Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới oằn mình vì gánh nặng dân số già
Theo Bloomberg, hành lang công nghiệp - đô thị hiện đại kéo dài gần 500 km từ Tokyo đến Osaka là "Nhật Bản hạng A", nơi sở hữu các doanh nghiệp hiện đại, năng động và tích tụ khối tài sản khổng lồ.
Ngược lại, "Nhật Bản hạng B" là phần còn lại, bao gồm các thành phố và thị trấn nhỏ, đang ngày một suy tàn vì đa phần người trẻ ra đi, tới khu vực hạng A để tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Rất nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và suy giảm. Thậm chí Trung Quốc và Thái Lan có nguy cơ mắc kẹt trong cái bẫy "chưa kịp giàu thì đã già". Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia phát triển đầu tiên vật lộn với dân số già.
Dân số lão hóa khiến Nhật Bản lao đao. Ảnh: AFP.
Tương lai ảm đạm
Cửa hàng Misekko Asaminai ở tỉnh Akita nằm sâu trong "Nhật Bản hạng B". Cửa hàng tạp hóa này là nơi để cư dân lớn tuổi ở địa phương đến mua sắm và gặp gỡ, trò chuyện. Mỗi thứ năm hàng tuần, họ lại tổ chức một buổi hát hò.
Cơ sở mở cửa ba năm trước nhờ nguồn vốn chính phủ. Mục đích của mô hình này là giải quyết một phần vấn đề dân số già và suy giảm tại vùng nông thôn Nhật Bản. Tại đây, nhiều người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận với những dịch vụ cơ bản của cuộc sống hiện đại như chăm sóc y tế và mua sắm.
Bà Etsuko Kudo - 66 tuổi, một nhân viên cửa hàng - thừa nhận bà và những người cùng thế hệ rất sợ chuyện đến một ngày không thể tự lái xe đến cửa hàng và gặp bác sỹ, thăm hỏi bạn bè.
“Ở đây không có người trẻ, chỉ có người già với nhau… Bây giờ thì mọi thứ vẫn ổn, nhưng tôi cực kỳ lo ngại về tương lai của mình”, Bloomberg dẫn lời bà Kudo than thở.
Dân số Nhật Bản suy giảm trong giai đoạn 2014-2045. Ảnh: Bloomberg.
Theo Liên Hợp Quốc, dân số vùng nông thôn Nhật sẽ giảm thêm 17% trong 12 năm, từ 2018 đến 2030. Sau đó, tốc độ suy giảm sẽ duy trì ở mức 2% mỗi năm trong thập niên 2030. Để so sánh, dân số vùng nông thôn Mỹ chỉ giảm 7,4% từ năm 2018 đến 2030, trong khi tỷ lệ này ở Đức là 7,3%.
Trong thập niên 2040, tốc độ suy giảm dân số vùng nông thôn Nhật sẽ nhanh hơn hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Bulgaria và Albania. Nhiều chuyên gia dân số dự báo hàng trăm thành phố và thị trấn nhỏ ở Nhật sẽ trở nên hoang vắng hoàn toàn.
Và nhiều thành phố khác sẽ rơi vào tình trạng không thể ở được nếu so với các tiêu chuẩn hiện nay.
Vật lộn tại nơi bị lãng quên
Trên thực tế, ở thời điểm này, rất nhiều người bị bỏ lại ở vùng nông thôn đang vật lộn với cuộc sống hàng hàng. Theo khảo sát của Bộ nông nghiệp Nhật Bản năm 2018, hơn 80% thị trấn cho biết cần thực hiện những biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận nhu yếu phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Từ năm 2002 đến 2017, hơn 7.000 trường công lập trên toàn Nhật Bản - phần lớn ở khu vực nông thôn - phải đóng cửa do tỷ lệ sinh của quốc gia này tiếp tục duy trì ở mức quá thấp.
Trường học ngừng hoạt động, các dịch vụ khác biến mất hoặc trở nên khó tiếp cận hơn bao giờ hết, đa số gia đình trẻ ở nông thôn Nhật Bản có thêm lý do để di cư tới các thành phố lớn thuộc "hạng A".
Kỹ sư Sho Ohtani, 33 tuổi, là trường hợp điển hình. Anh rời quê hương Gifu, miền tây Nhật Bản đến Tokyo từ năm 21 tuổi, để theo học ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ. Giờ anh đang làm việc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Chẳng có gì tốt để tôi có thể nói về quê hương Gifu của tôi cả”, anh cho biết.
Bà Etsuko Kudo 66 tuổi, làm việc ở cửa hàng tạp hóa tại Akita. Ảnh: Bloomberg.
Việc thế hệ trẻ rời bỏ "Nhật Bản hạng B" để đến với "hạng A" kéo theo sự dịch chuyển cùng chiều của dòng tài sản. Nghiên cứu của Sumitomo Mitsui Trust Bank cho thấy trong 20-25 năm tính từ năm 2014, 2/3 số tỉnh ở Nhật Bản sẽ chứng kiến hơn 20% tài sản hộ gia đình chảy khỏi lãnh địa của chúng vì tình trạng này.
Theo Bloomberg, việc cản trở dòng dịch chuyển này là "nhiệm vụ bất khả thi". Nhiều nhà kinh tế Nhật Bản cho rằng chính phủ không nên cố gắng làm điều đó, thay vào đó nên tìm các giải pháp để giúp nền kinh tế thích nghi với tình trạng này.
Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đầu hàng. Tokyo tuyên bố sẽ hỗ trợ 3 triệu yen (27.000 USD) cho những người rời bỏ Tokyo và các khu vực lân cận để làm việc cho các công ty vừa và nhỏ hoặc mở doanh nghiệp. Ngoài ra, họ sẽ còn được trợ cấp giáo dục.
Mô hình quốc gia - thành phố
Chính sách này được đánh giá là đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người trẻ Nhật Bản, nhưng không thể thay đổi được bức tranh chung.
Giới chuyên gia đánh giá trên thực tế, các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn nhắm tới và chủ yếu đem lại lợi ích cho các thành phố lớn. Khu vực "Nhật Bản hạng A" chỉ chiếm 15% diện tích đất nước, nhưng tập trung tới 50% dân số cả nước.
Về phương diện chính trị, các chính sách của ông Abe đem lại hiệu quả lớn. Ông được dự báo là sẽ trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử đất nước sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Giới chuyên gia cho rằng chính phủ Nhật Bản nên tập trung nguồn lực cho Tokyo. Ảnh: Livejapan.
Chiến dịch kích thích tài khóa của ông Abe không hề tạo ra sự thay đổi nào ở "Nhật Bản hạng B". Thậm chí, các nhà kinh tế cho rằng các chương trình kích thích của Ngân hàng Nhật Bản càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng. Các thành phố và thị trấn nhỏ không có cơ hội hồi sinh.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia Kotaro Kuwazu thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, cho rằng Nhật Bản có thể phát triển tốt hơn trong thế kỷ 21 nếu nước này tự tái tạo thành một "quốc gia thành phố".
"Các thành phố sẽ thúc đẩy tương lai. Để cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản cần đầu tư thêm nhiều nguồn lực cho Tokyo, biến nó thành một siêu đô thị", chuyên gia Kuwazu khẳng định.
Theo ông, việc di dời người dân tới các thành phố lớn, có hạ tầng và dịch vụ hiện đại sẽ là giải pháp an toàn và hợp lý.