|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ công bố 5 nước thay thế trong các vụ điều tra và rà soát CBPG đối với Việt Nam

15:08 | 30/09/2020
Chia sẻ
Các nước này phải thỏa mãn đồng thời 2 yêu cầu là có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam và là nước sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh được với hàng hóa bị điều tra.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 25/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC đã ban hành Danh sách các nước thay thế trong các vụ việc điều tra và rà soát chống bán phá giá đối (CBPG) với Việt Nam. 

Theo đó, trong trường hợp DOC tính toán giá bán tại Mỹ sử dụng giá của nước thay thế thì theo qui định (mục 773 (c) (4) của Đạo luật Thuế quan) nước đại diện phải thỏa mãn đồng thời 2 yêu cầu là có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam và là nước sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh được với hàng hóa bị điều tra. 

Từ đó, Mỹ đã đưa ra danh sách các nước được coi là có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam, cụ thể như sau:

Nước

Tổng thu nhập quốc dân (GNI) theo đầu người, 2019 (USD)

Việt nam

2.540

Bolivia

3.530

Ma rốc

3.190

Ai cập

2.690

Honduras

2.390

Nicaragua

1.910

DOC sử dụng chỉ số GNI đầu người - được coi là chỉ số chính để thể hiện mức độ phát triển kinh tế của một nước.

Bước tiếp theo sau khi lựa chọn được 6 nước nêu trên (được coi là có mức độ phát triển kinh tế tương đương Việt Nam) là xác định xem trong 6 nước này có nước nào là nhà sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra. 

Qui định của Mỹ không định nghĩa thế nào là “đáng kể” hoặc “có thể so sánh được” mặc dù hàng hóa “có thể so sánh được” nghĩa là bao gồm các sản phẩm thuộc nhóm lớn hơn “hàng hóa tương tự”. 

Theo DOC, một số vụ việc trước đây đã xác định hàng hóa có thể so sánh được trên cơ sở sự giống nhau về các yếu tố sản xuất (về mặt vật lí và phi vật lí) và tầm quan trọng của các yếu tố.

Nếu trong 6 nước nêu trên có nhiều hơn một nước đáp ứng hai yêu cầu nêu trên thì cần rút gọn các tiêu chí để lựa chọn chỉ một nước trên cơ sở sự sẵn có và chất lượng của số liệu.

Ngoài ra, cần sử dụng các số liệu về giá công khai, giá về các yếu tố sản xuất trên cơ sở bao gồm các loại thuế và có xét đến các vấn đề về nguồn số liệu, lượng ít, tổng hợp số liệu, số liệu cập nhật.

Theo DOC, 6 nước trên có khả năng có số liệu sẵn có, có chất lượng (nghĩa là sự cụ thể của các số liệu của các nước này có khả năng hỗ trợ cơ quan điều tra trong việc đánh giá các đầu vào). 

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng có thể xem xét các nước khác trong hồ sơ vụ việc mà là nhà sản xuất đáng kể sản phẩm có thể so sánh được với sản phẩm bị điều tra nếu hồ sơ cung cấp đầy đủ thông tin để đánh giá và các nước này (có cùng mức độ phát triển kinh tế với Việt Nam) sẽ được xem xét một cách bình đẳng trong việc lựa chọn nước thay thế. 

Những nước mà không ở cùng mức độ phát triển kinh tế như Việt Nam nhưng vẫn ở mức độ phát triển kinh tế có thể so sánh được với Việt Nam sẽ chỉ được lựa chọn nếu việc xem xét số liệu cho thấy hợp lí mặc dù có sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu không thể tìm được nước kinh tế thị trường phù hợp có số liệu về các chỉ số sản xuất đầy đủ để xác định trị giá thông thường thì cơ quan điều tra sẽ phải dựa vào giá của hàng hóa có thể so sánh được được sản xuất ở nước thay thế và bán ở nước khác, bao gồm Mỹ.

Trong các vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá với Việt Nam trước đây, Mỹ thường lựa chọn nước thay thế như Bangladesh, Indonesia, Philippines, Ấn Độ….

Như Huỳnh