|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân gom hơn 3.000 tỷ đồng trên HOSE tuần qua trong khi tự doanh cùng tổ chức trong nước đồng thời rút vốn

08:43 | 19/04/2021
Chia sẻ
Trong tuần trước, cùng chiều khối ngoại, khối tự doanh và các tổ chức trong nước đồng thời bán ròng hàng trăm tỷ đồng, tập trung giao dịch nhóm ngân hàng. Ngược lại, duy nhất NĐT cá nhân rót hơn 3.000 tỷ đồng vào sàn HOSE.

NĐT cá nhân gom hơn 3.000 tỷ đồng tuần qua trên HOSE

Áp lực bán tăng tại vùng đỉnh trong tuần qua, VN-Index tiếp tục đi ngang với thanh khoản ở mức cao. Chỉ số chủ yếu giằng co giữ mốc 1.250 điểm trong 4 phiên đầu tiên nhưng đã giảm về dưới ngưỡng 1.240 điểm vào phiên thứ Sáu. Thị trường ghi nhận 2/19 ngành tăng điểm và 113 cổ phiếu tăng so với 282 cổ phiếu giảm.

Trong bối cảnh thị trường lình xình, khối ngoại là bên bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Cùng với đó, các tổ chức trong nước cũng duy trì đà bán ròng cả tuần đạt 575 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng ngành 11/18 ngành tập trung vào nhóm tài nguyên cơ bản (HPG) , ngân hàng (MSB, ACB, OCB). Trong khi đó họ mua ròng ngành dịch vụ tài chính (SSI, VCI), Công nghệ thông tin (FPT).

Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư cá nhân quay lại mua ròng 3.040 tỷ đồng trên HOSE trong đó mua ròng khớp lệnh là 3.035 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản (VHM, KDH, KBC, NLG, IJC), ngân hàng (CTG BID, VCB, VPB, MSB), thực phẩm và đồ uống (VNM).

Trong khi đó họ bán ròng 3/18 ngành bao gồm công nghệ thông tin (FPT), dịch vụ tài chính (SSI, HCM).

Khối tự doanh bán ròng trăm tỷ đồng tuần qua, tập trung giao dịch nhóm ngân hàng

Riêng bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 135 tỷ đồng tuần qua với khối lượng 11,3 triệu đơn vị. Thống kê giá trị giao dịch từng phiên cho thấy hoạt động bán ròng của khối tự doanh diễn ra phần lớn các ngày trong tuần, tập trung vào thứ Tư (180 tỷ đồng) và thứ Năm (145 tỷ đồng).

NĐT cá nhân gom hơn 3.000 tỷ đồng trên HOSE tuần qua trong khi tự doanh cùng tổ chức trong nước đồng thời rút vốn - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Về giá trị giao dịch cụ thể, tại phía mua vào, cổ phiếu VIC dẫn đầu với giá trị 79 tỷ đồng. Cùng "họ Vingroup" còn có VHM và VRE lần lượt ghi nhận giá trị mua 36 tỷ đồng và 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh rót tiền vào cổ phiếu HPG (38 tỷ đồng), MWG (22 tỷ đồng) và FPT (20 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính quý I/2021 của Chứng khoán TP HCM (HSC – Mã: HCM) cho biết danh mục cổ phiếu đầu tư tại thời điểm 31/3 có tổng giá trị thị trường 152 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 161 tỷ đồng.

So với ngày đầu năm, danh mục đầu tư của HSC đã giảm gần 87%, nhiều cổ phiếu bị bán sạch trong đó có VNM. Ngược lại, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Chứng khoán HSC là HPG và MWG.

NĐT cá nhân gom hơn 3.000 tỷ đồng trên HOSE tuần qua trong khi tự doanh cùng tổ chức trong nước đồng thời rút vốn - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng là tâm điểm giao dịch của khối tự doanh trong tuần qua. Một số mã được khối này mua vào như TCB (30 tỷ đồng), MBB (20 tỷ đồng) và STB (18,6 tỷ đồng).

Ngược lại, dòng vốn tự doanh rút khỏi cổ phiếu CTG (61 tỷ đồng), kế đến còn có TCB (52 tỷ đồng), MBB (27 tỷ đồng). Cùng chịu áp lực bán ra từ khối tự doanh trong tuần còn có cổ phiếu VPB (27 tỷ đồng), STB (23 tỷ đồng) và VCB (21 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, khối tự doanh còn bán các mã khác như HPG (58 tỷ đồng), VNM (30 tỷ đồng), MWG (21 tỷ đồng).

Liên quan đến cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, trong ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra tới đây, HĐQT công ty sẽ trình đại hội thông qua việc cho phép Chủ tịch Trần Đình Long và con trai là Trần Vũ Minh được nhận chuyển nhượng cổ phiếu HPG để nâng tỷ lệ sở hữu quá các mức quy định tại Điều 35, Luật Chứng khoán 2019 (35%, 45%, 55%, 65%, 75%) mà không cần chào mua công khai.

Hiện nay ông Long đang sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 26,08% vốn của Hòa Phát. Con trai là Trần Vũ Minh nắm giữ 48 triệu đơn vị, tương đương 1,45%.

Tại thị trường chứng chỉ quỹ, khối tự doanh mua vào chứng chỉ E1VFVN30 (41 tỷ đồng) nhưng bán ra FUEVFVND (27 tỷ đồng).

Thu Thảo