NĐT nên làm gì trong giai đoạn VN-Index tìm kiếm các điểm cân bằng mới với thanh khoản thấp?
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt, cho rằng thanh khoản hiện tại khá thấp nếu so sánh với thời điểm cao của thị trường. Tháng 11/2021 thì thanh khoản trung bình lên tới 40.000 tỷ đồng còn thời điểm hiện tại chỉ khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng, giảm khoảng 60%.
Con số 60% là rất lớn nếu ở điều kiện bình thường đối với thị trường, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng con số 15.000 – 16.000 tỷ đồng vẫn cao hơn con số trung bình của năm 2020. Như vậy vẫn có thể thấy thanh khoản vẫn tiến triển theo hướng tích cực trong 2 năm vừa qua và chúng ta cũng có một thị trường nhìn chung là có thanh khoản.
Đi cùng với diễn biến của chỉ số thời gian gần đây, trong bối cảnh thanh khoản thấp thì mức độ biến động của Index dựa trên các sự thay đổi về tâm lý của nhà đầu tư sẽ nhiều hơn.
Giả sử như việc Dow Jones giảm 1.000 điểm trong phiên 5/5 kéo theo sự phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên cuối tuần này (6/5). Tức là trong giai đoạn VN-Index đang điều chỉnh và đang tìm kiếm các điểm cân bằng mới với thanh khoản thấp thì biến động của VN-Index là tương đối lớn.
Ông Nam cho rằng thời điểm này nhà đầu tư không nên quá tập trung vào Index, là vì biên độ dao động trong các phiên đang ở mức cao. Thay vào đó nhà đầu tư nên tập trung vào các điểm mấu chốt hơn như vùng 1.260 – 1.300 điểm, hiện đang là ngưỡng hỗ trợ tương đối tốt.
Thứ hai, chúng ta nên nhìn vào các cổ phiếu riêng lẻ mà chúng ta đang quan tâm. Mặc dù VN-Index dao động nhưng VN30 về cơ bản đối với những mã đã tạo đáy trước đó thì hiện tại vẫn đang giao dịch tương đối ổn định. Đâu đó những cổ phiếu nhỏ vẫn đang có những rủi ro nhất định.
NĐT cần ứng xử phù hợp với các kịch bản của thị trường
Theo nhận định của đại diện công ty chứng khoán Mirae Asset, lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mở mới tham gia thị trường trong hai năm vừa qua cũng như đầu năm 2022 đã bị ảnh hưởng tâm lý vô cùng nặng nề.
Các cơ hội đầu tư lớn trở nên khó hơn trước rất nhiều. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ được đẩy lên mạnh mẽ, ngay cả những nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như bất động sản.
Nhà đầu tư cá nhân thường có khuynh hướng ưu thích cổ phiếu thị giá thấp, có thời điểm hơn 400 mã cổ phiếu dưới 10.000 đồng đều tăng lên mức trên mệnh giá 10.000 và thậm chí là cao hơn nữa. Sau giai đoạn thị trường điều chỉnh, có cổ phiếu điều chỉnh 30 - 50% thì mức độ hấp dẫn của các cổ phiếu đó dần mất đi trong mắt nhà đầu tư khiến nhà đầu tư ít giao dịch hơn những cổ phiếu như vậy.
Với nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, tài nguyên cơ bản hay bất động sản, phần lớn đỉnh cao của các cổ phiếu này đều rơi vào giai đoạn trước đó, thanh khoản từ đó tự động giảm xuống, đặc biệt những nhà đầu tư có kinh nghiệm bắt đầu hành động dè chừng hơn.
Tuy nhiên, bất kỳ thị trường nào cũng luôn có giai đoạn như vậy, điều quan trọng là chúng ta ứng xử như nào để phù hợp với kịch bản chung của thị trường.
Theo đại diện của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, quan điểm chủ đạo của chiến lược phát triển lần này là nhấn mạnh vào sự phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong ngắn hạn sẽ tăng cường tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết đăng ký giao dịch, tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm để đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương.
Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đưa thêm hàng hoá có chất lượng lên thị trường chứng khoán thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn và đưa doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá lên niêm yết. Đặc biệt, triển khai nghiên cứu nhằm tăng sản phẩm mới ở trên thị trường phái sinh, từ đó giúp có thêm nhiều loại hàng hoá giao dịch.