|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ - Trung căng thẳng: CPTPP sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp Việt Nam

21:46 | 05/09/2019
Chia sẻ
CPTPP và các FTA thế hệ mới với những cam kết đặc biệt sâu về loại bỏ thuế quan sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng cạnh tranh về giá đối với hàng hóa các nước khác, đồng thời là một trong những cứu cánh quan trọng cho doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh Mỹ - Trung căng thẳng thương mại.

Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn đàn "Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra mới đây tại Hà Nội..

Những cơ sở để lạc quan và lo lắng

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định, có nhiều cơ sở để lạc quan trong việc thực thi CPTPP trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước và sự quan tâm của doanh nghiệp. Đó là các cơ quan Nhà nước có quyết tâm hội nhập rất cao, đó là quyết tâm vượt qua chính mình, vượt qua thách thức chính mình. 

Tất cả những tiêu chuẩn, những đòi hỏi cao trong các hiệp định thương mại tự do sở dĩ nó trở thành sức ép vì Việt Nam chấp nhận cho nó là sức ép với mình vì không ai ép Việt Nam tham gia hiệp định.

Trong quá trình phê chuẩn CPTPP cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc cải cách và thay đổi. Theo đó, chúng ta đã chứng kiến một đợt rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về kinh doanh lớn nhất ở Việt Nam kể từ sau WTO. 

Đây là điều chưa có một hiệp định thương mại tự do nào Việt Nam làm. Đây là cơ sở để DN có thể tin rằng khó khăn, bất cập trong thực thi của cơ quan Nhà nước đối với hiệp định có thể được cải thiện.

Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra kế hoạch hành động đối với CPTPP. Đây là kế hoạch hành động đầu tiên đối với 1 FTA mà Việt Nam có. Cho đến bây giờ, tất cả 12 FTA mà chúng ta đã ký kết, chưa có FTA nào có kế hoạch hành động.

Một yếu tố không thể bỏ qua đó là nỗ lực đàm phán của Bộ Công Thương và các đầu mối liên quan đem đến kết quả rất lạc quan về thuế quan, biện pháp phi thuế, thể chế, hay quy tắc. Qua đó, các DN có nhiều cơ hội xuất khẩu.

"Trên góc độ doanh nghiệp, kết quả khảo sát của VCCI trong năm 2018 với sự tham gia của 8.600 DN cho thấy số lượng các DN chưa từng nghe nói hoặc nghe nói mà chưa biết gì về CPTPP tương đối cao so với các hiệp định khác. 

Tuy vậy, số DN đã từng tìm hiểu về hiệp định lại cao nhất trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Điều này cho thấy đã có tín hiệu nhất định trong việc DN đang chủ động tìm hiểu", bà Trang nói.

51emytrung

Ở chiều ngược lại, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho rằng có những cơ sở để lo lắng bởi những văn bản trễ hẹn và những hành động trễ đà từ các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Cụ thể, các quyết định, thông tư hay nghị định liên quan đến CPTPP (trừ kế hoạch thực thi) đều chậm về nguyên tắc so với yêu cầu của CPTPP bởi CPTPP yêu cầu tất cả các văn bản này phải được ban hành ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, tức là ngay sau ngày 14/01/2019.

Về hành động của các cơ quan Nhà nước, theo bà Trang, hiện tại hầu hết các địa phương, bộ, ngành đều có kế hoạch hành động nhưng tất cả đều chậm nửa năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đấy là chưa kể đến các đầu mối thông tin và những hoạt động cần thiết khác để hỗ trợ DN.

Trong khi đó, sự chủ động của DN cũng là lý do đáng để lo lắng. Theo kết quả khảo sát, có tới 70% DN không hiểu biết gì về CPTPP. 57,91% DN cho biết có nghe nói nhưng chưa tìm hiểu gì. 26,59% DN tham gia khảo sát trả lời đã từng tìm hiểu một số thông tin. Chỉ 1,86% là tỷ lệ DN đã tìm hiểu kỹ về CPTPP.

"Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế. Hành trình để cải thiện năng lực cạnh tranh còn rất nhiều chông gai, mà những gai lớn nhất, nhọn nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, tình trạng nhũng nhiễu, hay tay nghề lao động...", bà Trang chia sẻ.

CPTPP sẽ là cứu cánh cho DN Việt Nam

Theo bà Trang, tính đến tháng 6/2019, tức là 1 năm sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận nhiều thay đổi. Liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ: Theo số liệu của cơ quan thống kê Mỹ, Mỹ là thị trường mà Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm nay.

"Nếu bình thường tăng trưởng XK thì đây là tin mừng. Nhưng tin không mừng ở chỗ chúng ta nằm trong nhóm 10 đối tác thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. 

Đây cũng là điều không mới bởi mấy năm nay VN vẫn đứng trong nhóm 5, 6 quốc gia trong thâm hụt thương mại với Mỹ. Nhưng tăng trưởng NK vào Mỹ của 10 nước này đều giảm tốc so với năm 2018, duy nhất có Việt Nam là tăng", bà Trang phân tích.

Ngoài ra, trong số 10 đối tác này Mỹ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt hoặc các biện pháp để đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại có tác dụng và phạm vi tác động rất lớn, chứ không chỉ nhỏ như các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp...

Trong 10 đối tác này duy nhất cho tới hiện tại có Việt Nam và Malaysia chưa phải chịu các biện pháp trừng phạt nhưng trong khi Malaysia giảm tốc trong nửa đầu năm 2018 tăng trưởng 7% thì nửa đầu năm nay không có tăng trưởng mà là giảm thâm hụt.

Cũng theo phân tích của bà Trang, Việt Nam bất lợi ở thị trường Trung Quốc. XK sang TQ vẫn tăng một chút 0,3% trong 6 tháng đầu năm 2019 nhưng nếu so sánh với tốc độ tăng 21,8% trong cùng kỳ năm ngoái thì lại giảm tốc, đặc biệt ở giảm tốc ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh từ trước là nông sản và thủy sản. Lý do là Trung Quốc thắt chặt các điều kiện về XNK với những yêu cầu cao về kỹ thuật.

Trong khi đó, NK từ Trung Quốc lại tăng và đặc biệt tăng đối với những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cực kỳ lớn đi Mỹ. Ví dụ máy tính, điện tử, linh kiện tăng gần 70% trong 6 tháng đầu năm 2019. Còn XK đi Mỹ tăng 89%. Ở các thị trường XK, trừ một số thị trường, phần lớn các thị trường đều giảm tốc một nửa so với cùng kỳ năm 2018.

Với thực trạng này, bà Trang cho biết, CPTPP và các FTA thế hệ mới với những cam kết đặc biệt sâu về loại bỏ thuế quan nó sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng cạnh tranh về giá đối với hàng hóa các nước khác; đồng thời giúp cho hàng hóa Việt Nam có giá rẻ hơn, nhanh hơn và có uy tín hơn, đẹp hơn.

"CPTPP có những yêu cầu rất cao về cải cách thể chế mà cải cách thể chế sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và thu hút FDI. 

Thứ hai là CPTPP có những cam kết về mở cửa về dịch vụ có thể thu hút các nhà đầu tư CPTPP. Không những thế, các cơ hội cực lớn về gia tăng XK ở Việt Nam sẽ là nền tảng thu hút thu hút các nhà đầu tư. Có thể nói, CPTPP và các FTA khác là một trong những cứu cánh cực kỳ quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay", bà Trang nhận định.

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho vấn đề này, bà Trang cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần thực hiện đúng kế hoạch thực hiện CPTPP, thực hiện hiệu quả từng hoạt động nằm trong kế hoạch, thực hiện với sự tham vấn doanh nghiệp.

Trong khi đó, với DN, bà khuyến nghị các DN cần chủ động tìm hiểu cam kết CPTPP và các FTA, tìm hiểu thị trường cung cầu, tìm hiểu diễn tiến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như toàn cầu.

Chủ động hành động tận dụng cơ hội và nâng cao năng lực cạnh tranh; Chủ động phản ánh về tình hình thực hiện chưa đúng theo quy định/cam kết của cơ quan Nhà nước, cũng như những bất cập thực tiễn trong thực thi CPTPP và các FTA và các diễn tiến, sự cố chính sách ở các thị trường cần Chính phủ can thiệp.

Nguyệt Minh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.