NĐT cá nhân rót hơn 1,8 tỷ USD vào thị trường nửa đầu năm, cân lực bán nhiều bluechip từ khối ngoại
NĐT cá nhân mua ròng 42.193 tỷ đồng
Trong 6 tháng giao dịch đầu năm 2021, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những phiên giao dịch thăng hoa với giá trị giao dịch một vài phiên cá biệt chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Thanh khoản bình quân tính riêng trong tháng 6 đạt 1 tỷ USD mỗi phiên.
Tính từ đầu năm đến hết 30/6, VN-Index tăng gần 28%, HNX-Index nhảy vọt 59% và UPCoM-Index thêm 21%. Vốn hóa của thị trường chứng khoán cũng đi lên tương ứng. Giá trị niêm yết của riêng sàn HOSE đã tăng hơn 1,2 triệu tỷ trong 6 tháng đầu 2021, sàn HNX thêm 156.000 tỷ và thị trường UPCoM tăng khoảng 133.000 tỷ.
Thống kê theo nhóm NĐT, khối ngoại, các tổ chức trong nước và tự doanh đều duy trì đà bán ròng với xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, khối ngoại bán ròng tới 29.332 tỷ đồng sau 6 tháng, trong đó giá trị rút ròng trong quý II là 15.519 tỷ đồng, tăng 12,3% so với quý trước đó. Cùng chiều, tự doanh và các tổ chức trong nước bán ròng 12.860 tỷ đồng sau 6 tháng, quý II tăng nhẹ 4,98%.
Không nằm ngoài dự đoán, với lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt 480.000 tài khoản, cao hơn 20% số lượng tài khoản chứng khoán được mở cả năm 2020, dòng tiền khổng lồ từ các cá nhân trong nước trở thành lực kéo chính cho đà tăng điểm của thị trường. Tính riêng quý II/2021, họ mua ròng 22.105 tỷ đồng trên sàn HOSE, đưa tổng giá trị mua ròng 6 tháng đầu năm lên ngưỡng 42.193 tỷ đồng. Tài nguyên cơ bản (thép) và ngân hàng là hai nhóm ngành được cá cá nhân trong nước lựa chọn giao dịch nhiều nhất.
HPG dẫn đầu top mua ròng với 13.820 tỷ đồng
Dẫn đầu chiều mua ròng, HPG của Hòa Phát ghi nhận giá trị mua ròng khủng lên tới 13.820 tỷ đồng sau 6 tháng. Đặc biệt, tính riêng trong quý II, các cá nhân trong nước mua ròng tới 9.850 tỷ đồng cổ phiếu HPG.
Lực cầu đột biến này được lý giải do giá thép toàn cầu tăng đột biến đã giúp hoạt động kinh doanh của Hòa Phát hưởng lợi. Cụ thể, giá thép trung bình 6 tháng đầu năm 2021 vẫn cao hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của Chứng khoán VNDirect. Ngoài ra, việc nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao trở lại nhờ tín hiệu phục hồi kinh tế cũng là yếu tố tích cực ảnh hưởng đà tăng trưởng của HPG. Theo ước tính, lãi sau thuế của tập đoàn trong quý II đạt khoảng 2.700 tỉ đồng, tăng trưởng gần 32% so với cùng kì năm ngoái.
Mặc dù liên tục bị chốt lãi trong thời gian gần đây, cổ phiếu VNM của Vinamilk vẫn là mã được mua ròng lên tới 6.192 tỷ đồng. Tuy vậy, giá trị vào ròng trong quý II giảm mạnh 56,6% so với quý I do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm do dịch bệnh khiến cho lợi nhuận sau thuế tính riêng quý I của Vinamilk giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Là nhóm cổ phiếu liên tục dẫn dắt sóng tăng của thị trường, CTG, MBB, VPB và BID là bốn đại diện ngành ngân hàng được các cá nhân "chọn mặt gửi vàng" trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, CTG được mua ròng 5.594 tỷ đồng, theo sau là MBB (4.312 tỷ đồng), VPB (4.182 tỷ đồng) và BID (1.428 tỷ đồng).
Theo ghi nhận, trên đây đều là những ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I và có kế hoạch tăng vốn để tiếp tục tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, VPB là cổ phiếu gây sự chú ý trong tháng 6 với kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ khủng 80% cho cổ đông hiện hữu.
Cùng chiều, dòng tiền NĐT cá nhân cũng tìm đến các mã HNG (3.146 tỷ đồng), POW (2.268 tỷ đồng), PLX (1.403 tỷ đồng), DXG (1.371 tỷ đồng).
Ở chiều giao dịch ngược lại, bộ đôi họ Vingroup là VHM (2.796 tỷ đồng), VIC (1.670 tỷ đồng) dẫn đầu chiều bán ròng. Ông lớn họ bất động sản NVL cũng ghi nhận giá trị rút ròng đạt 1.633 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân khá đối ứng với khối ngoại, khi VHM, VIC và NVL liên tục nằm trong top mua ròng của các NĐT nước ngoài.
Theo sau, dòng vốn cá nhân trong nước rút khỏi PDR và STB với giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Một số cổ phiếu ghi nhận giá trị bán ròng khiêm tốn hơn là CVT (832 tỷ đồng), GMD (732 tỷ đồng), PNJ (710 tỷ đồng), OCB (541 tỷ đồng).