|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ-Trung khởi động kỷ nguyên mới của cuộc đua vũ trụ

14:31 | 18/01/2022
Chia sẻ
Trung Quốc sẽ có được thanh thế cực lớn nếu vượt mặt Mỹ trong cuộc đua trở lại Mặt Trăng. Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác cũng nỗ lực theo đuổi tài nguyên và vinh quang trên vũ trụ.
Mỹ-Trung khởi động kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa những vì sao - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Hiroko Aida).

Nếu Tổng thống Joe Biden, Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa lên vũ trụ, liệu điều đó có thay đổi thế giới?

Câu hỏi này hiện lên trong tâm trí tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa khi ông ngắm nhìn Trái Đất trong chuyến du lịch trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ông Maezawa nói với các phóng viên: "Nếu bạn nhìn Trái Đất bằng mắt mình chứ không qua phim ảnh, bạn sẽ thấy hành tinh của mình đẹp gấp 100 lần. Nếu các chính trị gia quyền lực tập trung trên vũ trụ, điều đó có thể biến Trái Đất thành nơi tốt đẹp hơn để sống".

Tầm nhìn của ông Maezawa về cuộc hội nghị thượng đỉnh ở giữa những vì sao có lẽ chỉ đến vậy. Nhưng các lãnh đạo quốc gia thực sự nghiêm túc với tham vọng lên vũ trụ, cụ thể là Mặt Trăng.

Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều đang lên kế hoạch cho các sứ mệnh Mặt Trăng trong 2022 và xa hơn nữa. Những vụ phóng tàu này cho thấy rõ cuộc đua vũ trụ ngày càng gia tăng để giành tài nguyên, ưu thế công nghệ và vinh quang quốc gia, với khả năng khuếch đại căng thẳng chính trị trên Trái Đất.

Giống như ở mặt đất, cuộc ganh đua lên Mặt Trăng gay cấn nhất có vẻ là giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Malcolm Davis, chuyên gia không gian vũ trụ tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc "vẫn chưa tham gia một cuộc chạy đua không gian". Nhưng ông ẩn ý rằng tình hình có thể thay đổi nếu kế hoạch của Mỹ chậm tiến độ và còn Trung Quốc lại tăng tốc, chớp cơ hội "giành vinh quang của Mỹ".

"Trung Quốc sẽ có thanh thế cực lớn nếu đánh bại Mỹ trong cuộc đua trở lại Mặt Trăng", ông Davis đề cập đến việc đặt quốc kỳ Mỹ trên Mặt Trăng năm 1969.

Hiện giờ Mỹ vẫn đang dẫn đầu. Chương trình Artemis của NASA dự kiến sẽ có lần cất cánh đầu tiên trong năm nay, với tên lửa thuộc Hệ thống Phóng vào Không gian khổng lồ đưa tàu vũ trụ Orion không người lái vào quỹ đạo Mặt Trăng.

Sau sứ mệnh Artemis II, Artemis III sẽ là cột mốc cho cả hoạt động thám hiểm và sự hợp tác của chính phủ với các "tỷ phú vũ trụ". Artemis III được lên kế hoạch để liên kết với tàu vũ trụ SpaceX Starship của Elon Musk. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Artemis III sẽ giúp đặt những dấu chân người đầu tiên lên Mặt Trăng kể từ năm 1972.

Mỹ-Trung khởi động kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa những vì sao - Ảnh 2.

Hình minh họa thiết kế tàu SpaceX Starship sẽ chở các phi hành gia trong chương trình Artemis lên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA).

Ông Davis cảnh báo nếu chính quyền tiếp theo ở Washington quyết định giảm bớt ưu tiên cho các chuyến phiêu lưu ngoài không gian, Trung Quốc và Nga "có thể trở thành người chơi thống trị trong không gian – tự định ra luật lệ có lợi cho mình".

Hiện tại, Trung Quốc dường như đang tập trung vào việc hoàn thiện trạm vũ trụ Thiên Cung và có kế hoạch chuyển sang các chuyến du hành trên Mặt Trăng có phi hành đoàn vào những năm 2030.

Ông Junya Terazono, chuyên gia khoa học hành tinh cho biết: "Trung Quốc rõ ràng đang nghĩ về cách đưa cách đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trước Mỹ. Đằng sau những nỗ lực đó là mục tiêu trở thành số 1 về công nghệ theo tầm nhìn Made in China 2025."

Mỹ-Trung khởi động kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa những vì sao - Ảnh 3.

Tàu thăm dò Yutu-2 của Trung Quốc trên Mặt Trăng. (Ảnh: CNS).

Chuyên gia Davis của ASPI tiết lộ: "Có khá nhiều lý do để quay lại Mặt Trăng vào thời điểm này".

Lực hấp dẫn của Mặt Trăng thấp hơn Trái Đất và do đó là điểm phóng thuận lợi hơn để tàu vũ trụ "đi đến nơi khác, có thể là các tiểu hành tinh gần Trái Đất giàu tài nguyên hoặc để thực hiện các nhiệm vụ quỹ đạo xung quanh sao Kim".

Một điểm hấp dẫn khác là sự hiện diện của heli-3, đồng vị cần thiết cho năng lượng tổng hợp hạt nhân. Mối quan tâm về nhiệt hạch trên toàn thế giới đã gia tăng khi có ý kiến rằng dạng năng lượng này là vô tận, an toàn hơn và bền vững hơn năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, các cơ sở năng lượng mặt trời trên Mặt Trăng có thể bổ sung năng lượng tái tạo trên Trái Đất.

Ông Sun Kwok, Giáo sư danh dự tại Đại học Hong Kong cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được thành công nhờ "quyết tâm và ý chí quốc gia" cộng với nguồn nhân tài được đào tạo. Cùng lúc đó, ông nhấn mạnh vào sự hợp tác giữa các nước.

 "Là nhà khoa học, chúng tôi không coi tiến bộ trong sứ mệnh khoa học không phi hành đoàn là "cuộc đua" hay "cạnh tranh", mà là cơ hội cho hợp tác quốc tế".

Theo Nikkei Asia, mọi bên đều bày tỏ sự sẵn lòng phối hợp với các đối tác quốc tế.

Báo cáo chi tiết về Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) giữa Trung Quốc với Nga khẳng định "bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào cũng đều được hoan nghênh hợp tác". Có tin đồn châu Âu sẽ tham gia vào ILRS.

Trong khi đó, hàng chục nước đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu, cam kết tuân thủ các nguyên tắc như minh bạch và tôn trọng các hiệp ước hiện có về sử dụng không gian. Các đối tác khác vẫn có thể tham gia vào thỏa thuận này.

Nhưng các chiến tuyến đang được vẽ ra theo những cách âm thầm hoặc trực tiếp.

Moscow từ chối tham gia Hiệp định Artemis và tuyên bố thỏa thuận này "lấy Mỹ làm trung tâm". Truyền thông Nga còn đưa tin ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos, năm ngoái đe dọa rằng nếu các lệnh trừng phạt nhất định của Mỹ không được dỡ bỏ thì việc Nga rút khỏi trạm vũ trụ ISS sẽ gây ra "vấn đề cho các đối tác Mỹ".

Khả năng hợp tác Mỹ-Trung có vẻ là không tưởng. Bản sửa đổi pháp lý năm 2011 yêu cầu bất kỳ dự án không gian do chính phủ Mỹ tài trợ với Trung Quốc phải được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ và FBI.

Mỹ-Trung khởi động kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa những vì sao - Ảnh 4.

ISS đi qua bán cầu nam của Mặt Trăng năm 2017. (Ảnh: NASA).

Cả ba đồng minh của Washington trong "Bộ tứ kim cương" – gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ - đều đang đẩy mạnh chương trình vũ trụ.

Tháng 12/2021, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố nước này có ý định đưa phi hành gia khác Mỹ đầu tiên lên Mặt Trăng thông qua chương trình Artemis. Nhật Bản cũng cân nhắc tổ chức sứ mệnh Mặt Trăng với Ấn Độ vào năm 2024.

Mỹ-Trung khởi động kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa những vì sao - Ảnh 5.

Những nước với ngân sách vũ trụ bằng một phần nhỏ của Ấn Độ và Nhật Bản – chứ chưa nói đến Mỹ và Trung Quốc - cũng đang tính tới việc giành một chỗ đứng.

Một trong số đó là Hàn Quốc, nước tham gia Hiệp định Artemis. Hàn Quốc dự định phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Pathfinder vào tháng 8 này. Bà Sim Chae-kyung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Không gian và Thiên văn Hàn Quốc nhận định đây sẽ là "sự khởi đầu của chương trình khám phá không gian của Hàn Quốc".

Bà tự tin Mặt Trăng có chỗ cho những người chơi với "chương trình nhỏ hơn, rẻ hơn và nhanh hơn" các siêu cường. Bà cũng nhấn mạnh việc duy trì trật tự.

Chuyên gia khoa học hàng không Terazono nói rằng các quốc gia mạnh về du hành vũ trụ có thể cố gắng thiết lập căn cứ để kiểm soát khu vực Mặt Trăng có trữ lượng nước hoặc các địa điểm hạ cánh thuận tiện cho tàu vũ trụ.

Quân sự hóa là một mối lo khác, mặc dù hiệp ước quốc tế hạn chế những hoạt động này.

Chuyên gia Davis của ASPI nói: "Rủi ro căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các cường quốc đang thúc đẩy nguy cơ không gian có thể bị vũ khí hóa. Một số quốc gia - Trung Quốc, Nga và Ấn Độ - đang thử nghiệm và triển khai năng lực chống vệ tinh hoặc vũ khí phản không. Mỹ cũng có năng lực chống vệ tinh đáng gờm".

Giang

Bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, GTVT, Tổng Thư ký Quốc hội
Chiều 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hồng Minh làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Lê Quang Tùng, giữ chức Tổng thư ký Quốc hội.