NĐT cá nhân chuyển bán ròng hơn 3.550 tỷ đồng trong tuần trước Tết Nguyên đán, tập trung xả SSI, HPG, CTG
Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch, khối ngoại quay lại mua ròng 2.520 tỷ đồng trên HOSE. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chuyển bán ròng 3.551 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 3.398 tỷ đồng.
VN-Index đóng cửa tuần thứ 3 của năm 2023 với toàn bộ các phiên tăng điểm, có thêm 49,91 điểm tương đương 4,52% đóng cửa tại 1.108,08 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.766 tỷ đồng, tăng 12% so với tuần trước đó, nhưng giảm 6% so với trung bình 5 tuần gần đây. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm tài nguyên cơ bản, chứng khoán, bán lẻ, trong khi giảm ở nhóm bất động sản, xây dựng & vật liệu, thực phẩm & đồ uống.
Bộ đôi VCB, BID tiếp tục dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực lên VN-Index khi giúp chỉ số chính tăng lần lượt 8,59 điểm và 5,45 điểm. Chiều giảm điểm chủ yếu gọi tên REE và NVL, tuy nhiên tổng mức ảnh hưởng không đáng kể.
Về hoạt động của khối ngoại, nhóm này quay lại mua ròng 2.520 tỷ đồng trên HOSE. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chuyển bán ròng 3.551 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 3.398 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng bên bán với 15/18 nhóm ngành bị bán ròng. Xu hướng này kéo dài trong khoảng 3 tháng gần đây.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 1.042 tỷ đồng.
Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu nhà băng có một tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng toàn ngành là 7,03% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng từ 22,36% xuống 22,67%, dẫn đầu toàn thị trường.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 655 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính, trước khi rút ròng cổ phiếu dịch vụ tài chính (336 tỷ đồng), bất động sản (335 tỷ đồng), …
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 14,8% toàn thị trường, chỉ số giá tăng 8,39%. Các cổ phiếu tăng mạnh trong tuần gồm PHS, VIG, VND, APS, FTS, VCI, BS, SBS, SHS,TCI, toàn bộ tăng từ 10% trở lên trong đó riêng PHS tăng 35,1%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm chứng khoán tiếp tục tăng trong tuần, chỉ số giá tăng cho thấy cầu chủ động tăng.
Chỉ số dòng tiền của nhóm chứng khoán tiến sát mức cao nhất trong vòng 1 năm cùng với giá tăng cho thấy dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn thị trường chung rất nhiều.
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành hàng cá nhân & gia dụng tiếp tục dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 37 tỷ đồng. Tương tự, nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt và y tế cũng được gom ròng với giá trị thấp hơn.
Tâm điểm bán ròng SSI, HPG, CTG
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện SSI của ngành chứng khoán với 345,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài, khối tự doanh và tổ chức trong nước.
Về tình hình hình doanh, Chứng khoán SSI vừa thông báo kết quả kinh doanh quý IV/2022 với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV/2022 đạt lần lượt 1.351 tỷ đồng và gần 289 tỷ đồng.
Cả năm 2022, Chứng khoán SSI ghi nhận tổng doanh thu đạt 6.528 tỷ và lợi nhuận trước thuế gần 2.110 tỷ đồng, thấp hơn mức 3.365 tỷ đồng của năm 2021.
Nguồn thu lớn nhất của SSI đến từ mảng dịch vụ chứng khoán, đóng góp 3.564 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động đầu tư mang về hơn 2.069 tỷ đồng cho công ty và mảng nguồn vốn và kinh doanh tài chính thu về 635 tỷ đồng.
Tương tự, một số cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng nằm trong top bán ròng, như CTG, VND, STB, VCB, BID với giá trị 132 - 233 tỷ đồng. Nằm ngoài top 10 còn có MBB, TCB, HCM, VIB với quy mô dưới 100 tỷ đồng.
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG (318,2 tỷ đồng), VNM (147,6 tỷ đồng) và FPT (109,4 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, lực cầu yếu thế nên không mã nào được rót ròng trên 100 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu REE của Cơ điện lạnh vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 55,6 tỷ đồng cổ phiếu REE, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (60 tỷ đồng).
Cùng chiều, một số đại diện khác của nhóm điện, nước, xăng dầu khí đốt cũng được mua ròng là GAS (12,5 tỷ đồng), NT2 (12,3 tỷ đồng).
Mặc dù bán ròng nhiều cổ phiếu vua, MSB lại được các cá nhân trong nước mua ròng 19,7 tỷ đồng. Vừa qua, tại ngày 21/12/2022, Bất động sản Thành Vinh đã mua vào hơn 12 triệu cổ phiếu MSB, nâng lượng cổ phần sở hữu từ 94,6 triệu đơn vị lên hơn 106,6 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 5,371% vốn điều lệ và có mặt trong danh sác cổ đông lớn của ngân hàng này.
Danh mục giải ngân của cá nhân trong nước còn gọi tên PNJ, BMP, KDC, DCM, KBC, PTB … với quy mô dưới 55 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/