Năm 2016, VN-Index qua 4 đợt điều chỉnh, cổ phiếu vốn hóa lớn làm lệch chỉ số
Mức tăng này thoạt nhìn có phần khả quan. Tuy nhiên, cùng giai đoạn, HNX-Index gần như đi ngang, chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ không đáng kể, tương đương 0,2%. Điều này đã phản ánh đúng xu thế của năm 2016 khi đà tăng một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm lệch chỉ số VN-Index.
Diễn biến Vn-Index trong năm qua |
Tổng kết lại, VN-Index năm 2016 trải qua 4 đợt điều chỉnh.
Giai đoạn 1, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 5, VN-Index tăng khoảng 18% đến 19% nhờ đà dẫn dắt của nhóm dầu khí.
Sàn HOSE có một đợt điều chỉnh giảm mạnh từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 1 khi thị trường xuất hiện hàng loạt tin tức xấu, đặc biệt là từ chứng khoán thế giới, phản ánh qua sự sụt giảm mạnh của giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu thô (Brent) đã tạo đáy vào ngày 20/1/2016 ở mức 27,88 USD/thùng (nguồn: Bloomberg). Đây là mức giá thấp nhất trong 14 năm trở lại đây. Sau đó, giá dầu phục hồi mạnh và tương tự các cổ phiếu tiêu biểu nhóm dầu khí như GAS, PVD, PVS, … với mức tăng phổ biến trong khoảng 80% - 110%.
Giai đoạn 2, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7, VN-Index tăng khoảng 8% nhờ đà dẫn dắt của một vài mã vốn hóa lớn.
VN-Index có nhịp giằng co mạnh khi tiếp xúc vùng đỉnh 8 năm quanh 630 – 640 điểm. Tuy nhiên, đà tăng mạnh tập trung vào một số mã vốn hóa lớn như VNM, VCB, MWG, CTD.
Thông tin đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là việc Thủ tướng chính thức ký ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP trong đó quy định doanh nghiệp đại chúng không rơi vào các trường hợp đặc biệt thì khối ngoại hoàn toàn có thể sở hữu 100% cổ phần nếu điều lệ không có quy định giới hạn, so với giới hạn tỷ lệ 49% như trước đó.
Giai đoạn 3, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, VN-Index giảm khoảng 7% khi thị trường lo sợ trước đà điều chỉnh giảm của nhóm đầu cơ.
Thị trường điều chỉnh giảm hàng loạt, đặc biệt tại nhóm các mã đầu cơ. Trong đó, khởi nguồn đà giảm này đến từ nhóm các cổ phiếu có liên quan đến nhau như TTF, DRH, KSB. Tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này rất lo lắng khi cho rằng thị trường đã vào giai đoạn điều chỉnh mạnh sau 2 giai đoạn tăng trước đó.
Giai đoạn 4, từ giữa tháng 8 đến hết năm 2016, VN-Index phục hồi nhẹ khi nhóm vốn hóa lớn dịch chuyển khả quan giữ thị trường trong khi số đông các mã còn lại điều chỉnh giảm.
VNM đạt mức đỉnh lịch sử khi chạm ngưỡng 156.000 đ/cp vào thời điểm cuối tháng 8/2016, nhờ đà tăng này mà VN-Index vẫn đi ngang mặc dù đà điều chỉnh chung khá rõ. Sau đó, ROS chào sàn ở mức giá 10.000 đ/cp nhưng tăng lên nhanh chóng vượt mức 100.000 đ/cp tiếp tục làm công cuộc giữ chỉ số VN-Index không điều chỉnh giảm.
Đặc biệt, 2 tháng cuối 2016 là một sự nhộn nhịp bất ngờ khi dòng tiền có dấu hiệu kém hào hứng tham gia thị trường chứng khoán niêm yết mà lại hút chú ý vào các mã không niêm yết (OTC) gây "sốt" như Sabeco, Vietjet Air, Novaland, Vietnam Airlines, … Đỉnh điểm của sự nóng sốt này là việc chào sàn rất thành công của Sabeco (SAB) đã tiếp tục hỗ trợ giữ cho VN-Index không rơi khi số mã giảm vẫn tiếp tục chiếm ưu thế.