|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Năm 2016, tài sản những người giàu nhất sàn chứng khoán thay đổi thế nào?

15:15 | 31/12/2016
Chia sẻ
Tài sản của những người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm nay tăng mạnh so với năm trước chủ yếu nhờ các cổ phiếu bất động sản tăng giá.

Kết thúc năm 2016, tài sản của những người giàu nhất trên sàn chứng khoán đã được xác định. So với năm trước, danh sách người giàu năm nay có sự biến động lớn, với sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới đều do đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đáng chú ý, những biến động này đều diễn ra vào giai đoạn cuối năm.

1. Ông Trịnh Văn Quyết và bà Lê Thị Ngọc Diệp - sở hữu cổ phiếu FLC, ROS

Tháng 9/2016, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros lên sàn và đã ngay lập tức gây xáo trộn trên bảng xếp hạng người giàu. ROS được biết đến như doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn nhanh chóng mặt. Chỉ trong khoảng 2 năm, vốn điều lệ của ROS đã tăng từ 1,5 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng.

ROS niêm yết với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu và sau đó liên tục tăng mạnh, và chỉ dừng lại khi chạm mốc 126.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng giá hơn 11 lần.

ROS tăng mạnh, đồng thời ông Trịnh Văn Quyết mua thêm 110 triệu cổ phiếu, nâng lượng nắm giữ lên gần 290 triệu cổ phiếu. Vì vậy, từ vị trí ngoài top 10, ông Quyết lần lượt vượt qua những người giàu nhất trên sàn chứng khoán và kết thúc năm ở vị trí số 1, với khối tài sản 33.806 tỷ đồng (bao gồm cả ROS và FLC), trong khi năm trước chỉ có khoảng 500 tỷ đồng cổ phiếu FLC.

Cùng với đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết hiện sở hữu 20,2 triệu cổ phiếu ROS và số cổ phiếu này có giá trị 2.317 tỷ đồng.

2. Ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng - sở hữu cổ phiếu VIC

Cả 3 lãnh đạo của Tập đoàn Vingroup đều có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2015 và tiếp tục có tên trong danh sách người giàu 2016.

Lượng sở hữu cổ phiếu của cả ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng đều không thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, tài sản của cả 3 người cùng tăng 25% so với năm 2015 do Vingroup trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng bằng cổ phiếu, đồng thời giá VIC sau khi điều chỉnh lại quay lại mặt bằng cũ.

Trong năm 2016, Vingroup đã trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% và thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 22,5%. Sau 2 lần điều chỉnh, giá VIC vẫn ổn định quanh mốc 42.000-43.000 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc năm 2016, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu tài sản 30.410 tỷ đồng. Bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) là 5.240 tỷ đồng và bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương) là 3.501 tỷ đồng.

Tổng cộng, tài sản của 3 người đã tăng hơn 7.800 tỷ đồng so với năm trước. Tuy tài sản tăng nhưng vị trí trong top người giàu của cả 3 đều tụt 1 bậc so với năm trước do sự xuất hiện của ông Trịnh Văn Quyết.

3. Ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền - sở hữu cổ phiếu HPG

Tương tự gia đình ông Phạm Nhật Vượng, 2 vợ chồng ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền năm qua cũng không mua thêm cổ phiếu nhưng giá trị tài sản vẫn tăng mạnh nhờ Tập đoàn Hoà Phát phát hành thêm cổ phiếu, và giá HPG trên sàn chứng khoán tăng mạnh.

Tập đoàn Hoà Phát trong năm 2016 đã trả cổ tức tỷ lệ 20:3 và trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%, khiến giá cổ phiếu bị điều chỉnh. Tuy nhiên, cổ phiếu HPG trên sàn chứng khoán năm qua vẫn tăng mạnh, kết thúc năm tại 43.150 đồng/cổ phiếu, tăng 48% so với cuối năm trước.

Như vậy, tính đến cuối năm 2016, ông Trần Đình Long có gần 212 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 25,15%. Số cổ phiếu này có giá trị 9.147 tỷ đồng, giúp ông Long đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách người giàu.

Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long hiện có 61,4 triệu cổ phiếu HPG, giá trị 2.650 tỷ đồng.

4. Ông Bùi Thành Nhơn - sở hữu ổ phiếu NVL

Tương tự như ông Trịnh Văn Quyết, ông Bùi Thành Nhơn cũng vào top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán nhờ cổ phiếu Novaland lên sàn. Novaland mới chỉ lên sàn và giao dịch 3 phiên cuối cùng của năm 2016, nhưng ngay lập tức tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, được giao dịch mạnh.

NVL lên sàn với giá tham chiếu 50.000 đồng/cổ phiếu và tăng 20% ngay trong phiên đầu tiên, lên 60.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên cuối năm, NVL có giá 60.100 đồng/cổ phiếu và là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ đứng sau Tập đoàn Vingroup..

Theo bản cáo bạch của Novaland, ông Bùi Thành Nhơn hiện sở hữu 126,2 triệu cổ phiếu NVL. Với lượng cổ phiếu này, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn có trị giá 7.584 tỷ đồng và ngay lập tức trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

5. Bà Trương Thị Lệ Khanh - sở hữu cổ phiếu VHC và ông Đỗ Hữu Hạ - sở hữu cổ phiếu HHS, TCH

Tính đến cuối năm 2016, khối tài sản của bà Trương Thị Lệ Khanh có giá trị 2.649 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hạ năm nay lọt top người giàu trên sàn chứng khoán nhờ cổ phiếu TCH lên sàn. Tài sản ông Đỗ Hữu Hạ là 2.634 tỷ đồng.

Gia Linh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.