|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Myanmar: Hơn 100.000 người xuống đường biểu tình phản đối đảo chính

11:33 | 18/02/2021
Chia sẻ
Kể từ sau cuộc đảo chính, người dân Myanmar không ngừng biểu tình kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi và lập lại chế độ dân chủ, bất chấp động thái trấn áp từ quân đội.

Hơn 100.000 người đã đổ ra đường ở Myanmar để bày tỏ sự tức giận đối với cuộc đảo chính, theo The Guardian.

Tại cố đô Yangon, một cuộc biểu tình trên đường phố lớn nhất kể từ khi binh sĩ được triển khai tại nước này hôm 14/2 đã diễn ra. Những người biểu tình diễu hành với cờ đỏ thể hiện lòng trung thành với cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và tố cáo quân đội. Đám đông tụ tập và dùng ô tô để chặn các nút giao thông chính.

Các cuộc biểu tình quần chúng gồm hàng ngàn sinh viên, kỹ sư và nông dân cũng diễn ra tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, và ở thủ đô Naypyidaw.

Myanmar: Hơn 100.000 người biểu tình trên đường phố phản đối đảo chính - Ảnh 1.

Người biểu tình ở Myanmar kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi tại một cuộc biểu tình ở Yangon. (Ảnh: AFP).

Các cuộc biểu tình nổi lên sau tuyên bố của một phát ngôn viên quân đội hôm 16/2 rằng các cuộc biểu tình sẽ giảm bớt và 40/53 triệu dân số của đất nước đã ủng hộ quân đội nước này nắm quyền kiểm soát đất nước.

Quân đội từng cai trị đất nước trong nửa thế kỷ, hứa sẽ tổ chức lại bầu cử, nhưng những người biểu tình không bị thuyết phục và đã tụ tập hàng ngày để yêu cầu thả ngay lập tức bà Aung San Suu Kyi và các chính trị gia khác trong đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD). NLD chính là đảng giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.

"Bà ấy hiện đang bị quản thúc tại gia. Tôi muốn bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint và các nhà lãnh đạo khác được trả tự do ngay lập tức", một giáo viên đã về hưu, tham gia cuộc biểu tình ở Yangon nói. "Chúng tôi muốn nền dân chủ của mình trở lại.".

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền ở Myanmar, Thomas Andrews, nói rằng trước khi diễn ra các cuộc biểu tình, ông đã nhận được thông tin về việc binh sĩ được điều động đến Yangon, đồng thời nói thêm rằng ông lo sợ quân đội có thể phạm những tội ác lớn hơn với người dân Myanmar. "Trong quá khứ, các vụ giết người, mất tích và giam giữ trên quy mô lớn đã xảy ra sau những đợt chuyển quân như vậy", ông Andrews cho hay.

Bà Aung San Suu Kyi, người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị phế truất vào ngày 1/2, đã ra hầu tòa hôm 16/2. Bà Aung San Suu Kyi trước đó bị buộc tội nhập khẩu bộ đàm bất hợp pháp và giờ phải đối mặt với cáo buộc thứ hai về vi phạm các quy định phòng dịch COVID-19 trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020.  

Nếu bị kết án, bà có thể sẽ không được tranh cử trong các cuộc bầu cử tương lai. Luật sư của bà, Khin Maung Zaw, cho biết ông không được thông báo trước về phiên tòa này nên đã bỏ lỡ quá trình tố tụng, do ông vẫn chưa được chính thức công nhận là luật sư của bà Aung San Suu Kyi và chưa được phép nói chuyện với bà. 

Hơn 450 người đã bị bắt kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, trong khi quân đội liên tục phong tỏa liên lạc. 

Chính quyền quân phiệt đã chuẩn bị một dự thảo luật sẽ hình sự hóa nhiều hoạt động trực tuyến và thắt chặt giám sát internet; đồng thời ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng cách áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và gia tăng sử dụng vũ lực. Hôm 15/2 tại Mandalay, đạn cao su và hơi cay đã được sử dụng để đối phó người biểu tình.

Myanmar: Hơn 100.000 người biểu tình trên đường phố phản đối đảo chính - Ảnh 2.

Người biểu tình thắp nến trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, hôm thứ Ba. (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn của quân đội, Zaw Min Tun, cho biết hôm 15/2 rằng cả bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, người cũng bị cáo buộc vi phạm các quy định phòng dịch COVID-19 trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, đều ở một nơi an toàn và sức khỏe tốt. "Họ không giống như đang bị bắt vì họ đang ở nhà của mình", vị tướng nói trong một cuộc họp báo. Phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 1/3. 

Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tướng lĩnh, lên án cáo buộc mới đối với bà Aung San Suu Kyi, đồng thời tiếp tục kêu gọi trả tự do cho bà. 

Về phía Trung Quốc, ban đầu, nước này không chỉ trích cuộc đảo chính, tuy nhiên, đại sứ của Trung Quốc tại Myanmar, Chen Hai, cho biết hôm 15/2 rằng "Diễn biến hiện tại ở Myanmar hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy.". 

Ông nói thêm rằng Trung Quốc đã không được thông báo trước rằng quân đội đang lên kế hoạch nắm chính quyền và bác bỏ những cáo buộc rằng họ đang hỗ trợ quân sự hoặc hỗ trợ về mặt kỹ thuật để hạn chế truy cập internet.

Như Ý