|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2023 Mỹ có khả năng trở thành nước xuất khẩu LNG số một thế giới

14:06 | 06/01/2023
Chia sẻ
Mỹ sắp khởi động lại Freeport, cơ sở xuất khẩu LNG lớn thứ hai của nước này, sau thời gian đóng cửa vì sự cố cháy nổ. Điều này có thể giúp Mỹ tranh ngôi vương với Australia, nhà sản xuất LNG dẫn đầu thị trường hiện nay.

Theo Reuters, trong năm 2023, Mỹ có thể sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, khi cơ sở Freeport ở Texas hoạt động trở lại sau sự cố năm ngoái. Australia đang là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thị trường hiện nay.

Tháng 6/2022, một vụ hỏa hoạn đã khiến Freeport, cơ sở xuất khẩu LNG lớn thứ hai của Mỹ, phải đóng cửa và khiến lượng nhiên liệu xuất khẩu của Mỹ giảm khoảng 2 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd). Sự cố này đã khiến Mỹ bị tụt lại phía sau nhà xuất khẩu hàng đầu Australia khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu bùng nổ. 

Năm 2022, xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng 8% lên 10,6 bcfd, còn Australia ở mức 10,7 bcfd. Theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, Mỹ vẫn dẫn trước Qatar, nước đứng ở vị trí thứ ba với lượng LNG xuất khẩu đạt 10,5 bcfd.

Xuất khẩu LNG của các nước trên là "chìa khóa" giúp châu Âu xây dựng lại kho dự trữ khí đốt sau khi Nga và Ukraine xảy ra xung đột hồi tháng 2/2022 và làm gián đoạn thị trường. Nguồn cung từ Mỹ trở nên quan trọng hơn khi Nga ngừng cung cấp nhiên liệu cho châu Âu. Năm ngoái, khoảng 69% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đến châu Âu, tương đương 7,2 bcfd.

Một con tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng. (Ảnh: AFP) 

Năm 2021, Mỹ đứng thứ ba về xuất khẩu LNG sau Australia và Qatar. Năm 2022, Mỹ đã có thể vượt lên vị trí số một với việc khởi động nhà máy Calcasieu Pass của Venture Global LNG tại Louisiana hồi đầu năm. Tuy nhiên, việc mất nguồn cung từ Freeport đã lấy đi cơ hội này của Mỹ.

Trong khi đó, do không có nhà máy LNG mới nào dự kiến đi vào hoạt động tại Australia trước năm 2026 và ở Qatar trước năm 2025, các nhà phân tích dự kiến sản lượng năm 2023 của hai nước sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2022.

Trong tương lai gần, Mỹ có hai cơ sở xuất khẩu LNG mới sẽ đi vào hoạt động. Cơ sở đầu tiên là nhà máy Golden Pass ở Texas với công suất 2,4 bcfd và nhà máy Plaquemines ở Louisiana với công suất 1,8 bcfd. Dự kiến, hai nhà máy này có thể xuất khẩu lô hàng đầu tiên ra nước ngoài vào năm 2024. 

Trao đổi với Reuters, ông James West, Giám đốc cấp cao của công ty nghiên cứu năng lượng Evercore ISI, cho biết: “Khi nhu cầu LNG của châu Âu và châu Á đi lên, các nhà khai thác của Mỹ sẽ có động lực để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đó". 

 

Như Huỳnh