|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Navico tìm kiếm đối tác chiến lược, quay trở lại thị trường xuất khẩu Mỹ

17:05 | 07/10/2019
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) đang đệ đơn xin phép Bộ Thương mại Mỹ cho phép xuất khẩu trở lại sang Mỹ sau khi phải tạm dừng trong bối cảnh cuộc chiến cá thịt trắng mà Mỹ nâng cao rào cản thương mại đối với cá tra Việt nam.
ca-tra-555

Navico tìm kiếm đối tác chiến lược, trở lại thị trường xuất khẩu Mỹ.

Navico tập trung mạnh vào xuất khẩu cá tra sang Mỹ từ năm 2002 và trở thành nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất trên thị trường Mỹ vào năm 2007. 

Tuy nhiên, công ty đã ngừng xuất khẩu cá tra sang Mỹ vào năm 2014 khi Mỹ chuyển sang áp thuế chống bán phá giá cao đối với các sản phẩm từ Việt Nam, theo Seafood Source.

Quan hệ hợp tác với Mỹ là một phần trong những kế hoạch đầy tham vọng của Navico nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của công ty trong tương lai, ông Doãn Chí Thiên, thành viên Hội đồng quản trị kiêm trợ lí tổng giám đốc phát biểu trong cuộc triển lãm thủy sản Vietfish 2019, diễn ra từ ngày 29 - 31/8 tại TP HCM. 

Navico bắt đầu đề xuất lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vào tháng 6. Công ty đã gửi yêu cầu tới chính quyền Mỹ để tiếp tục vận chuyển và đã vận chuyển một container phục vụ quá trình kiểm tra. 

Yêu cầu sẽ được xem xét vào năm 2020. Navico dự kiến nhận được quyết định cuối cùng về việc có được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ vào năm 2021 hay không, ông Thiên cho biết.

Tuy nhiên ông Thiên nhấn mạnh công ty sẽ tiếp tục đa dạng hóa xuất khẩu và sẽ không phụ thuộc vào bất kì thị trường nào.

Xây dựng trang trại công nghệ cao

Navico đã tiến hành xây dựng trang trại cá tra thế kỉ tại xã Bình Phú tỉnh An Giang như một phần kế hoạch quay trở lại Mỹ, một trong những thị trường quan trọng nhất đối với các nhà xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Navico dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và bắt đầu hoạt động tại trang trại vào quí II/2020, ông Thiên cho biết. Trang trại mà Navico xây dựng sẽ là trang trại cá tra lớn nhất tại Việt Nam, hiện đã hoàn thành hơn 80%.

Tháng 7, công ty đã đưa 20 ao nuôi các giống cá tra chất lượng cao và 150 ao nuôi cá tra vào hoạt động. 

Vụ thu hoạch đầu tiên sẽ diễn ra tại Bình Phú vào tháng 10 và dự kiến đạt tổng khối lượng 20.000 tấn vào cuối năm nay. Sản lượng sẽ tăng lên 100.000 tấn vào năm 2020 và lên tới 250.000 tấn vào năm 2021.

Navico bắt đầu hoạt động xây dựng tại Bình Phú vào ngày 8/19. Công ty cho biết qui mô đầu tư ban đầu là 4.000 tỉ đồng (tương đương 172 triệu USD, 150 triệu euro) để xây dựng dự án gồm trang trại rộng 600 ha tại tỉnh An Giang.

Dự án sẽ gồm 150 ha ao nuôi giống cá tra chất lượng cao, dự kiến sẽ cung cấp 360 triệu cá giống mỗi năm cho Navico và các trang trại sản xuất khác trong khu vực. 450 ha còn lại sẽ sản xuất khoảng 200.000 tấn cá tra để xuất khẩu.

Navico cho biết thêm dự án sẽ áp dụng tiêu chuẩn Global G.A.P.

Dự án được trang bị các công nghệ tiên tiến gồm công nghệ nano và bộ kích hoạt Bakture từ Nhật Bản để xử lí nước. Ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo năng suất cao trong việc nuôi cá tra.

Dự án sẽ cho phép Navico thực hiện chuỗi giá trị khép kín của mình bằng cách tự cung cấp tất cả các giống cá tra.

Mở rộng công suất, bán cổ phần theo kế hoạch

Navico cũng đang trong quá trình mở rộng năng lực chế biến để đáp ứng sự gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Công ty có kế hoạch nâng công suất xử lí thực tế lên 600 tấn/ngày vào cuối năm nay, theo ông Thiên.

Công suất thiết kế tại 4 nhà máy của công ty tổng đạt 1.200 tấn/ngày. Công suất hiện tại đạt hơn 500 tấn/ngày, tương đương 45% tổng công suất. Navico sẽ tăng công suất lên khoảng 840 tấn/ngày vào năm 2020, tương đương 70% tổng số.

Sự gia tăng trong sản lượng là do nhu cầu cao hơn đối với cá tra từ Trung Quốc, Trung Đông và Ấn Độ.

Trong nửa đầu năm nay, công ty có doanh thu 1,975 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước. Công ty thu về khoản lãi ròng 353 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kì năm ngoái. 

Navico đặt mục tiêu đạt giá trị doanh thu 6.000 tỉ đồng và 700 tỉ đồng lợi nhuận ròng trong năm 2019.

Ban lãnh đạo công ty đang xem xét kế hoạch bán một phần cổ phần cho đối tác chiến lược như một phần của việc tái cấu trúc nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. 

Ông Thiên cho biết thêm công ty sẵn sàng xem xét quan hệ đối tác với các công ty Việt Nam hoặc nước ngoài nhưng từ chối cung cấp bất kì khung thời gian nào cho việc bán cổ phần hoặc qui mô theo thỏa thuận. 

Công ty hoặc gia đình ông Thiên sẽ thoái vốn cổ phần, hiện gia đình ông sở hữu 70% cổ phần của Navico.

Một doanh nghiệp thủy sản khác tại Việt Nam, Minh Phú đã chọn công ty Nhật Bản Mitsui & Co. làm đối tác chiến lược. Công ty đã được Mitsui & Co. đầu tư 3.038 tỉ đồng vào tháng 6 năm nay để đổi lấy 60 triệu cổ phiếu.

Linh Giang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.