Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID tăng hơn 11%, thanh khoản toàn ngành giảm mạnh
17/27 mã tăng giá, BID tăng hơn 11%
Trong tuần giao dịch qua (21/11 - 25/11), sắc xanh chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 17/27 mã tăng giá, 9 mã giảm và một mã đứng tham chiếu.
Cụ thể, BID dẫn đầu ngành tuần qua với mức tăng 11,3%, kết tuần tại mức 40.000 đồng/cp, qua đó trở lại vùng giá hồi tháng 8 năm nay và cách đỉnh lịch sử 20%. Với đà tăng này, BID cũng là cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index tuần qua nếu tính theo số cổ phiếu lưu hành.
Một cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng trên 10% tuần qua là STB (+10,5%). Tiếp nối đà giao dịch "hưng phấn" của tuần trước đó, cổ phiếu này đã tăng hơn 25% sau 2 tuần giao dịch, là mã có diễn biến tích cực nhất toàn ngành trong nửa tháng trở lại.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu tăng giá còn điểm nhiều cái tên khác như LPB, BVB, SHB, ABB, OCB, CTG với mức từ 4,5% trở lên.
Ở chiều ngược lại, NVB cho thấy "bộ mặt" trái ngược so với tuần trước đó, khi giảm 5,3%, kết tuần còn 16.200 đồng/cp. Khác với BID, một cổ phiếu của "ông lớn" khác là VCB lại giảm 4,4%, qua đó là mã ngân hàng có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong tuần qua.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự điều chỉnh đáng kể trong tuần qua, với hơn 710 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư, thấp hơn gần 35% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương ứng ở mức 11.956 tỷ đồng, giảm 34%.
Trong đó, STB tiếp tục đứng đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch với 117,5 triệu cp được sang tay; song, con số này thấp hơn gần 28% so với tuần trước đó. STB cũng là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất có khối lượng giao dich trên 100 đơn vị trong tuần qua. Các cổ phiếu xếp sau đấy là LPB, SHB, EIB, MBB, VPB có khối lượng dao động từ 62 - 87 triệu đơn vị.
Xét về giá trị giao dịch, STB cũng đứng đầu với mức 2.068 tỷ đồng, gần gấp đôi của EIB đứng sau đó. Ngoài ra, không có cổ phiếu ngân hàng nào có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng trong tuần.
Đà tăng giá của BID đi cùng với tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài, khi nhóm này đã mua ròng 165 tỷ đồng cổ phiếu này trong tuần. Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng hơn 120 tỷ đồng CTG, 101 tỷ đồng STB và MBB. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 85 tỷ đồng VCB.
Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh không có động thái gom cổ phiếu ngân hàng, nhóm này đã bán ròng 58 tỷ đồng VPB trong tuần.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Vietcombank thông báo giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 1/11/2022 đến hết năm 2022.
Hai thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Kienlongbank là bà Nguyễn Thuỵ Quỳnh Hương và bà Trần Tuấn Anh xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
TCBS cho biết sẽ huỷ kế hoạch tăng vốn khủng lên hơn 9.200 tỷ trước đó và dự kiến thực hiện chào bán riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu cho ngân hàng mẹ Techcombank với giá dự kiến 95.600 đồng/cp, tổng số tiền thu về là hơn 10.000 tỷ đồng.
Ông Trần Trung Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành OceanBank được bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc OceanBank.
NHNN cho biết đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tổng phương tiện thanh toán hay cung tiền M2 đang có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, tổng phương tiện thanh toán (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) chỉ tăng 3,2% so với cuối năm 2021.
Theo thông tin từ NHNN, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,4-9,9%/năm trong tháng 10/2022.