|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ tạm dừng phê duyệt xuất khẩu LNG ảnh hưởng thế nào đến châu Âu và châu Á?

09:42 | 14/02/2024
Chia sẻ
Mỹ hiện là “quốc gia bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu" và trách nhiệm của nước này vượt ra ngoài châu Âu. Trong khi đó, Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ Latinh và Châu Phi cần nguồn cung cấp khí đốt để giảm dần sự phụ thuộc vào than đá, một loại nhiên liệu có hàm lượng carbon cao.

 

Theo Reuters, quyết định tạm dừng phê duyệt xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới của Tổng thống Joe Biden sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp của Mỹ sang châu Âu trong hai hoặc ba năm tới, một quan chức Ủy ban châu Âu cho biết hôm thứ Ba (13/2) sau cuộc gặp các quan chức Mỹ.

Trước đó, Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng phê duyệt các đơn đăng ký xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới. Đây là động thái được các nhà hoạt động khí hậu hoan nghênh và có thể làm trì hoãn các quyết định xây dựng nhà máy khí hoá lỏng mới cho đến sau cuộc bầu cử ngày 5/11.

Bộ Năng lượng Mỹ sẽ đánh giá nhằm xem xét các tác động kinh tế, môi trường của các dự án xin phê duyệt xuất khẩu LNG sang châu Âu và châu Á trong thời gian tạm dừng.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu ông Maros Sefcovic phát biểu trong một cuộc họp tại Hội đồng Đại Tây Dương: “Điều tất nhiên rất quan trọng đối với tôi là sự đảm bảo rằng trong hai hoặc ba năm tới sẽ không có bất kỳ tác động nào đến việc cung cấp LNG của Mỹ sang châu Âu”.

Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn cho châu Âu, nhưng kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, châu Âu đã trải qua "một trong những sự thay đổi năng lượng cơ bản nhất kể từ những năm 1970", ông Sefcovic nói. Châu Âu đã cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 150 tỷ mét khối (bcm) xuống hơn 40 bcm một chút, phần lớn nhờ vào nguồn cung LNG của Mỹ.

Ông Sefcovic cho biết, Mỹ sẽ có thể đáp ứng nhu cầu lớn từ châu Âu trong những năm tới, đồng thời lệnh của của tổng thống Biden vào tháng trước có chứa một điều khoản khẩn cấp nếu nguồn cung cấp cho các đồng minh và đối tác của Mỹ gặp nguy hiểm.

Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm ngoái. Xuất khẩu LNG của nước này dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nhờ các dự án đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Sefcovic cho biết Mỹ hiện là “quốc gia bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu" và trách nhiệm của nước này vượt ra ngoài châu Âu. Ông cho biết Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ Latinh và Châu Phi cần nguồn cung cấp khí đốt để giảm dần sự phụ thuộc vào than đá, một loại nhiên liệu có hàm lượng carbon cao.

 Ông Alan Armstrong, Chủ tịch của nhà điều hành đường ống khí đốt tự nhiên Mỹ Williams Companies  cho biết các quốc gia ở Đông Nam Á, cũng như Ý và Đức, đang đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với việc cung cấp LNG dài hạn.

Đặc biệt, một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo LNG do bất đồng về giá cả, chậm trễ xây dựng nhà máy và thiếu hợp đồng cung cấp.

Armstrong cho biết: “Các công ty điện lực lớn ở Nhật Bản và Đông Nam Á… đang cạn kiệt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, đang phải quyết định xem họ sẽ chuyển sang sử dụng than hay tiếp tục sử dụng khí đốt tự nhiên nhập khẩu”.

Sefcovic cho biết ông đã nói với các quan chức từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Năng lượng rằng điều quan trọng là chính phủ Mỹ tiếp cận trách nhiệm của mình đối với an ninh năng lượng toàn cầu như thế nào.

Theo ông, việc Mỹ tạm dừng LNG, có thể kéo dài cho đến sau cuộc bầu cử ngày 5/11, đã gây ra "hiệu ứng gợn sóng trên toàn thế giới". Tuy nhiên, thị trường gần đây đã ổn định nhờ sự đảm bảo nguồn cung từ các dự án đã được phê duyệt trước đó. 

Các nhà lập pháp Mỹ phản đối quyết định của ông Biden đang xem xét luật sẽ tước quyền phê duyệt xuất khẩu của Bộ Năng lượng và giao quyền này cho ủy ban độc lập, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang.

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ phản đối mạnh mẽ đạo luật này vì nó sẽ làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc đảm bảo rằng việc xuất khẩu LNG “phù hợp với kinh tế, an ninh năng lượng, chính sách đối ngoại và lợi ích môi trường”.

 

H.Mĩ