|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Yếu tố nào giúp Nam Việt (ANV) có thể hoàn thành mục tiêu 720 tỷ lợi nhuận năm nay?

11:49 | 27/05/2022
Chia sẻ
Nhu cầu cá tra tăng cùng với sự phục hồi của thị trường Trung Quốc, khả năng xuất khẩu trở lại sang Mỹ cùng với giá bán cao là những yếu tố VDSC chỉ ra có thể giúp Nam Việt hoàn thành mục tiêu lợi nhuận tham vọng năm nay

 Ảnh: Navico

Nhiều tổ chức dự báo ngành cá tra năm nay sẽ bùng nổ, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sẽ có thể tăng đột biến so với năm ngoái. Thậm chí, tại Đại hội đồng thường niên năm nay, Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh, người đứng đầu CTCP Vĩnh Hoàn còn nhận định: "Năm ngoái thiếu cá, năm nay cũng sẽ thiếu cá hơn và điều này làm toàn ngành đều có lời".

Trong bối cảnh ngành cá tra khởi sắc, năm 2022, CTCP Nam Việt (Mã: ANV) đặt kế hoạch doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng; tăng lần lượt 40% và 377% so với năm 2021. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá kế hoạch tham vọng của Nam Việt tương đối khả thi nhờ vào loạt yếu tố có lợi cho ANV.

Đầu tiên, nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng giúp ANV đẩy mạnh sang các thị trường hiện hữu, đặc biệt chiến tranh Nga - Ukraine sẽ giúp công ty hưởng lợi ở thị trường EU.

Xung đột Nga - Ukraine được xem là cơ hội cho cá tra Việt Nam khi sản phẩm này được kỳ vọng có thể thay thế cho cá minh thái của Nga ở EU. ANV cũng sẽ tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Nga trong quý II do kỳ vọng về nhu cầu lương thực, thực phẩm ở thị trường này trong bối cảnh xung đột chính trị leo thang

Bên cạnh đó, khả năng phục hồi ở Trung Quốc khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại và việc kiểm dịch trên sản phẩm nhập khẩu được giảm bớt cũng là một thuận lợi cho ANV.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn sẽ là nhân tố rủi ro do chính sách “Zero Covid” và tình hình phong tỏa ngày càng siết chặt dù nhu cầu được kỳ vọng lớn và bị dồn nén trong hai năm dịch.

VDSC kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ bắt đầu có những động thái mở cửa trở lại nền kinh tế trong nửa còn lại năm 2022, giúp doanh thu của ANV tại thị trường này sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong các quý tiếp theo.

Ngoài ra, ANV cũng có thể xuất khẩu trở lại sang thị trường Mỹ. Công ty kỳ vọng xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ từ tháng 8/2022 sau khi được hưởng thuế chống bán phá giá POR17 0%, nếu điều này đúng như kế hoạch thì đây sẽ là yếu tố tích cực cho lợi nhuận 2022.

Gần đây, nhà máy DL 408 của ANV đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, khả năng cao sẽ giúp kế hoạch xuất khẩu Mỹ đạt vào thời điểm như kỳ vọng.

ANV được dự báo biên gộp có thể giảm so với nửa đầu năm do chi phí thức ăn cao, nhưng biên gộp cả năm 2022 vẫn sẽ tăng cao so với 2021 do giá bán tăng. Ngoài ra, tình hình chi phí vận chuyển tăng vẫn tiếp diễn nhưng lợi nhuận gộp tăng sẽ bù đắp phần nào.

ANV cũng đang mở rộng sang mảng Collagen và Gelatin giá trị cao khi liên kết với Amicogen đầu tư vào nhà máy sản xuất với công suất 780 tấn/năm, dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành nhưng chưa có đóng góp nhiều vào doanh thu, lợi nhuận 2022.

Về mảng điện năng lượng mặt trời, tuy chỉ đóng góp khoảng 2% trong cơ cấu doanh thu nhưng biên lợi nhuận gộp cao giúp lợi nhuận đóng góp khoảng 9% vào tổng lợi nhuận sau thuế của công ty trong 2022, theo ước tính của VDSC

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 hệ thống điện áp mái nhà máy 53 MW, ANV dự kiến đầu tư tiếp hệ thống điện vùng nuôi Bình Phú 650 MW theo lộ trình Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt nhưng sẽ chưa thực hiện trong 2022.

Về kết quả kinh doanh quý I, ANV đạt doanh thu 1.219 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 207 tỷ đồng, tăng 224% so với cùng kỳ. Theo đó đạt lần lượt 25% kế hoạch doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Kết phiên giao dịch ngày 26/5/2022, mã ANV được chốt ở mức 47.500 đồng/cp.      

Duy Anh