. Nhiều khi không ai gọi, tôi phải chạy vòng vèo trên đường tìm khách".
Tài xế Uber: Người hào hứng, kẻ tính bỏ nghề
Sau khi Uber thông báo bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, nhiều đối tác của hãng đã bắt đầu nghĩ đến hướng đi tiếp theo. Một số người băn khoăn trước lựa chọn tiếp tục đồng hành cùng Grab, một số nghĩ đến chuyện gia nhập taxi truyền thống, thậm chí một bộ phận muốn bỏ nghề.
Cả tài xế lẫn khách hàng của Uber, Grab đều có nhiều quan điểm, tâm trạng về vụ sát nhập của Uber và Grab ở Đông Nam Á. Ảnh: Kiểu Oanh |
Tài xế Uber có thể chuyển sang Grab để hoạt động. Tất cả thông tin đăng ký Uber trước đây sẽ được chuyển sang Grab. Tuy nhiên, các tài xế Uber vẫn phải tham gia khoá đào tạo từ Grab.
Nếu tài xế đã có tài khoản Grab trước đó nhưng bị khoá vì vi phạm bộ nguyên tắc ứng xử của Grab thì họ không thể đăng ký hoạt động lại. Tài xế buộc phải lựa chọn hãng khác hoặc chuyển nghề.
Trần Nam Phương, một tài xế Uber 29 tuổi, phát biểu: “Tôi thấy việc Uber sáp ,nhập vào Grab không đáng sợ. Tôi sẵn sàng gia nhập Grab. Thậm chí, nếu Grab chiếm lĩnh thị trường, họ có khả năng sẽ tăng giá và chúng tôi sẽ hưởng lợi".
Trái ngược với suy nghĩ lạc quan đó, anh Đinh Vương Hoàng Vũ (TP Hồ Chí Minh) khẳng định anh sẽ không hợp tác với Grab vì chính sách bên họ hơi khó chịu.
"Bản thân tôi thấy Uber tạo môi trường làm việc rất thoải mái cho đối tác. Trong khi Grab áp đặt đối tác tuân theo bộ quy tắc ứng xử thì Uber lắng nghe tài xế", anh lập luận.
Vì chỉ hợp tác với Uber để có thêm thu nguồn thu nhập phụ nên anh Vũ không phụ thuộc vào công việc chở khách. Nhưng khi biết tin anh rất bàng hoàng.
Lại Đức Khang, một tài xế đăng ký cả Uber và Grab, cũng thừa nhận cách quản lý của Uber khiến anh cảm thấy thoải mái hơn và hãng luôn lắng nghe ý kiến của đối tác để điều chỉnh chính sách.
"Trong khi đó, Grab áp đặt mọi quy định và đối tác không có cơ hội phản đối", Khang nói.
Dù chạy cho Grab, nhưng Mạc Văn Định, một chàng trai ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, từng đăng ký Uber trước. Nhưng Uber không chấp thuận anh vì xe máy của anh không đạt yêu cầu. Vì thế anh buộc phải chuyển sang Grab.
"Khi tìm hiểu chính sách hai bên, tôi thấy Uber rất tôn trọng đối tác, còn Grab chỉ nịnh khách, bỏ mặc tài xế", anh bày tỏ quan điểm.
Bùi Thái Lâm, một tài xế Uber, chỉ ra rằng nếu chuyển sang Grab, anh sẽ phải chuẩn bị tâm lý để chịu đựng hàng loạt vấn đề. Chẳng hạn, khi khiếu nại phát sinh, Grab luôn ưu tiên khách hàng, chứ không coi trọng cả hai bên như Uber.
"Chỉ vì một chuyện cỏn con, Grab có thể chấm dứt hợp đồng với tài xế trong một nốt nhạc", anh khẳng định.
Lâm nói thêm rằng, tài xế Grab thường tốn nhiều tiền gọi điện thoại cho khách hơn so với tài xế Uber. Khi tài xế Uber tới điểm hẹn, nếu khách không xuất hiện sau 5 phút, họ có thể rời vị trí mà vẫn hưởng 12.000 đồng. Vì thế nên khách gọi Uber thường xuất hiện đúng hẹn, giúp tài xế tiết kiệm tiền gọi điện thoại.
"Khách mà muốn đổi lộ trình thì tài xế Grab sẽ thiệt vì cước phí vẫn không thay đổi theo lộ trình của khách. Đây là nhược điểm cực lớn của ứng dụng Grab. Ngoài ra, Grab không tích hợp bản đồ vào ứng dụng nên tài xế phải mở thêm một cửa sổ khác để xem bản đồ - một thao tác rất bất tiện", Lâm phân tích. Chưa hết, theo Lâm, tài xế không bao giờ biết khi nào Grab nhân giá, nhân bao nhiêu và ở khu vực nào.
"Chính sách thưởng rất chán. Có thưởng cũng như không vì các chương trình đều bất khả thi đối với tài xế", Lâm bình luận.
Từng mua ô tô để hợp tác với Grab trước khi chuyển sang Uber, anh Hoàng Minh Dũng, một người ở TP Hồ Chí Minh, hiểu rõ văn hóa làm việc của cả hai công ty.
"Về thái độ, nhân viên Uber tôn trọng chúng tôi hơn. Chúng tôi có quyền đánh giá cuộc gọi khi họ phản hồi. Uber luôn giải quyết mọi việc có tình, có lý theo đúng thỏa thuận. Còn nhân viên của Grab không tôn trọng tài xế. Nhiều khi họ dập máy mạnh khiến tài xế cảm thấy bực. Grab có thể cắt hoặc khóa tài khoản của đối tác mà không giải thích lý do", Dũng tâm sự.
Nhận xét riêng của Dũng là khách hàng gọi Uber thường sòng phẳng, lịch sự. "Nhiều khách xuống xe còn bo thêm cho tài xế và cảm ơn rất lịch sự", anh kể.
Nhưng khi còn làm với Grab, Dũng thường găp tình huống khách đặt xe rồi không đến, và nếu tài xế gọi thì không bắt máy. Nếu lúc ấy Dũng gọi tổng đài để hỗ trợ hủy chuyến thì tài khoản của anh sẽ bị trừ tiền vào cuốc tiếp theo.
"Sau ngày 8/4, ứng dụng Uber sẽ ngừng hoạt động, nhưng tôi sẽ giữ những kỉ niệm cho riêng mình. Cảm ơn uber đã đến và cho tài xế chúng tôi những trải nghiệm đẹp", anh nói.
Hàng nghìn người đã đến trung tâm hỗ trợ đối tác Uber ở Vạn Phúc chụp ảnh lưu niệm trong ngày 8/4. |
Với những tài xế Uber coi chạy xe là nguồn thu nhập chính, việc Uber chuyển nhượng lại thị trường cho Grab sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Nhiều người dự định chạy xe ôm truyền thống hoặc đổi nghề. Một số người khác sẵn sàng gia nhập Grab và cho rằng việc sát nhập không ảnh hưởng quá nhiều.
Nỗi niềm của khách hàng
Trong khi các tài xế của Uber và Grab bàn nhiều đến thu nhập hay chiết khấu, những người dân sử dụng dịch vụ đặt xe công nghệ chỉ quan tâm đến chất lượng, ưu đãi và giá cuớc.
Chị Trần Phương Dương, một người ở Hà Nội, cho biết: “Tôi nghĩ việc Grab độc quyền có thể xảy ra. Khi đó, lợi ích người sử dụng sẽ trực tiếp ảnh hưởng. Trước đây tôi thường sử dụng hai ứng dụng cùng lúc để xem bên nào cước rẻ hơn hay có khuyến mãi. Nhưng giờ thì gần như chỉ dùng được Grab.”
Giống như chị Phương, nhiều người lo lắng việc không còn đối thủ cạnh tranh sẽ khiến Grab tăng giá cước. Mặc dù vậy, nhiều người có ý kiến trái ngược.
Anh Trần Văn Hưng (31 tuổi) nhận định: “Tôi không nghĩ Grab có thể tự do đội giá vì họ làm ăn chuyên nghiệp. Hơn nữa, ngoài Grab khách hàng vẫn có lựa chọn khác nếu giá không hợp lý".