|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Du lịch vũ trụ: Cuộc dạo chơi có thể giúp Thaispace của bầu Thụy hái bộn tiền nhưng trước tiên vẫn phải chi bộn tiền

16:28 | 06/01/2022
Chia sẻ
Trước khi có thể kiếm tiền từ những người giàu có muốn trải nghiệm không gian bên ngoài Trái đất, các công ty du lịch vũ trụ như SpaceX, Virgin Galactic, Blue Origin hay Thaispace của bầu Thụy phải chi rất nhiều tiền cho cơ sở hạ tầng công nghệ.

Khi phi hành gia người Nga Yuri Gagarin bay vào vũ trụ cách đây hơn 60 năm, có lẽ loài người chưa bao giờ mơ tưởng đến việc bay lên vũ trụ chỉ để dạo chơi, như một hình thức giải trí tương tự đi du lịch hoặc xem phim.

Bước khởi đầu cho lĩnh vực du lịch vũ trụ xuất hiện vào khoảng năm 2001 - 2009. Space Adventures - một công ty tư nhân trụ sở tại Mỹ, đã "đính kèm" 7 du khách lên tham quan Trạm Vụ trũ Quốc tế (ISS) trên tàu vụ trũ Soyuz của Nga. Theo McKinsey & Co., phí dịch vụ cho mỗi hành khách rơi vào khoảng 20 triệu USD.

Song, trong hàng chục năm qua, cuộc dạo chơi vào vụ trũ chủ yếu vẫn do chính phủ các nước kiểm soát và sự hiện diện của các công ty tư nhân như Space Adventures là rất hạn chế. Chưa kể, Space Adventures cũng chỉ cung cấp dịch vụ du lịch vụ trũ chứ không nắm giữ công nghệ chủ chốt nào.

Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ công nghệ và nguồn vốn tư nhân dồi dạo, một số tên tuổi đáng gờm đã lộ diện. Ba cái tên tiêu biểu nhất chính là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galactic của nhà tài phiệt Richard Branson và Blue Origin của ông trùm thương mại điện tử Jeff Bezos.

Gần đây nhất, một công ty của Việt Nam cũng vừa nhập cuộc. Đó chính là hãng hàng không vũ trụ Thaispace của bầu Thụy.

Du lịch vũ trụ: Cuộc dạo chơi có thể giúp Thaispace của bầu Thụy hái bộn tiền nhưng trước tiên vẫn phải chi bộn tiền - Ảnh 1.

Hôm 29/12, Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings (mã: THD) đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace và các nội dung đăng ký doanh nghiệp của Thaispace. Theo đó, mục tiêu thành lập Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.

Tổng vốn điều lệ dự kiến của Thaispace là 26.688 tỷ đồng, trong đó bầu Thuỵ góp 75% vốn, tương đương số vốn là 20.016 tỷ đồng; con gái của bầu Thuỵ là bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thaispace, rót gần 2.669 tỷ - tương ứng 10% vốn; ông Nguyễn Xuân Thái (được phỏng đoán là con trai của bầu Thụy) góp 10% vốn; và Thaiholdings nắm 5% vốn còn lại.

Thaispace cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện.

Du lịch vũ trụ: Cuộc dạo chơi có thể giúp Thaispace của bầu Thụy hái bộn tiền nhưng trước tiên vẫn phải chi bộn tiền - Ảnh 2.

Trước khi có thể kiếm tiền từ những người giàu có muốn trải nghiệm không gian, các công ty du lịch vũ trụ như SpaceX, Virgin Galactic, Blue Origin hay Thaispace của bầu Thụy đều phải chi rất nhiều tiền cho cơ sở hạ tầng công nghệ. (Ảnh minh họa: Alex Chu).

Trước đó, Thaiholdings đã thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 30.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế và đưa Việt Nam sánh ngang các cường quốc vũ trụ trên thế giới.

Năm ngoái, ngân hàng UBS đã công bố một báo cáo về tiềm năng của lĩnh vực du lịch vũ trụ. Trong đó, UBS ước tính giá trị thị trường của ngành này - tính chung hai mô hình dịch vụ chính là suborbital (dưới quỹ đạo) và orbital (tiểu quỹ đạo), có thể đạt đến 3 tỷ USD vào năm 2030.

Giá vé bay ra không gian được cho là "đắt xắt ra miếng", và cũng là nguồn thu chủ chốt cho các công ty như SpaceX, Virgin Galactic, Blue Origin hay Thaispace trong tương lai. Giá vé bay dưới quỹ đạo, dựa theo giá đề xuất của Virgin Galactic, hiện đang dao động quanh mức 200.000 - 450.000 USD/vé (tương đương 4,6 - 10,3 tỷ đồng).

Trong khi đó, giá vé cho dịch vụ du lịch tiểu quỹ đạo sẽ cao hơn nhiều do yêu cầu công nghệ phức tạp hơn. SpaceX của tỷ phú Elon Musk là công ty tư nhân hiếm hoi đã bước chân thành công vào lĩnh vực này.

Dù SpaceX chưa tiết lộ mức giá cụ thể, nhưng các thông tin trước đây cho thấy giá mỗi vé bay tiểu quỹ đạo rơi vào khoảng 50 triệu USD/người, tương đương hơn 1.140 tỷ đồng.

Du lịch vũ trụ: Cuộc dạo chơi có thể giúp Thaispace của bầu Thụy hái bộn tiền nhưng trước tiên vẫn phải chi bộn tiền - Ảnh 2.

Từ xưa đến nay, hầu hết công nghệ vũ trụ đều nằm trong tay các tổ chức nhà nước hoặc nhà thầu của chính phủ như Boeing và Lockheed Martin (Mỹ), Airbus (châu Âu), Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (Trung Quốc).

Do đó, để có thể kiếm được tiền từ túi những người giàu có muốn trải nghiệm không gian bên ngoài vũ trụ, các công ty tư nhân phải đầu tư, nghiên cứu và phát triển các công nghệ riêng. Trên thực tế, các công nghệ này đều không hề rẻ.

Theo Airbus, hạ tầng cơ bản nhất để phục vụ cho một chuyến bay lên vũ trụ chính là tên lửa và tàu vũ trụ. Hiểu một cách đơn giản nhất, muốn đưa du khách vào không gian, người ta phải gắn tàu vũ trụ vào tên lửa. Sau đó, tên lửa sẽ cùng tàu vũ trụ bay lên bầu khí quyển của Trái đất và khi đạt đủ độ cao, tên lửa sẽ phóng tàu vũ trụ đi.

Du lịch vũ trụ: Cuộc dạo chơi có thể giúp Thaispace của bầu Thụy hái bộn tiền nhưng trước tiên vẫn phải chi bộn tiền - Ảnh 2.

Tỷ phú Jeff Bezos - nhà sáng lập của Blue Origin, chụp hình cùng phi hành đoàn trước khi bay vào rìa vũ trụ bằng tên lửa New Shepard, tháng 7/2021. (Ảnh: Reuters).

Hiện tại, SpaceX, Virgin Galactic và Blue Origin đều đã nắm trong tay một số tên lửa hoặc tàu vũ trụ do chính họ phát triển.

SpaceX hiện đã sở hữu tên lửa Falcon 9 và tàu Crew Dragon. Mùa hè năm ngoái, SpaceX đã lần đầu tiên phóng và đưa hai phi hành gia NASA trở lại Trái đất bằng bộ đôi tên lửa - tàu vũ trụ do chính hãng sản xuất.

Chuyến bay này đã biến SpaceX trở thành công ty tư nhân hiếm hoi đưa người lên quỹ đạo, một kỳ tích mà trước đây chỉ chính phủ các siêu cường mới đạt được.

Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson đã phát triển thành công hệ thống tàu vũ trụ có tên SpaceShipTwo. Giữa năm ngoái, đích thân Richard Branson đã bay vào không gian bằng SpaceShipTwo.

Còn Blue Origin đã nghiên cứu thành công hai tên lửa đời mới, lần lượt là New Glenn và New Shepard. Không lâu sau chuyến đi của Richard Branson, tỷ phú Jeff Bezos cũng đã bay vào không gian bằng tên lửa New Shepard.

Doanh nghiệp thường hiếm khi chia sẻ công khai về chi phí phát triển tên lửa hay tàu vũ trụ. Công chúng chỉ có thể biết mức giá mà các công ty này tính cho khách khi đưa du khách ra không gian (hay còn gọi là giá phóng - launch price).

Giá phóng phụ thuộc vào số lượng du khách và loại hình dịch vụ mà khách hàng muốn. Đôi khi, giá này còn bao gồm chi phí sử dụng bệ phóng, phí bảo trì cơ sở vật chất, …

Ví dụ, giá phóng trước đây cho tên lửa Falcon 9 của SpaceX là 62,5 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi được phép tái sử dụng các tên lửa cũ, SpaceX hiện đã có thể hạ giá phóng cho Falcon 9 xuống còn 52,7 triệu USD.

Dù vậy, theo một thông tin do tổ chức phi lợi nhuận Planetary Society tiết lộ, trong quá khứ, NASA từng chi 10,6 tỷ USD để phát triển tàu con thoi và các thành phần liên quan gồm tên lửa đẩy, thùng chứa bên ngoài.

Điều chỉnh theo lạm phát và giá USD năm 2020, NASA đã chi xấp xỉ 49 tỷ USD để phát triển và phóng tàu con thoi đầu tiên. Song, đến năm 2011, các tàu con thoi của NASA đã chính thức ngừng hoạt động.

Du lịch vũ trụ: Cuộc dạo chơi có thể giúp Thaispace của bầu Thụy hái bộn tiền nhưng trước tiên vẫn phải chi bộn tiền - Ảnh 3.

SpaceX là đơn vị thuê lại bệ phóng 39A của NASA. (Ảnh: NASA).

Lẽ dĩ nhiên, để phát triển lĩnh vực du lịch vũ trụ, các công ty tư nhân không chỉ phải xây dựng tên lửa và tàu vũ trụ, mà còn có các hạ tầng phụ trợ từ mặt đất lên đến không gian.

Một trong các hạ tầng quan trọng trên mặt đất chính là bệ phóng. Theo thông tin của trang Space.com, năm 2015, NASA đã chi khoảng 900.000 USD để xây dựng một bệ phóng mới cho các khách hàng muốn phóng thử tên lửa tại Trung tâm Không gian Kennedy (KSC).

Đó là mức giá của khoảng 7 năm trước nên sang năm 2022, các công ty tư nhân có thể tốn nhiều tiền hơn để xây dựng một bệ phóng phục vụ cho việc phóng tên lửa và tàu vũ trụ.

Chưa kể, chúng ta còn phải bảo trì bệ phóng. Năm 2014, sau khi đội tàu con thoi "nghỉ hưu" được ba năm, NASA đã quyết định cho thuê bệ phóng 39A taị KSC để tiết kiệm chi phí bảo trì khoảng 100.000 USD/tháng.

Hạ tầng phụ trợ khác là service module. Đây là một phần của khoang chứa phi hành đoàn, chức năng tùy thuộc vào mong muốn của doanh nghiệp hoặc tổ chức nhà nước, chẳng hạn như phòng thí nghiệm, phòng cất trữ đồ ăn,… Chi phí để phát triển một service module rơi vào khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu USD.

Ngoài ra, còn có một số hạ tầng phụ trợ khác như mạng internet thương mại để khách hàng có thể kết nối WiFi thông suốt với giá phải chăng giữa không gian và mặt đất; hệ thống quản lý giao thông tương tự như đối với giao thông đường bộ, đường thủy; và các trạm không gian. Thông thường, đây là các lĩnh vực mà những công ty khởi nghiệp có thể tham gia, song chi phí phát triển thì chưa được công bố rõ.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.