|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi và thông điệp của NHNN

20:55 | 14/03/2017
Chia sẻ
Sau hơn 11 năm duy trì ở mức 50 triệu đồng, dự kiến hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sẽ được nâng lên thành 75 triệu đồng trong năm 2017, theo dự thảo đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến.

Nguồn lực không đáp ứng mong muốn

Đa số các phân tích đều cho rằng hạn mức chi trả 50 triệu đồng hiện tại của BHTG Việt Nam (DIV) đã quá lạc hậu. Hạn mức này đang vi phạm tất cả các nguyên tắc được khuyến nghị bởi Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). Theo đó, hạn mức chi trả BHTG phải phù hợp với các yếu tố như thu nhập bình quân, cơ cấu tiền gửi, môi trường chính trị, niềm tin của người gửi tiền, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Trong hơn 11 năm qua, tình hình kinh tế vĩ mô như lạm phát, GDP bình quân đầu người, tỷ giá, lãi suất đã có nhiều thay đổi. Hoạt động của hệ thống ngân hàng và tình hình số dư tiền gửi, cơ cấu tiền gửi cũng có những thay đổi đáng kể. Do đó, việc xem xét điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG là rất cần thiết.

Đã có rất nhiều đề xuất từ các chuyên gia, các ngân hàng thương mại và từ chính DIV về việc nâng hạn mức chi trả BHTG. Hạn mức chi trả được đề xuất phổ biến vào khoảng 200-250 triệu đồng, theo đó bảo hiểm toàn bộ được cho khoảng trên 90% người gửi tiền và tương đương khoảng 4,5-5,5 lần GDP bình quân đầu người tại năm 2016.

Điều bất ngờ là trong dự thảo điều chỉnh mới nhất, NHNN đã đưa ra hạn mức chi trả quá thấp so với đề xuất của giới chuyên môn. Sự chênh lệch này chưa được NHNN thuyết minh nhưng có thể đến từ những khó khăn sau:

Thứ nhất, nguồn lực của DIV hiện không cho phép áp dụng một hạn mức chi trả cao. Hạn mức chi trả càng cao sẽ càng làm tăng rủi ro vỡ quỹ BHTG nếu phải thực hiện nghĩa vụ chi trả. Tổng tài sản của DIV đến cuối tháng 5-2016 đạt 30.600 tỉ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả đạt 23.200 tỉ đồng. Số tiền này không lớn so với quy mô huy động vốn của một ngân hàng. DIV cần có thời gian nhiều hơn để tích lũy nguồn thu phí từ các tổ chức tín dụng (TCTD), tích lũy các khoản lãi đầu tư và tăng nguồn thu phí bằng cách chuyển đổi cách tính phí dựa trên mức độ rủi ro của TCTD.

Thứ hai, vai trò của cơ quan BHTG không chỉ đơn giản là trả tiền cho người gửi tiền sau khi ngân hàng bị đổ vỡ. Quan trọng hơn là cơ quan BHTG phải thực sự giám sát, chấn chỉnh được các TCTD trước khi TCTD đổ vỡ. Đây là sự chuyển đổi hoạt động của cơ quan BHTG từ mô hình chi trả (Pay-box) sang mô hình giảm thiểu rủi ro (Risk-Minimiser), gắn liền với việc xây dựng và áp dụng cơ chế phí dựa trên mức độ rủi ro của TCTD. Thực tế việc chuyển đổi này đòi hỏi thời gian nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài (như BHTG Mỹ mất 59 năm để chuyển đổi từ cách tính phí đồng hạng sang cách tính phí theo rủi ro). Việc xếp hạng và áp dụng mức phí khác nhau giữa các TCTD cũng rất nhạy cảm, nếu làm không khéo sẽ tạo tâm lý bất ổn cho người gửi tiền. Đây là một thách thức lớn mà BHTG Việt Nam đã nhìn ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Về vai trò của DIV

Với hạn mức chi trả dự kiến chỉ tăng lên 75 triệu đồng, vai trò của DIV sẽ tiếp tục mờ nhạt trong Mạng an toàn tài chính quốc gia.

Đáng lẽ với rủi ro phải đứng ra chi trả cho khách hàng khi các TCTD phá sản, DIV cần tích cực thực hiện chức năng thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD. Tuy nhiên, công tác giám sát các TCTD nhiều năm qua luôn đặt nặng lên vai Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc NHNN. Đối với DIV, chức năng này chỉ dừng lại ở các đợt giám sát định kỳ hoặc thực hiện kiểm tra tại chỗ đối với một số TCTD theo kế hoạch hàng năm về việc chấp hành quy định pháp luật về BHTG và các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động. DIV chưa tham gia tích cực vào việc xếp hạng, đánh giá mức độ rủi ro của các TCTD hay phát hiện, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Cũng vì chức năng thanh tra, giám sát của DIV đang khá lu mờ nên cơ quan này không thể đánh giá, xếp loại các TCTD để làm cơ sở áp dụng mức phí BHTG theo rủi ro. Việc đóng phí đồng hạng không những không khuyến khích các TCTD tăng cường quản trị rủi ro mà còn làm khó cho tiến độ tích lũy quỹ chi trả BHTG.

Thông điệp của NHNN?

Mặc dù đa số không mong muốn được thụ hưởng nhưng người tham gia bảo hiểm và người thụ hưởng rất quan tâm đến giá trị chi trả nếu rủi ro xảy ra. Điều đặc biệt của BHTG hiện nay là người gửi tiền không mong muốn TCTD đổ vỡ nhưng cũng không thực sự quan tâm đến hạn mức chi trả bảo hiểm. Điều này không hẳn vì hạn mức bảo hiểm 50 triệu đồng quá thấp mà vì người dân nghĩ rằng Chính phủ và NHNN sẽ không để ngân hàng phá sản. Do đó, dù biết lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao nhưng người dân vẫn gửi tiền vào các ngân hàng yếu kém. Với các ngân hàng quá yếu, NHNN đã yêu cầu sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại với giá 0 đồng nên DIV cũng chưa phải chi trả cho khách hàng nào của ngân hàng.

Cứ nhìn cách phản ứng trước các thông tin xấu sẽ rõ tâm lý ỷ lại của người gửi tiền vào sự bảo trợ của Nhà nước đang tăng lên chứ không hề giảm đi.

Gần đây Chính phủ có chủ trương “sẽ thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém” nhưng lại kèm theo “tiền gửi của người dân sẽ được bảo đảm khi phá sản ngân hàng”. Lộ trình chuẩn bị cho giải pháp phá sản ngân hàng rất phức tạp, mà nâng hạn mức chi trả BHTG là một việc quan trọng. Sau nhiều đề xuất về việc nâng hạn mức chi trả BHTG lên khoảng 200-250 triệu đồng, phương án 75 triệu đồng mà NHNN đưa ra có vẻ đã phản ánh thông điệp của cơ quan này đến thị trường: Nâng hạn mức chi trả để phù hợp hơn trong việc xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, còn với câu chuyện phá sản ngân hàng thì từ chủ trương đến thực hiện sẽ còn khoảng cách rất xa.

Phong Hiếu