Năm mất việc của nhiều nhân sự bất động sản
Đầu tháng 12, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung được đánh giá sẽ khiến lực lượng môi giới giảm mạnh. Ví dụ, cá nhân hành nghề phải có chứng chỉ; phải công tác trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Nhưng chưa cần Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực, thị trường lao động này đã "rơi rụng" gần hết.
Tháng 11, Kim Yến, trưởng phòng truyền thông của một công ty địa ốc trụ sở tại Bình Dương, nộp đơn nghỉ việc, chuyển sang lĩnh vực công nghệ, sau 7 năm gắn bó với ngành.
Yến kể, 8 tháng qua chưa khi nào được nhận đủ lương. Dự án không bán được, doanh số không có, công ty phải cắt giảm 30% nhân sự đầu năm. Những nhân viên còn trụ lại phải "gánh" khối lượng việc nhiều hơn nhưng chỉ được nhận 50% lương và không có hoa hồng. "Mỗi tháng, gia đình vẫn phải trả ngân hàng khoản vay mua nhà gần 25 triệu đồng, chưa tính phí sinh hoạt. Gồng gánh mãi không đến đâu, nên quyết định chuyển nghề", chị Yến tâm sự.
Danh, giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản có quy mô nhân sự lớn nhất nhì TP HCM, cũng vừa "nhảy" sang mảng thương mại điện tử từ đầu tháng 12. Hơn một năm Danh cố cầm cự mà thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, bám trụ lại cũng không có thu nhập ổn định. Ba năm tới, Danh không tính chuyện nhảy việc và cũng không có kế hoạch trở lại ngành bất động sản.
Còn với Hiền, trưởng bộ phận kinh doanh tại sàn giao dịch trụ sở quận 3, TP HCM, từ tháng 7 đã phải đi làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp dù không nằm trong nhóm bị công ty cho nghỉ. Công ty nợ bảo hiểm, nợ lương, hoa hồng cũng chưa thanh toán được. Từ giữa năm đến nay, Hiền "sống" nhờ phí hoa hồng khách hàng trả khi sang tay các dự án cũ. Gần đây, Hiền chuyển hẳn sang mảng tư vấn sức khỏe và quyết định sẽ gắn bó với lĩnh vực này lâu dài.
Những trường hợp trên chỉ là số ít trong rất nhiều nhân sự rời thị trường bất động sản trong năm.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đến đầu tháng 12, 70% môi giới đã nghỉ việc, bỏ nghề. Từ 300.000 môi giới, hiện còn chưa đến 100.000 người đang hoạt động. Từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, gần 95% nhân sự ngành bất động sản bị giảm thu nhập. Trong đó, 14% có thu nhập giảm 20-30%; hơn một nửa sụt 30-40% và khoảng 5% giảm trên 70% thu nhập.
Một khảo sát lương năm 2023 do Navigos Group công bố gần đây cho thấy, thu nhập nhân sự quản lý ngành xây dựng và bất động sản đã giảm đáng kể, nhiều vị trí có mức giảm một nửa, thậm chí là giảm hai lần so với hai năm trước đó. Với đội ngũ môi giới bất động sản, mức lương cơ bản 3,5-5 triệu đồng mỗi tháng, tính tiền hoa hồng, phụ cấp dao động 7-10 triệu đồng. Với những người làm lâu năm, mức thu nhập 20-30 triệu. Nhưng hầu như rất ít môi giới được nhận đủ lương và hoa hồng năm nay.
Nhưng việc lực lượng lao động giảm mạnh có thể khiến thị trường này đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng năm sau. Một khảo sát được Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services thực hiện vào tháng 9 với nhóm môi giới đã nghỉ việc cho biết, chỉ khoảng 38% có ý định trở lại khi thị trường hồi phục, 24% nói rất phân vân và 27% đã đổi nghề, không có ý định quay lại.
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhân lực chính là một trong ba thách thức lớn thị trường bất động sản đối mặt năm 2024, cùng với dòng tiền, thị trường đầu ra. Năm 2023, nhân lực bất động sản biến động mạnh cả về lượng và chất. Sự thay đổi này đặt ra thách thức rất lớn với các công ty để duy trì bộ máy hoạt động, giữ chân người tài và kéo lực lượng môi giới trở lại khi thị trường phục hồi.
"Ngành này vốn đã rất thiếu nhân sự có tay nghề, có năng lực. Sắp tới quy định về hành nghề gắt gao hơn, nếu không tính đến việc xây dựng đội ngũ từ lúc này, các năm tới bất động sản có nguy cơ 'khát' lao động", ông Lực nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2024, thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội mới khi các vấn đề cơ bản được giải quyết. Với việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, sự xuất hiện của Luật Đất đai sửa đổi trong tương lai sẽ là cơ sở để hoạt động môi giới trở nên chất lượng hơn.
Việc một số môi giới rời bỏ thị trường được coi là một cơ chế chọn lọc tự nhiên, tạo sự công bằng cho thị trường với những người có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm. Hơn nữa, trước khi luật được triển khai, đây cũng là cơ hội tốt để môi giới bất động sản có thêm thời gian để nâng cao năng lực và kiến thức của mình. Về phía doanh nghiệp, xây dựng bộ máy nhân sự giỏi cả chuyên môn, có tâm và có tầm là cách để khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường và uy tín với khách hàng.