Xuất khẩu sang 6 nước CPTPP: Sẽ được hoàn thuế với những lô hàng đủ điều kiện từ 14/1/2019
Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV 1 kiểm tra mặt hàng ôtô nhập khẩu. Ảnh: T.H.
Biểu thuế này được áp dụng từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.
4 điều kiện để được ưu đãi
Nghị định ban hành được áp dụng giữa Việt Nam với các quốc gia bao gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia, là những quốc gia mà Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực theo quy định về điều kiện để được hưởng thuế suất thuế XK ưu đãi và thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt.
Biểu thuế sẽ có lộ trình 4 năm, từ 2019-2022. Đây là khoảng thời gian tương đối hợp lý cho DN lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. DN muốn được hưởng ưu đãi trong hiệp định CPTPP cần đáp ứng 4 điều kiện.
Trước tiên, các DN cần lưu ý xem nước mà mình XK hoặc NK hàng hoá đã thực thi hiệp định CPTPP hay chưa. Đến thời điểm hiện tại, ngoài Việt Nam thì mới chỉ có 6 nước phê chuẩn và thực thi hiệp định này.
Do đó, các DN chỉ được hưởng ưu đãi khi XK, NK hàng hoá với 6 nước này. Trong thời gian tới, nếu có thêm các nước khác phê chuẩn và thực hiện CPTPP thì Bộ Tài chính sẽ công bố lộ trình đối với các nước này, ví dụ như Malaysia, Bruney, Peru…
Thứ hai, với lộ trình của biểu thuế là 4 năm, các DN cần rà soát xem sản phẩm của mình thuộc dòng hàng nào và lộ trình cắt giảm của dòng hàng đó. Ví dụ như đối với ô tô NK từ Nhật Bản, mức thuế trong năm 2019 sẽ giảm về 64% và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 6% mỗi năm.
Thứ ba, để được hưởng ưu đãi, DN phải có hồ sơ hàng NK tại nước NK và phải có chứng từ vận đơn vận tải. Theo đó, hàng hoá XK từ Việt Nam phải đạt được đích đến tại nước NK để tránh tình trạng lợi dụng để XK sang nước thứ ba.
Trong trường hợp hàng hoá không vận chuyển trực tiếp từ nước XK tới nước NK, mà có đi qua các nước thành viên thì vẫn được xem là vận chuyển trực tiếp. Ngoài ra, hàng hoá cũng được phép chuyển tải, quá cảnh tại các nước không phải thành viên CPTPP.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển tải, quá cảnh không được phát sinh các công đoạn sản xuất, không thay đổi bản chất hàng hoá và bản chất xuất xứ thì mới được hưởng ưu đãi.
Thứ tư là hàng hoá phải có chứng nhận xuất xứ từ các nước thuộc CPTPP.
Liên quan đến việc hưởng ưu đãi thuế, ông Vũ Nhữ Thăng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho hay, Biểu thuế XK ưu đãi, biểu thuế NK ưu đãi bao gồm 2 nhóm nước là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (gồm Canada, Australia, New Zealand và Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019.
Theo đó, khi DN NK hàng hoá thì cần đọc Biểu thuế để nắm được lộ trình giảm thuế. Ví dụ như hàng hoá nhập từ Australia thì lộ trình áp dụng là năm thứ hai, trong khi nhập từ Mexico thì lộ trình là năm thứ nhất.
Liên quan đến thuế XK, do biểu thuế ưu đãi chưa được ban hành, nên hiện tại khi XK hàng sang các nước thành viên CPTPP DN vẫn phải nộp thuế bình thường và phải có 2 loại hồ sơ: Chứng từ vận tải và hồ sơ khai hải quan. Sau đó, trong vòng 1 năm sau khi hàng hoá đã đến đích, DN sẽ mang hồ sơ tới cơ quan Hải quan để được hoàn thuế.
Ông Thăng cũng lưu ý DN về việc thuế NK cũng chỉ là một trong những ưu đãi cho hàng hoá của Việt Nam khi vào các thị trường. Còn việc hàng hoá có vào được thị trường hay không thì còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước NK cũng như các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá.
Thủ tục hoàn thuế đã được quy định rõ
Về vấn đề hoàn thuế sau khi hàng đã NK thành công vào các nước CPTPP, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK – Tổng cục Hải quan cho biết: Nghị định có quy định về việc xử lý tiền thuế nộp thừa của DN trong các tờ khai đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 14/1/2019 (ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực) đến ngày Nghị định Biểu thuế có hiệu lực.
Nếu hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi trong Hiệp định CPTPP, DN đã nộp thuế và thuế suất áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai cao hơn thuế suất ưu đãi trong CPTPP thì DN sẽ được xử lý tiền thuế nộp thừa.
Cũng theo bà Hương, thủ tục và bộ hồ sơ để xử lý tiền thuế nộp thuế thừa được quy định chi tiết tại khoản 64 điều 1 của Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK.
Theo đó trong vòng 12 tháng kể từ ngày tờ khai đăng ký làm thủ tục thì DN có thể nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan Hải quan. Hồ sơ hoàn thuế gồm có công văn đề nghị cơ quan Hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo mẫu quy định tại Thông tư 39 và chứng nhận xuất xứ form CPTPP.
Trong trường hợp hàng hóa được chuyển tải hoặc vận chuyển qua nước thứ ba không phải thành viên CPTPP thì người khai hải quan phải nộp bổ sung các chứng từ chứng minh hàng hóa giữ nguyên trạng về xuất xứ CPTPP.
Sau khi có đầy đủ chứng từ như trên, người khai hải quan sẽ khai bổ sung đối với tờ khai ban đầu, chỉ tiêu khai bổ sung là điều chỉnh thuế suất tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu (do tất cả các nước thành viên CPTPP đều là thành viên của WTO nên tại thời điểm làm thủ tục ban đầu, thuế suất áp dụng là thuế suất MFN).
Trong tờ khai bổ sung, DN sẽ điều chỉnh biểu thuế áp dụng và lựa chọn biểu thuế CPTPP và hệ thống xử lý dữ liệu của Hải quan sẽ tự động nhập thuế suất CPTPP tương ứng sau khi DN đã hoàn thành việc khai bổ sung kèm theo các chứng từ nộp cho cơ quan Hải quan thông qua hệ thống hải quan điện tử.
Trong vòng 5 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan nhận đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp lệ, cơ quan Hải quan sẽ đối chiếu với bộ hồ sơ ban đầu, kiểm tra tính chính xác trong các thông tin kê khai. Nếu các thông tin đầy đủ, cơ quan Hải quan sẽ ban hành quyết định xử lý tiền thuế nộp thừa cho DN.
Ngoài ra, thủ tục chi tiết xử lý tiền thuế nộp thừa cũng được quy định tại khoản 65 điều 1 Thông tư 39 sửa đổi Thông tư 38. Cụ thể, khi nhận được quyết định hoàn thuế của cơ quan Hải quan, nếu DN không phát sinh khoản nợ tiền thuế với cơ quan Hải quan thì cơ quan Hải quan sẽ xử lý tiền thuế nộp thừa theo đề nghị của DN.
Trong trường hợp DN đề nghị hoàn trả thì cơ quan Hải quan sẽ lập lệnh chi cho Kho bạc Nhà nước thực hiện hoàn trả. Còn nếu DN quyết định bù trừ cho các tờ khai tiếp theo thì cơ quan Hải quan sẽ căn cứ số thuế phát sinh tại các tờ khai tiếp theo để xử lý bù trừ.
Trong trường hợp DN vẫn còn nợ thuế, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện bù trừ số tiền thuế đã được nộp thừa theo quyết định hoàn thuế với số tiền thuế mà DN còn nợ.
Ô tô được ưu đãi thế nào khi NK vào Việt Nam từ các nước CPTPP?
Ô tô mới NK từ các nước thành viên CPTPP có lộ trình cam kết giảm thuế, tùy từng mặt hàng. Hiện nay, ô tô 4 chỗ ngồi hoặc ô tô có dung tích trên 3.000cc đang áp dụng thuế suất 70% thì sẽ cắt giảm dần trong vòng 15 năm để năm thứ 16 xuống còn 0%. Ngoài ra, một số mặt hàng khác như ô tô có nhà di động dung tích trên 3.000cc hiện đang áp dụng thuế 47%, vào CPTPP, thuế suất này được bảo lưu trong trong 5 năm để đến năm thứ 6 cắt giảm xuống 0%.
Bên cạnh ô tô mới, chúng ta cũng phải có chính sách cụ thể để cho phép các nước XK ô tô cũ sang Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện NK, lắp ráp ô tô, do đó, việc NK ô tô phải đáp ứng các quy định chung này, đặc biệt là các tiêu chuẩn về chất lượng xe, về khí thải,… Về chính sách thuế, chúng ta cũng thực hiện theo lộ trình và có hạn ngạch đối với ô tô. Theo cam kết, trước mắt cấp hạn ngạch 60 chiếc/năm, trong đó 30 chiếc có dung tích dưới 3.000cc và 30 chiếc có dung tích trên 3.000cc. Sau đó, chúng ta sẽ tăng dần lượng hạn ngạch không chịu thuế lên đến khoảng 150 chiếc từ năm thứ 16 trở đi.
Hiện nay, CPTPP đã được ký kết nhưng không phải cả 11 nước thành viên đều đã phê chuẩn và nộp lưu chiểu. Trên thực tế mới có 7 nước, trong đó có Việt Nam. Do vậy, các chính sách thuế nêu trong Nghị định chỉ áp dụng đối với những nước đã có hiệu lực. Những nước khác chờ đến khi Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực thì chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định này để họ cũng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.