|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Myanmar thành bãi chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu

10:15 | 01/03/2021
Chia sẻ
Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 30 người bị thương sau khi lực lượng an ninh tại Myanmar nã đạn vào người biểu tình phản đối chính quyền quân sự hôm 28/2.
'Myanmar như một chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu - Ảnh 1.

Người biểu tình Myanmar đổ xuống đường phản đối quân đội đảo chính, đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. (Ảnh: The Guardian).

Theo tờ The Guardian, cảnh sát Myanmar đã bắn đạn thật, lựu đạn gây choáng và hơi cay vào người biểu tình tại vài thành phố và thị trấn, hòng dập tắt các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc mạnh mẽ lên án việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa. Cơ quan này cho biết nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong là do cảnh sát xả súng vào đám đông tại Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pakokku.

Ở thành phố Yangon, một phụ nữ đã chết sau khi cảnh sát sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán cuộc biểu tình của giáo viên, mặc dù nguyên nhân cái chết của cô vẫn chưa được xác định, Reuters đưa tin.

Trong một vụ việc khác cũng tại Yangon, một người đàn ông 23 tuổi đã bị bắn chết. Ông Ye Swan Htet, anh họ của người đàn ông này nói với tờ The Guardian: "Cảnh sát tiến đến và sẵn sàng dùng súng. Chúng tôi không nghĩ họ sẽ thực sự bắn".

Ông Htet khẳng định cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, với đám đông hát và vỗ tay. "Đó là tất cả những gì chúng tôi làm. Sau đó cảnh sát bắt đầu khai hỏa".

Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình tại Yangon đưa những người bị thương đến nơi an toàn.

"Myanmar giống như một chiến trường", Hồng y Charles Maung Bo của Myanmar mô tả trên Twitter.

Cư dân ở Yangon đổ xô xây dựng các rào chắn tạm bợ, tháo các tấm lát đường và dựng thùng để ngăn cảnh sát xông vào. Trên đống gạch vụn dùng để bịt kín một con đường, những người biểu tình đặt áp phích in hình bà Aung San Suu Kyi, với dòng chữ: "Bà là niềm tin duy nhất của chúng tôi".

'Myanmar như một chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu - Ảnh 2.

Những người biểu tình che chắn khi đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Yangon ngày 28/2. (Ảnh: Reuters)

'Myanmar thành bãi chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu - Ảnh 3.

Một người biểu tình bị thương tại Mandalay, Myanmar, ngày 26/2. (Ảnh: AP).

Đạn thật đã được sử dụng trên khắp thành phố Yangon sau khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng nhưng bất thành.

Một người biểu tình trong đám đông 10.000 người cho biết: "Chúng tôi là một phần của cuộc diễu hành của các kỹ sư. Cảnh sát bắt đầu bắn hơi cay vào chúng tôi vào lúc khoảng 9 giờ sáng. Chúng tôi bỏ chạy theo những hướng khác nhau".

Vị kỹ sư này đang tạm trú ẩn tại nhà dân: "Bây giờ tôi không biết phải làm gì. Tôi sẽ chờ ở đây một thời gian và nghe ngóng. Tình hình rất tồi tệ, rất đáng sợ".

Nhiều người xuống đường đã đeo mặt nạ phòng độc, đội mũ và đeo kính bảo vệ sau khi cảnh sát Myanmar dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông vào ngày 27/2. Theo đài truyền hình MRTV, hơn 470 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình hôm 27.

Không rõ bao nhiêu người bị bắt vào ngày 28/2, mặc dù hàng chục bác sĩ được cho là đã bị bắt. Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy các bác sĩ và y tá bỏ chạy khi cảnh sát ném lựu đạn gây choáng từ phía ngoài một trường y tế ở Yangon.

'Myanmar thành bãi chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu - Ảnh 4.

Một người biểu tình cầm trên tay các viên đạn thật và đạn cao su mà cảnh sát Myanmar sử dụng để đàn áp đám đông, ngày 26/2. (Ảnh: AP).

"Họ đang bắn dân thường. Đây là sự tàn nhẫn thực sự", một nhân viên y tế vận chuyển những người bị thương đến bệnh viện Đa khoa Yangon phẫn nộ. Ông cho biết một số người đang được chữa trị vì những vết thương nghiêm trọng do súng bắn.

Các nhân viên y tế đã đình công để phản đối quân đội nhưng họ trở lại bệnh viện để chữa trị cho người biểu tình.

Một giáo viên ở Yangon cho biết cô thức giấc khi nghe tin nhắn từ các học sinh của mình nói lời tạm biệt, trong trường hợp họ bị giết trong các cuộc biểu tình. "Một học sinh nhắn tin cho tôi và cảm ơn sự ủng hộ của tôi trong những năm qua, kết thúc bằng câu "chúng em yêu cô, tạm biệt' trong khi ẩn náu trước hỏa lực của cảnh sát".

'Myanmar như một chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu - Ảnh 3.

Người dân ở Yangon dựng rào chắn trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự. (Ảnh: Getty Images).

'Myanmar thành bãi chiến trường': Ít nhất 18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu - Ảnh 6.

Người biểu tình ôn hòa tại Myanmar đòi thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, ngày 26/2. (Ảnh: AP).

Một số quốc gia đã lên án việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình. Anh kịch liệt chỉ trích bạo lực tại Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh phát biểu: "Chúng tôi khẳng định rõ rằng bạo lực phải chấm dứt và nền dân chủ phải được khôi phục".

Đại sứ quán Mỹ cho biết Mỹ rất đau lòng trước thiệt hại về người, trong khi Canada nói rằng nước này cảm thấy rất choáng váng. Cả ba nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án "bạo lực ghê tởm". Ông Blinken viết trên Twitter: "Chúng tôi đứng cùng với những người dân dũng cảm của Miến Điện và khuyến khích tất cả các quốc gia cùng nhau ủng hộ ý chí của họ".

Indonesia bày tỏ quan ngại sâu sắc. Tại Thái Lan, Đài Loan và Hong Kong, các nhà hoạt động đã tổ chức các cuộc tập hợp để ủng hộ người biểu tình ở Myanmar.

Quân đội Myanmar vấp phải phản đối rộng rãi của công chúng sau khi đảo chính và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều chính trị gia khác. Quân đội đã hứa sẽ tổ chức bầu cử trong vòng một năm. Nhưng những người biểu tình không tin tưởng cam kết này và yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị bắt.

Trong ba tuần qua, các cuộc tập hợp đã được tổ chức trên khắp các thành phố và thị trấn ở Myanmar, có lúc hàng trăm nghìn người đổ xuống đường. Trong khi đó, cuộc đình công toàn quốc với sự tham gia của bác sĩ, kỹ sư, công nhân đường sắt và nông dân đã đẩy đất nước vào bế tắc, làm tê liệt chính quyền quân sự.

Tối 26/2, ông Kyaw Moe Tun, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi quốc tế hành động để khôi phục nền dân chủ và bảo vệ người dân. Đến tối ngày hôm sau, kênh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV thông báo rằng ông đã bị cách chức với lý do lạm dụng quyền lực.

Bà Aung San Suu Kyi đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc đảo chính. Bà bị cáo buộc nhập khẩu trái phép máy bộ đàm và vi phạm luật thiên tai. Phiên tòa tiếp theo của bà dự kiến sẽ được tổ chức vào 1/3. Nếu bị kết tội, bà có thể bị cấm tranh cử trong tương lai.

Giang