|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 21 - 25/11: Khối ngoại mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng, tâm điểm VNM, FUEVFVND

08:00 | 26/11/2022
Chia sẻ
Tiếp nối xu hướng giải ngân ròng trong hai tuần gần đây, khối ngoại duy trì mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng trong tuần 21 - 25/11. Dẫn đầu chiều mua là VNM và chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị lần lượt 285,9 tỷ đồng và 248,2 tỷ đồng.

VN-Index đã có tuần thứ hai tăng điểm liên tiếp với mức tăng 2,13 điểm, tương đương 0,22% để chốt tuần tại mức 971,46. Trong tuần chỉ số đã xuất hiện nhịp điều chỉnh sau khi chạm mốc 970. VN-Index giảm trong 3 phiên đầu tuần và có trạng thái cân bằng sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ 936 - 940.

Liên tiếp hồi phục trong 2 phiên cuối tuần, trong đó chỉ số đã bứt tốc gần 24 điểm trong phiên 25/11 để vượt lên mốc 970. Top10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần được phân bổ đều cho các ngành ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, năng lượng, vật liệu, ...

Trong đó BID, VNM và GVR được coi là 3 "công thần" đưa sắc xanh trở lại với tổng mức đóng góp là 9,2 điểm. Ở chiều ngược lại, GAS, NVL và VCB là các lực cản chính cho đà hồi phục của thị trường chung và lấy đi 12,9 điểm của VN-Index.

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 3 liên tục

Tiếp nối xu hướng giải ngân ròng trong hai tuần gần đây, khối ngoại duy trì mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng trong tuần qua.

Trong danh mục Top10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trên HOSE, dẫn đầu là cổ phiếu VNM của Vinamilk với giá trị 285,9 tỷ đồng. Tuần qua, VNM có nhịp tăng gần 6,8% và là một trong những lực đỡ tích cực nhất trên thị trường.

Mới đây, quỹ ngoại Platinum Victory Pte. Ltd đăng ký mua vào gần 21 triệu cổ phiếu VNM thông qua phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 16/12. Nếu giao dịch thành công, quỹ Singapore sẽ nâng sở hữu tại VNM lên 243 triệu cổ phần, tương đương 11,62% vốn điều lệ của Vinamilk.

Dòng tiền ngoại theo sau mua ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND của quỹ ETF VFMVN Diamond với giá trị 248,2 tỷ đồng.  Bên cạnh đó, giao dịch tương tự trong tuần cũng được ghi nhận ở một số cái tên thuộc nhóm vốn hóa lớn như HPG (174,5 tỷ đồng), BID (165,2 tỷ đồng), MSN (137,6 tỷ đồng), VIC (126,1 tỷ đồng), CTG (120,7 tỷ đồng), VHM (115,9 tỷ đồng), SSI (104,6 tỷ đồng), STB (101,6 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DGC tiếp tục dẫn dầu danh mục bán ròng với 242,9 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 4,7 triệu đơn vị.

Tương tự, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu ngành bất động sản như NVL (206,4 tỷ đồng), DXG (74,3 tỷ đồng), DIG (47,5 tỷ đồng), ... Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng là VCB (84,6 tỷ đồng), GAS (61,1 tỷ đồng), E1VFVN30 (49,6 tỷ đồng), PC1 (33,3 tỷ đồng), FTS (32,7 tỷ đồng), GEX (32 tỷ đồng), ...

Khối ngoại duy trì mua ròng hơn 150 tỷ đồng

Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên mua với quy mô gom ròng hơn 151,5 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu PVS dẫn đầu danh mục giải ngân với quy mô lên tới 81,45 tỷ đồng. Đây là mã đóng góp phần lớn giá trị mua ròng và tập trung trong các phiên thị trường điều chỉnh tuần. Nối tiếp, dòng tiền ngoại còn tìm đến các mã IDC (41 tỷ đồng), TNG (11,49 tỷ đồng), PVI (7,88 tỷ đồng), DTD (5,84 tỷ đồng), ...

Khối này tập trung chốt lời cổ phiếu VCM của Nhân lực và Thương mại Vinaconex hơn 11 tỷ đồng.  Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã quen thuộc với quy mô dưới 1 tỷ đồng, điển hình như NTP (398 triệu đồng), BCC (242 triệu đồng), MBG (239 triệu đồng), NVB (157 triệu đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

QNS dẫn đầu Top mua ròng trên thị trường UPCoM 

Tiếp nối xu hướng mua ròng thời gian gần đây, khối ngoại rót ròng trên thị trường UPCoM với quy mô gần 38 tỷ đồng.

Cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi tiếp tục thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại khi được mua ròng 14,5 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như ACV (5,8 tỷ đồng), VEA (5,3 tỷ đồng), MCH (4,2 tỷ đồng), TED (2,1 tỷ đồng), ...

Chiều bán giao dịch không có nhiều điểm nhấn khi giá trị rút ròng của Top5 chỉ quanh mức 1 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại tập trung bán ròng 1,1 tỷ đồng cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Kế đến, một số mã với lực xả khiêm tốn hơn, ví dụ như SKH, BDT, SBS, CMD, ...

Dưới góc nhìn kỹ thuật, nhịp điều chỉnh trong tuần tạm lắng xuống cũng xác nhận VN-Index có đáy mới cao hơn ở vùng 940 (đáy trước tại vùng 880). Theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, xu hướng tăng điểm ngắn hạn trở lại, đồng thời chỉ số cũng vượt kênh giảm điểm trung hạn sau phiên cuối tuần giúp xu hướng trung hạn cải thiện lên trạng thái đi ngang. 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo