Mỹ cần EU hợp tác chống trợ cấp 'có hại' với ngành chế tạo máy bay
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng Mỹ và châu Âu nên nhất trí hợp tác để chống lại bất kỳ khoản trợ cấp "có hại" nào trong tương lai mà Trung Quốc sử dụng để xây dựng ngành chế tạo máy bay thương mại của nước này.
Ông Lighthizer cho biết ông đang làm việc để giải quyết tranh chấp kéo dài 16 năm giữa Washington và Brussels về khoản viện trợ của chính phủ cho các nhà sản xuất máy bay.
Tuy vậy, ông Lighthizer bày tỏ sự thất vọng rằng các quy tắc hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ không thể ngăn cản các khoản trợ cấp trong tương lai của Liên minh châu Âu (EU) hoặc Trung Quốc.
Ông Lighthizer nhấn mạnh nếu Trung Quốc bắt đầu thực hiện các khoản trợ cấp lớn trong lĩnh vực sản xuất máy bay và điều này gây bất lợi, Mỹ và EU có khả năng làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề.
WTO đã ra phán quyết chống lại mọi hành vi sử dụng các khoản vay từ chính phủ trong quá khứ để phát triển máy bay mới, nhưng lại không cấm các khoản trợ cấp trong tương lai.
Các nhà đàm phán của Mỹ và châu Âu đã tham gia vào các cuộc đàm phán về việc chấm dứt tranh chấp về viện trợ của chính phủ các nước châu Âu cho hãng chế tạo máy bay Airbus và viện trợ của Mỹ cho “đồng nghiệp” Boeing.
Đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber mới đây đã lên tiếng kêu gọi các bên hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề trên.
Theo bà Haber, cần có giải pháp khẩn cấp cho các nhà sản xuất máy bay ở cả hai khu vực đang chịu thiệt hại do đại dịch COVID-19 và động thái của Trung Quốc nhằm phát triển các mẫu máy bay mới.
Giám đốc điều hành (CEO) của hãng sản xuất máy bay của châu Âu Airbus Guillaume Faury gần đây cũng kêu gọi chấm dứt bất đồng liên quan đến việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, và trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay, vốn đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng.
Theo các chuyên gia kinh tế, căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và EU liên quan đến trợ giá máy bay có thể gây ra những tổn thất rất lớn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đối với hoạt động sau này của các công ty cùng những thiệt hại kinh tế không đáng có cho cả hai bờ Đại Tây Dương.