|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mỹ chiếm hơn nửa số lượng kỳ lân mới được tạo ra trên toàn cầu trong năm 2022

14:36 | 04/02/2023
Chia sẻ
Trong năm 2022, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai cường quốc về lĩnh vực startup, chiếm tới hơn 77% số lượng kỳ lân (startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên) mới được tạo ra trên toàn cầu.

Theo một báo cáo mới được tạp chí Forbes Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã tạo ra 74 kỳ lân mới vào năm ngoái, tụt lại phía sau Mỹ, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, theo South China Morning Post.

Năm 2022, Mỹ đã có thêm 182 kỳ lân – thuật ngữ chỉ những công ty khởi nghiệp có mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên – qua đó chiếm hơn một nửa trong tổng số 330 kỳ lân mới trên thế giới, theo dữ liệu của Forbes.

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khởi nghiệp khi tạo ra các công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD, cùng nhau chiếm 77% tổng số kỳ lân mới được tạo ra trên vào trên toàn cầu.

Tuy nhiên, số lượng kỳ lân mới ra ra đời tại Mỹ trong năm qua đã giảm khoảng 28% so với năm trước, trong khi Trung Quốc vẫn giữ ở mức ngang bằng năm 2021. Vào năm 2021, Mỹ đã tạo ra 254 kỳ lân mới, trong khi Trung Quốc cũng tạo ra 74 kỳ lân, theo một chỉ số về startup và kỳ lân của Hurun.

Mỹ tiếp tục là quốc gia đóng góp nhiều kỳ lân mới nhất cho toàn cầu trong năm 2022. (Ảnh: Money Control).

Số lượng kỳ lân của Trung Quốc đã tăng lên vào năm ngoái bất chấp việc huy động vốn nói chung trên toàn cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 tại chính Trung Quốc.

Vào năm 2022, số lượng giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Trung Quốc đã giảm 13,6% so với năm trước, trong khi khối lượng giao dịch cũng giảm 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu được công bố bởi công ty nghiên cứu Trung Quốc Zero2IPO trong tuần qua.

Trên toàn cầu, giá trị của các giao dịch đầu tư mạo hiểm đã giảm 42% trong 11 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, với mức giảm lên tới 50% ở Trung Quốc và 45% ở Mỹ, theo Bloomberg, trích dẫn dữ liệu từ công ty nghiên cứu Preqin.

Trong khi các công ty internet tiêu dùng từng thống trị danh sách kỳ lân của Trung Quốc, thì những kỳ lân mới ra đời của quốc gia này dường như tập trung vào các ngành phù hợp hơn với các mục tiêu phát triển quốc gia của Trung Quốc.

70% kỳ lân mới ra đời trong năm 2022 của Trung Quốc đến từ 4 lĩnh vực, gồm công nghệ sạch; năng lượng tái tạo; chăm sóc sức khỏe và hậu cần thông minh, theo ForbesTrung Quốc.

Ngoài ra, danh sách kỳ lân mới ra đời tại Trung Quốc trong năm 2022 còn có hơn 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng lại chỉ có một công ty hoạt động trong lĩnh vực game và một startup hoạt động tỏng lĩnh vực metaverse.

Để so sánh, tại Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp và các công ty liên quan đến tiền điện tử chiếm một nửa số kỳ lân mới của đất nước vào năm 2022, Forbes Trung Quốc cho biết.

Forbes Trung Quốc cho biết thêm rằng các công ty khởi nghiệp tỷ đô mới của Trung Quốc năm ngoái chủ yếu đến từ miền nam Trung Quốc. Trong số 74 kỳ lân mới của đất nước ra đời vào năm ngoái, 19, hoặc hơn 1/4 trong số đó, được sinh ra ở tỉnh Quảng Đông phía nam, trong khi 14 đến từ Thượng Hải và 13 đến từ Bắc Kinh.

Các kỳ lân hiện tại của Trung Quốc tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng kỳ lân toàn cầu theo định giá. Trong số 10 công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới vào cuối tháng 6 năm ngoái, được xếp hạng bởi Hurun, có tới 5 công ty đến từ Trung Quốc, bao gồm ByteDance, chủ sở hữu mạng xã hội TikTok; Ant Group, chi nhánh fintech của Alibaba Group Holding; gã khổng lồ trong lĩnh vực thời trang nhanh Shein; WeBank, ngân hàng kỹ thuật số do Tencent Holdings hậu thuẫn và gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com.

Tuy vậy, năm 2022 lại được coi là một năm không mấy thành công đối với những người sáng lập tỷ phú của các kỳ lân trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ tạp chí Forbes, 44 nhà sáng lập của các kỳ lân (những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), sở hữu khối tài sản ròng trị giá khoảng 190 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.

Một năm sau, với sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu, Forbes đã định giá lại các kỳ lân và giá trị khối tài sản ròng của những nhà sáng lập. Kết quả thật rõ ràng: Một nửa giá trị khối tài sản ròng của các tỷ phú đứng sau các kỳ lân đã bị xóa sạch, khiến nhóm khởi nghiệp này chứng kiến tổng giá trị khối tài sản ròng bị “xóa sổ” 96 tỷ USD so với một năm trước.

Đã có 12 người không còn là tỷ phú, và con số này còn chưa bao gồm hàng chục nhà sáng lập kỳ lân Trung Quốc, những người phải đối mặt với các vấn đề của riêng họ (chính trị và các vấn đề khác).

Anh Nguyễn