|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nên cho tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện

14:18 | 20/04/2020
Chia sẻ
Đây là ý kiến của một số đại biểu khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự luật được thảo luận ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/4. Tuy chuẩn bị trình Quốc hội thông qua nhưng nhiều ý kiến vẫn kêu đây là dự án luật "rất khó".

Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đầu tư PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự án Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Dự thảo Luật lần này quy định 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin).

Theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về lĩnh vực đầu tư dự án PPP đối với hệ thống truyền tải điện để thống nhất với quy định của Luật Điện lực, vì cho rằng truyền tải điện là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước nhằm bảo đảm an ninh nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện.

Còn dự thảo Báo cáo phân tích, "đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện, do đó việc cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực lưới điện không trái với quy định độc quyền của Nhà nước tại Luật Điện lực".

Trình bày thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định nguyên tắc là lĩnh vực nào doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không cần làm, vì thế thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP là đúng.

Tuy vậy, theo ông Dũng, thực tế hiện nay có một số dự án doanh nghiệp muốn có sự tham gia của Nhà nước, "ví dụ như các dự án điện, nước thì họ muốn Nhà nước tham gia để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng".

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cơ bản tán thành quy định về lĩnh vực đầu tư của dự luật. Nhưng về lưới điện, truyền tải điện mà không cho đối tác công tư thì cần tính toán lại. “Nhiều dự án, ngân sách Nhà nước chưa đủ để làm như ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, nhà máy điện mặt trời rất nhiều, nhưng không có truyền tải điện vì quá tải, vậy tại sao không cho PPP?”, ông Lưu đặt vấn đề.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước phải đảm nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm hoặc không đủ sức làm thì mới áp dụng PPP có hỗ trợ của Nhà nước thông qua giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư…

Đồng ý với Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, truyền tải điện là đang độc quyền. Truyền tải điện và các lĩnh vực nêu trong dự án Luật vừa rồi cũng đã được Thường vụ Quốc hội đồng tình đề nghị bổ sung, "sản xuất điện thì phải cân nhắc" -  ông Hiển lưu ý.

Song Thu