|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lĩnh vực du lịch vũ trụ mà ông Nguyễn Đức Thụy mới nhảy vào: Cực ít đối thủ, giá vé 'bèo' nhất 4 tỷ và cao nhất hơn 1.000 tỷ đồng

07:30 | 02/01/2022
Chia sẻ
Với sự tham gia của các công ty tiềm năng như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galactic của ông trùm Richard Branson, Blue Origin của nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Amazon và gần đây nhất là Thaispace của Thaiholdings, những thứ chỉ từng xuất hiện trong phim viễn tưởng như du lịch vũ trụ đang dần trở thành hiện thực.

Cách đây không lâu, du lịch vũ trụ vẫn còn là thứ chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, trong gần hai năm gần đây, hiện thực đang dần mở ra.

Với sự xuất hiện của các công ty như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Virgin Galactic của nhà tài phiệt Richard Branson và Blue Origin của ông trùm thương mại điện tử Jeff Bezos, lĩnh vực du lịch vũ trụ ngày càng trở nên sôi động hơn.

Bên cạnh những công ty tiên phong như trên, một cái tên mới ở Việt Nam cũng vừa chính thức "dạm ngõ" lĩnh vực tiềm năng này: Thaiholdings của ông Nguyễn Đức Thụy.

Thaiholdings nhảy vào ngành du lịch vũ trụ

Hôm 29/12, Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings (mã: THD) đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace và các nội dung đăng ký doanh nghiệp của Thaispace. Theo đó, mục tiêu thành lập Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.

Ngoài ra, Thaiholdings cũng giao Ban Tổng Giám đốc hỗ trợ Thaispace xin cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngay trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tổng vốn điều lệ dự kiến của Thaispace là 26.688 tỷ đồng. Giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ của Thaispace.

Công ty này cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện. CTCP Thaispace đặt trụ sở tại tổ 8, khu tái định cư, khu phố 5, phường Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Lĩnh vực du lịch vũ trụ mà bầu Thụy mới nhảy vào: Cực ít đối thủ, giá vé 'bèo' nhất 4 tỷ và cao nhất hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tên lửa Falcon 9 sắp phóng tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX lên quỹ đạo. Chuyến bay này đã biến SpaceX trở thành công ty tư nhân hiếm hoi đưa người lên quỹ đạo, một kỳ tích mà trước đây chỉ chính phủ các siêu cường mới đạt được. (Ảnh: Joel Kowsky).

Một số ngành nghề hoạt động chính của Thaispace được thông qua gồm: kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây...; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và thế giới; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); và kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam cũng như thế giới.

Trước đó, ngày 28/12, Thaiholdings đã thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 30.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có của Thaigroup và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026. Mục tiêu của dự án này là xây dựng phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế và đưa Việt Nam sánh ngang các cường quốc vũ trụ trên thế giới.

Tương lai "hốt bạc" của du lịch vũ trụ

Trong một báo cáo hồi năm ngoái, ngân hàng UBS ước tính giá trị thị trường của ngành du lịch vũ trụ - tính chung hai mô hình dịch vụ chính là suborbital và orbital, có thể đạt đến 3 tỷ USD vào năm 2030.

Suborbital là mô hình bay "dưới quỹ đạo". Khi bay theo dịch vụ này, phi thuyền được phóng thẳng vào không gian nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đây. Trong khi đó, orbital là du hành "tiểu quỹ đạo", phi thuyền có thể bay xa hơn, chẳng hạn như tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Nhìn chung, bay theo kiểu orbital sẽ tốn kém và đắt đỏ hơn vì phi thuyền phải có phản lực nhanh và mạnh hơn, trang thiết bị cũng phức tạp hơn.

Gần đây, công ty tư vấn hàng không vũ trụ Northern Sky Research (NSR) đã đưa ra một dự báo cụ thể hơn. Theo đó, NSR tin rằng dịch vụ du hành suborbital sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Cụ thể, đến năm 2028, NSR cho rằng mô hình suborbital sẽ có giá trị thị trường khoảng 2,8 tỷ USD với tổng doanh thu trong thập kỷ tới khoảng 10,4 tỷ USD. Còn dịch vụ orbital sẽ có giá trị khoảng 610 triệu USD, tổng doanh thu trong 10 năm tới khoảng 3,6 tỷ USD.

Lĩnh vực du lịch vũ trụ mà bầu Thụy mới nhảy vào: Cực ít đối thủ, giá vé 'bèo' nhất 4 tỷ và cao nhất hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Blue Origin phóng tên lửa New Shepard từ cơ sở của công ty này ở Texas, Mỹ. (Ảnh: thesheetztweetz).

Trong bối cảnh những người tiêu dùng giàu có ngày càng lớn mạnh, họ đương nhiên muốn khám phá thêm những thú tiêu khiển mới lạ hơn. Do đó, lĩnh vực du lịch vũ trụ rõ ràng là một trò vui mà nhiều người có thu nhập dư dả muốn nếm thử.

Cho nên, rất dễ hiểu khi ngành du lịch vũ trụ thường đi kèm với những dự báo hàng tỷ USD và các công ty như SpaceX, Virgin Galactic, Blue Origin và lẽ dĩ nhiên Thaispace đều muốn ngoạm một phần miếng bánh.

Giá vé từ 4,5 tỷ đến cả nghìn tỷ đồng

Giá vé của một chuyến du lịch vũ trụ phụ thuộc vào loại hình dịch vụ mà khách hàng lựa chọn, cụ thể là du lịch "dưới quỹ đạo" hay theo "tiểu quỹ đạo".

Ở mảng du lịch "dưới quỹ đạo", hai công ty lớn và tiềm năng nhất chính là Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson và Blue Origin của nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Amazon - Jeff Bezos.

Trước đây, Virgin Galactic đã bán 600 vé cho khoảng 600 khách với mức giá từ 200.000 đến 250.000 USD/vé (tương đương gần 4,6 đến hơn 5,7 tỷ đồng).

Sau khi nhà sáng lập Richard Branson thực hiện thành công một chuyến bay ra ngoài không gian hồi đầu năm nay, Virgin Galactic đã nâng giá vé khởi điểm lên 450.000 USD (tương đương gần 10,3 tỷ đồng).

Trong khi đó, Blue Origin vẫn chưa công bố giá vé, nhưng tỷ phú Jeff Bezos cho biết mức giá các chuyến bay trên tàu New Shepard sẽ tương đương các đối thủ cạnh tranh.

Với khoảng giá khá cao như trên, cả Virgin Galactic và Blue Origin đều nhắm mục tiêu đến những khách hàng có khối tài sản ròng lớn và muốn trải nghiệm một chuyến đi dưới quỹ đạo.

UBS từng thực hiện một cuộc khảo sát đối với 6.000 cá nhân giàu có đang quan tâm tới dịch vụ du lịch vũ trụ. Khoảng 20% cho biết họ "nhiều khả năng sẽ mua vé lên tàu vũ trụ trong vòng một năm" sau khi Virgin Galactic bắt đầu các chuyến du hành thường lệ. Con số đó sẽ tăng lên hơn 35% sau vài năm, UBS nhấn mạnh.

Năm ngoái, ông George Whitesides - Giám đốc cấp cao của Virgin Galactic, chia sẻ: "Tính chung trên toàn cầu, chúng tôi nghĩ với mức giá hiện tại, khoảng 2 triệu người sẽ muốn trải nghiệm dịch vụ bay dưới quỹ đạo trong những năm tới.

Theo thời gian, chúng tôi sẽ giảm giá vé và tại thời điểm đó, thị trường sẽ bùng nổ. Số lượng người muốn trải nghiệm có thể tăng hàng chục lần lên 40 triệu".

Khác với du lịch "dưới quỹ đạo" vốn chỉ đạt đến độ cao khoảng 100 km và cho phép du khách ở trong không gian khoảng vài phút, các chuyến du hành "tiểu quỹ đạo" thường đạt đến độ cao hơn 400 km và mất nhiều ngày hoặc thậm chí hơn cả tuần ngoài không gian.

Lĩnh vực du lịch vũ trụ mà bầu Thụy mới nhảy vào: Cực ít đối thủ, giá vé 'bèo' nhất 4 tỷ và cao nhất hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

4 phi hành gia không chuyên của Inspiration4 chụp ảnh selfie trước khi bay. Tỷ phú Jared Isaacman (ngoài cùng bên trái) cam kết bỏ 100 triệu USD tiền túi, đồng thời hứa hẹn thông qua dự án Inspiration4 để gây quỹ hơn 200 triệu USD cho bệnh viện nhi St. Jude - một cơ sở nghiên cứu ung thư khoa nhi không tính phí điều trị cho gia đình các bệnh nhi. (Ảnh: Inspiration4).

Cho đến nay, du lịch "tiểu quỹ đạo" chủ yếu chỉ giới hạn ở những chuyến bay đến ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Tuy nhiên, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã bước chân thành công vào lĩnh vực này.

Mùa hè năm nay, SpaceX đã lần đầu tiên phóng và đưa hai phi hành gia NASA trở lại Trái đất bằng tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon do chính hãng sản xuất. Chuyến bay này đã biến SpaceX trở thành công ty tư nhân hiếm hoi đưa người lên quỹ đạo, một kỳ tích mà trước đây chỉ chính phủ các siêu cường mới đạt được.

Đến tháng 9, SpaceX tiếp tục thực hiện thành công chuyến bay Inspiration4. Đây là chuyến bay tư nhân thường lệ đầu tiên do SpaceX thực hiện, đưa thành công tỷ phú Jared Isaacman và ba phi hành gia không chuyên bay ra quỹ đạo và trở về bình an vô sự.

Dù SpaceX chưa tiết lộ mức giá cụ thể, nhưng các thông tin trước đây cho thấy giá mỗi vé bay "tiểu quỹ đạo" rơi vào khoảng 50 triệu USD/người, tương đương hơn 1.140 tỷ đồng.

Yên Khê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.