|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính thức nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng

21:10 | 21/10/2021
Chia sẻ
Nâng bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người tại Việt Nam và nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.
Chính thức nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Dân trí.

Ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.

Cụ thể, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền giửi trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm được thực hiện theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg, ngày 15/6/2017.

Đối tượng áp dụng quyết định mới gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2021 và thay thế Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức tiền bảo hiểm.

Trước đó tháng 8/2020, dự thảo về Quyết định này cũng đã được ban hành, nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng, tức tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động với tôn chỉ bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Những năm đầu chính sách bảo hiểm tiền gửi được triển khai tại Việt Nam, hạn mức bảo hiểm tiền gửi (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, thực hiện từ năm 1999.

Đến năm 2005, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng và được duy trì tới 12 năm, đến ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú, việc điều chỉnh tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi là cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Từ đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn mức khuyến nghị của IADI là 90 - 95%.

Hạn mức 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế. Do đó, nếu nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỉ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.

Thiên Trường

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.