NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng gần 1.700 tỷ đồng tuần hồi phục, tập trung xả nhóm ngân hàng nhưng mua ròng mạnh nhất cổ phiếu BĐS
VN-Index trải qua một tuần giao dịch giằng co, rung lắc khi chỉ số chung liên tục dao động trong biên độ lớn và lực cầu chỉ xuất hiện trở lại vào những phiên cuối tuần giúp VN-Index phục hồi trở lại lên vùng 971.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index biến động với biên độ lớn vào 3 ngày đầu tuần với việc áp lực bán ngay lập tức xuất hiện trở lại khi chỉ số chạm kháng cự mạnh quanh vùng 970 - 980 kéo chỉ số chung về quanh khu vực 940. Lực cầu chỉ xuất hiện trở lại vào hai phiên cuối tuần với thanh khoản thấp phần nào cải thiện về mặt chỉ số nhưng vẫn cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại.
Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 971,46, tăng 2,13 điểm tương đương với 0,22% so với tuần trước. Diễn biến tương đồng với VN-Index, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng chịu sự rung lắc, tăng giảm đan xen, đè nặng áp lực tâm lý lên thị trường chung.
Dòng tiền ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng trong phiên cuối tuần với quy mô lên tới 962 tỷ đồng, tập trung mua HPG, CTG, STB. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài có tuần mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp, giá trị mua ròng trong tuần đạt 1.612 tỷ đồng trên HOSE.
Giao dịch ngược chiều với khối ngoại, NĐT cá nhân bán ròng 1.697 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên tính riêng khớp lệnh thì nhóm này bán ròng 1.555 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân trở lại gom ròng cổ phiếu bất động sản
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn về bên bán với tỷ lệ ngành bị bán ròng/mua ròng là 16/2. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu của các nhà băng. Nhóm này bị xả ròng 804 tỷ đồng dù chỉ số giá ngành ghi nhận hồi phục. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng giảm từ 23,68% về 18,53%.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 359 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống, trước khi rút ròng nhẹ hơn khỏi lần lượt một số ngành như hàng & dịch vụ công nghiệp (229 tỷ đồng), công nghệ thông tin (106 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (100 tỷ đồng), …
Ngoài ra, dòng tiền cá nhân rút ròng dưới trăm tỷ đồng khỏi các điện, nước & xăng dầu khí đốt, dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, dịch vụ tài chính, …
Chiều ngược lại, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm bất động sản với gần 372 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức hút của ngành này đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này có nhịp giảm 2,43% tuần qua.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 27,87% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 2,43% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có áp lực bán ra nhưng lực cầu đã dần xuất hiện.
NVL đã có giao dịch dù giá tiếp tục giảm sàn liên tiếp, PDR cũng có giao dịch nhưng lượng dư bán sàn còn nhiều. Nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều mã phục hồi nhưng vẫn nằm trong top các mã giảm điểm trong vòng một năm như DIG, CEO, IDJ, DXS, NVL.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bất động sản biến động mạnh trong tuần, bứt phá khỏi mức thấp nhất trong vòng 1 năm, chỉ số giá giảm nhẹ. Điều này cho thấy nhóm này có cầu vào mạnh tuy nhiên áp lực bán chủ động vẫn còn.
Chỉ số dòng tiền của nhóm bất động sản tăng mạnh suốt cả tuần cho thấy so với thị trường chung nhóm này thu hút dòng tiền mạnh hơn. Một nhóm ngành khác ghi nhận lực cầu từ cá nhân trong nước là hóa chất (51 tỷ đồng).
NĐT cá nhân chưa dừng xả VNM, song mua ròng mạnh nhất NVL
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện VNM của nhóm thực phẩm đồ uống với 327,1 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của khối ngoại và tự doanh.
Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu Vinamilk, CTG của Vietinbank cũng chịu lực xả ròng hơn 207 tỷ đồng. Tương tự, loạt cổ phiếu tài chính ngân hàng cũng nằm trong top bán ròng, bao gồm BID, SSI, STB, ACB với giá trị lần lượt là 171,3 tỷ đồng, 138,6 tỷ đồng, 121 tỷ đồng, 98,8 tỷ đồng.
Danh mục thoái ròng của cá nhân nội còn có sự góp mặt của HPG (123,6 tỷ đồng), VHM (114,4 tỷ đồng), FPT (107,8 tỷ đồng), VIC (105 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL của Novaland vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 326,9 tỷ đồng cổ phiếu NVL, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (212,5 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (210 tỷ đồng).
Cùng chiều, cổ phiếu DIG của DIC Corp cũng được mua ròng hơn 215 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Tương tự một số mã bất động sản cũng nằm trong Top gom ròng, bao gồm HDG và DXG với giá trị lần lượt 149,8 tỷ và 117,4 tỷ đồng.
Hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở DGC (207,5 tỷ đồng), VPB (46,5 tỷ đồng) và VCB (41,7 tỷ đồng). Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 cũng được mua ròng với giá trị 63 tỷ đồng