Mỹ và 12 quốc gia đàm phán cấm trợ giá khai thác thủy sản gây hại
Theo đó, liên minh chống trợ giá cho hoạt động khai thác thủy sản gây hại bao gồm Mỹ, Argentina, Australia, Canada, Chile, Colombia, New Zealand, Norway, Papua New Guinea, Peru, Singapore, Switzerland và Uruguay.
Trong tuyên bố chung ngày 14/9, các nước đều khẳng định, 31% ngư trường trên thế giới đang hoạt động trong tình trạng mất cân bằng sinh học, trong đó 58% ngư trường không còn không gian cho sinh vật phát triển.
“Trợ giá cho hoạt động khai thác thủy sản, ước tính lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm, đang làm méo mó thị trường cá toàn cầu và là yếu tố chính thúc đẩy hành vi lạm thác nguồn thủy sản, dẫn tới tình trạng dư thừa năng suất và cạn kiệt nguồn tài nguyên biển,” Reuters trích thống báo chung cho biết.
Vòng đàm phán lần này cũng nhằm mục đích đẩy mạnh công tác báo cáo và minh bạch trong vấn đề trợ giá cho hoạt động khai thác thủy sản.
Đại diện Thương mại của Mỹ - ông Michael Froman cho biết, liên minh có nhiệm vụ đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài của ngành khai thác thủy sản toàn cầu cũng như đảm bảo cuộc sống của hơn 50 triệu lao động và 3 tỷ người trên thế giới đang sống phụ thuộc vào biển.
Trước đó, vấn đề cấm trợ giá cho hoạt động khai thác thủy hải sản từng được đề cập trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
“Nước Mỹ mong muốn được cùng với các thành viên của WTO đàm phán về quy định mới nhằm bảo vệ môi trường biển và cho phép ngư dân Mỹ được cạnh tranh công bằng trên trường quốc tế,” ông Froman nói.
Hiện tại, ngành khai thác thủy sản Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho 1,4 triệu người với doanh thu lên tới 42 tỷ USD/năm và đóng góp 64 tỷ USD/ năm vào GDP của Mỹ, theo số liệu của Ủy ban Đại diện Thương mại Mỹ.