|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân hướng đến nhóm bất động sản, ngân hàng khi VN-Index tăng gần 30 điểm

06:35 | 21/07/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index lấy lại gần 30 điểm, NĐT cá nhân tập trung mua ròng hơn 300 tỷ đồng cổ phiếu bất động sản, ngân hàng. Tâm điểm mua ròng là họ Vingroup cùng loạt cổ phiếu bất động sản, theo sau bởi nhóm ngân hàng.

NĐT cá nhân mua ròng trở lại khi VN-Index ngược dòng hồi phục

Giao dịch bùng nổ tại nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép dẫn dắt VN-Index ngược dòng ngoạn mục trong phiên chiều. Kết phiên, VN-Index tăng 29,78 điểm (2,39%) lên 1.273,29 điểm, HNX-Index tăng 3,1% lên 301,11 điểm, UPCoM-Index tăng 1,33% lên 83,69 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị tường đạt 725,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 21.226 tỷ đồng. Riêng thanh khoản khớp lệnh trên HOSE bật tăng 42% so với phiên liền trước lên 16.649 tỷ đồng.

NĐT cá nhân  - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

Trên kênh khớp lệnh, khối ngoại cùng tự doanh đồng loạt chuyển hướng bán ròng khi cổ phiếu đồng loạt phục hồi mạnh trong phiên. Cụ thể, khối ngoại bán xả ròng 363 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, nhóm tự doanh cũng rút ròng 83 tỷ đồng. 

Các tổ chức trong nước vẫn mua ròng 409 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên giảm điểm trước đó. NĐT cá nhân trong nước cũng trở lại mua ròng nhẹ 36 tỷ đồng khi thị trường xuất hiện tín hiệu phục hồi kỹ thuật.

Mua ròng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản, ngân hàng 

Thống kê theo từng ngành, các cá nhân trong nước giải ngân mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Đây là hai nhóm ảnh hưởng lớn đến đà hồi phục của VN-Index trong phiên, với lần lượt 3,1 điểm và 12,4 điểm ảnh hưởng. 

Lực cầu được ghi nhận mạnh nhất tại nhóm bất động sản với 308 tỷ đồng giá trị mua ròng, gấp 6 lần phiên liền trước. Theo sau, NĐT trở lại mua ròng 76,2 tỷ đồng các cổ phiếu ngân hàng trong phiên nhóm này đồng loạt dậy sóng.

Trái lại, nhóm này bán ròng gần 135 tỷ đông ngành tài nguyên cơ bản. Theo sau, dịch vụ tài chính và thực phẩm & đồ uống lần lượt ghi nhận mức bán ròng trên 60 tỷ đồng.

NĐT cá nhân  - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tâm điểm mua ròng là MSB, STB, NVL

Thống kê top10 mã được NĐT cá nhân mua ròng nhiều nhất tromg phiên 20/7, có 3 đại diện thuộc ngành ngân hàng cùng 7 cái tên còn lại của ngành bất động sản.

Hai mã duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng là MSB của Ngân hàng Hàng hải và STB của Sacombank, trong đó MSB dẫn đầu chiều mua với 124,3 tỷ đồng, còn STB được mua ròng 110,7 tỷ đồng. Lực mua trở lại STB ngay sau phiên mã này bị NĐT cá nhân xả đồng loạt gần 200 tỷ đồng (19/7). 

Cũng thuộc nhóm ngân hàng, cổ phiếu của ngân hàng quốc doanh VCB tiếp tục được mua ròng gần 41 tỷ đồng mã này, gấp hơn 2 lần so với phiên trước. Kết phiên, cổ phiếu VCB đóng cửa tại 100.300 đồng/cp, hồi phục 3,3%.

Dòng tiền NĐT cá nhân tìm đến hàng loạt gương mặt của nhóm bất động sản. Đáng chú ý, bộ ba nhà Vingroup là VIC (81,9 tỷ đồng), VRE (74,4 tỷ đồng), VHM (31,5 tỷ đồng) đồng loạt xuất hiện tại top mua ròng. Chiều mua cũng ghi nhận sự góp mặt của NVL (82,2 tỷ đồng), KDH (66,6 tỷ đồng), HDG (26,5 tỷ đồng). Cổ phiếu GVR cũng được mua ròng nhẹ 23,6 tỷ đồng sau khi lọt vào rổ VN30 trong đợt cơ cấu tháng 7 của sàn HOSE.

NĐT cá nhân  - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tại chiều bán ròng, các cá nhân giao dịch mạnh nhất cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Đây cũng là mã duy nhất bị xả ròng với giá trị trên 100 tỷ đồng trong phiên. Dù vậy, giao dịch đột biến tại HPG giúp cổ phiếu đóng cửa tăng kịch trần 6,8%, đưa vốn hóa HPG tăng thêm hơn 13.400 tỷ đồng chỉ sau phiên 20/7.

Cổ phiếu VPB tiếp tục bị xả ròng 85,3 tỷ đồng, giảm gần 40% so với phiên giảm sàn trước đó. Theo ghi nhận, VPB đã bị đẩy khỏi top10 vốn hóa thị trường sau khi liên tục bị khối ngoại xả ròng kể từ đầu tháng 7 do bị giới hạn room ngoại ở mức 15%. Một số mã ngân hàng khác bị bán ròng phải kể đến HDB (47,4 tỷ đồng), MBB (35,2 tỷ đồng), LPB (30,6 tỷ đồng).

Cùng chiều, dòng vốn ngoại rút khỏi loạt cổ phiếu bluechip gồm VNM (75,2 tỷ đồng), SSI (56,7 tỷ đồng), HSG (50,3 tỷ đồng), GEX (39,9 tỷ đồng), FPT (31,3 tỷ đồng).

Thảo Bùi