|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nâng trần vé máy bay: Không quá lo chuyện giá vé tăng cao vì thị trường sẽ quyết định tất cả

17:00 | 24/06/2023
Chia sẻ
Theo các hãng hàng không, việc nâng trần vé máy bay của Bộ GTVT sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn chứ khó có chuyện giá vé tăng cao vì thị trường năm nay rất khó khăn, nhu cầu của người dân giảm sút.

Ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, trong đó, Quốc hội thông qua quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.

Vẫn giữ quy định về trần vé máy bay song Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng có động thái lấy ý kiến để sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa bằng việc tăng mức trần giá vé máy bay từ 50.000 đến 250.000 đồng .

Kiến nghị tăng trần giá vé máy bay của Bộ GTVT nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số người dân và doanh nghiệp lữ hành bày tỏ lo ngại, việc trần vé máy bay tăng sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng giá vé. Tuy nhiên, theo một số hãng hàng không, việc nâng trần chỉ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn chứ nếu giá vé tăng quá cao hãng sẽ không có khách.

Theo quy định hiện tại, giá trần là mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.

Mức giá này chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục do các hãng hàng không tăng thêm như các dịch vụ bổ sung về hành lý, suất ăn hay hạng ghế,... 

Lo ngại vé máy bay tăng cao

Với chặng bay Hà Nội - Phú Quốc, các hãng hàng không đều thấp hơn mức trần là 3,75 triệu đồng chỉ có hạng thương gia là vượt do cộng thêm các dịch vụ tăng thêm. (Ảnh chụp màn hình).

Đại diện một công ty du lịch tại Hà Nội cho hay, giá vé nội địa tăng cao trong dịp cao điểm hè năm nay khiến mức giá tour từ Hà Nội đi Nha Trang, Đà Nẵng bằng với giá tour đi Thái Lan, giá tour Hà Nội đi Phú Quốc thì gần ngang với tour đi Singapore hay Bali, Indonesia.

"Nếu giá vé tiếp tục giữ ở mức cao, xu hướng đi du lịch nước ngoài thay vì các điểm đến nội địa là điều khó tránh khỏi", bà cho biết.

Còn theo chị Đào Vân Anh, nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy, từ đầu hè chị đã lên kế hoạch chuyến đi Nha Trang cho cả gia đình song giá vé máy bay nội địa năm nay khá cao, ở mức 4 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi Hà Nội, Nha Trang. Nhận thấy giá vé cao hơn so với dự kiến, gia đình không vội đặt vé ngay và chờ thêm, đến cuối tháng 6, hiện vé chỉ còn khoảng 3 -5 triệu đồng/vé khứ hồi. 

"Thậm chí, vé giá rẻ trong các đợt khuyến mại chỉ khoảng 2 -2,8 triệu đồng/vé khứ hồi, rẻ hơn khá nhiều so với đầu hè", chị Vân Anh cho biết.

Lý giải về việc không bỏ trần vé mà chỉ nâng trần giá vé máy bay, Bộ GTVT cho hay, hiện thị trường chỉ có 5 hãng hàng không tham gia thị trường và có những  chiếm thị phần trên 30%. Với điều kiện như hiện nay, chưa thể bỏ trần vé máy bay.

Song về mặt dài hạn, khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội; thị trường hàng không có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng thì khi đó đề xuất bỏ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa là phù hợp.

Nhà nước sẽ thực hiện quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Nâng trần chỉ giúp biên độ giá rộng hơn

Hãng hàng không Vietravel Airlines. (Ảnh: N.T).

Đánh giá về giá trần vé máy bay mới được Bộ GTVT đề xuất nâng lên, hãng hàng không Vietravel Airlines cho rằng, đề xuất này theo sát tình hình thực tế của ngành khi các chi phí đầu vào có nhiều sự biến động so với khung giá trần đã được ban hành tại thời điểm cách đây 8 năm.

Dựa trên kết quả hoạt động của Vietravel Airlines trong những năm vừa qua cho thấy, trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác luôn dưới khung giá vé trần theo thông tư 17 được ban hành từ năm 2015. 

Việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua. 

Vào giai đoạn đầu của cao điểm hè 2023, Vietravel Airlines ghi nhận giá vé máy bay kết nối từ TP HCM và Hà Nội đến các thành phố du lịch lớn như Phú Quốc/ Quy Nhơn/ Đà Nẵng giảm hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước chứ không phải tăng cao như một số thông tin.

Theo chuyên gia, một chuyến bay sẽ luôn có nhiều loại vé, phân theo những hạng vé, thời điểm mua khác nhau. Với cùng một đường bay, giờ bay khác nhau cũng khiến giá vé chênh lệch rất lớn, những yếu tố này hoàn toàn dựa trên nhu cầu của thị trường.

Vì vậy, không cần quá lo ngại việc nâng trần sẽ khiến giá vé máy bay tăng cao bởi năm nay, mức chi tiêu của người dân giảm đi, giá vé quá cao sẽ khó bán nên tự động vé sẽ giảm xuống theo thị trường.

Phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 ngày 21/6, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Minh Hải cũng cho rằng, các đường bay trong nước giá vé được điều hành theo cơ chế khung giá trần nên lợi nhuận rất thấp. Các chuyến bay ở khu vực châu Á phải đạt hệ số ghế trên 85% thì mới có lãi.

Bên cạnh đó, nhiên liệu xăng dầu chiếm trên 40% chi phí hoạt động của ngành hàng không tăng giá mạnh trong năm 2022 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chi phí hoạt động khai thác bay của hàng không tăng cao.  

Vì vậy, mặc dù khách tăng trưởng mạnh, nhưng chủ yếu là khách quốc nội, trong khi lượng khách quốc tế và các điểm đến trong khu vực và quốc tế sau COVID19 vẫn còn rất hạn chế. Thị trường quốc tế phục hồi chậm dẫn đến biên lợi nhuận cho từng chuyến bay và của hãng đều rất thấp khiến hầu hết hãng hàng không rơi vào tình trạng lỗ.

Do nhu cầu nén vào năm 2022 đã bung ra nên 2023 người dân sẽ tiết kiệm trở lại, đây là một trong những yếu tố không thuận lợi với ngành hàng không. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng là vấn đề đau đầu với các hãng hàng không, hiện đã ổn định nhưng ở mức cao. Một số thị trường phục hồi tốt không tốt như kỳ vọng, ông Hải cho hay.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).