Muốn lọt \"mắt xanh\" đối tác ngoại, phải có trên 50 triệu USD doanh thu
Tại diễn đàn CEO 2016, ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Gỗ An Cường chia sẻ Việt Nam có nhiều doanh nghiệp (DN) tốt nhưng quy mô nhỏ, trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài có rất nhiều tiền. Thời gian để tìm hiểu, thương lượng với một doanh nghiệp mất khá lâu nhưng số tiền đầu tư vào DN nhỏ lại không đáng kể. Theo đó, các DN quy mô nhỏ rất khó có cơ hội được các quỹ đầu tư ngoại tìm kiếm, ông Nghĩa nhận xét.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Phó TGĐ HSBC Việt Nam cho biết, nếu có được doanh thu trên 50 triệu USD thì doanh nghiệp Việt sẽ lọt vào tầm mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn đàn CEO 2016 diễn ra chiều 30/9/2016 tại TP HCM. |
Một câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn là khi quỹ đầu tư nhìn vào DN thì nhìn vào báo cáo tài chính hay nhìn vào chiến lược, tầm nhìn của DN.
Ông Hải cho rằng, nhà đầu tư ngoại quan tâm đến tương lai của DN. Tuy nhiên tương lai cần được xây dựng từ nền tảng hiện tại, nếu mỗi năm DN đều có sự tăng trưởng ổn định thì nhà đầu tư sẽ lạc quan về dự báo tương lai.
Mặt khác, các nhà đầu tư cũng cần có sự tin tưởng, minh bạch lẫn nhau và không cho phép có sự sai sót, nếu không uy tín của DN sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và giá trị định giá sẽ trở nên rất thấp. Điều này phụ thuộc kiên quyết vào đội ngũ lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, các chuyên gia nhận xét.
Nữ doanh nhân Thái Lan, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc CTCP Amata Việt Nam khuyên rằng, DN Việt nên đi chậm và chắc. Thay vì để bị mất tập trung do có quá nhiều mảng tham gia đầu tư, DN cần xác định rõ thế mạnh của mình, vị trí trên thị trường, tìm cách cải thiện và khiến DN trở thành chuyên gia trong ngành. Nếu thành công với thế mạnh đã được xác định rõ ràng thì DN có thể tiếp cận các quỹ hay đối tác nước ngoài.
Đồng tình với ý kiến của bà Somhatai, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP HCM ví von: “DN trở thành chuyên gia đứng đầu trong lĩnh vực của mình là nền tảng để hợp tác quốc tế, hoa ngát hương thì bướm sẽ bay tới”.
Mặt khác, các doanh nhân cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc quản trị DN, dù nhỏ hay lớn.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Nghĩa đánh giá, với số vốn vài trăm tỷ DN có thể dễ dàng xoay sở nhưng khi lên đến hàng nghìn tỷ đồng thì bài toán quản trị vô cùng quan trọng. Một khi có sự tham gia của các quỹ đầu tư, DN sẽ phải chi hàng triệu USD để đầu tư cho các phần mềm quản trị. Đổi lại, việc quản lý số tiền hàng nghìn tỷ đồng sẽ trở nên nhẹ nhõm, ông Nghĩa chia sẻ.
Ngoài ra, ông Sami Kteily, Chủ tịch HĐTV Công ty Nhà thép PEB cho rằng, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa phải tự thân vận động, không nên hài lòng hay ngồi yên một chỗ, mà cần tiếp cận các thị trường nhiều hơn để tìm kiếm thêm cơ hội.
Đứng trên phương diện DN Việt khi có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư ngoại, thì một vấn đề đặt ra nữa là DN nên chọn quỹ đầu tư hay nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Ông Sami với hơn 20 năm kinh nghiệm tham gia thị trường Việt Nam cho biết, DN cần phải xác định hướng đi, nguồn vốn, mở rộng thị trường ra sao để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hay quỹ, mang lại lợi ích phù hợp cho DN. Đối tác chiến lược sẽ đồng hành với DN lâu dài trong khi quỹ đầu tư thường rút lui sau 4 đến 5 năm.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Hải nêu trường hợp về một DN Việt Nam mời Tổ chức tài chính quốc tế IFC vào mua cổ phần chiến lược. Tiêu chuẩn kiểm định của IFC cực kỳ cao nhưng sau đó, DN sẽ không phải lo lắng về việc kiểm soát rủi ro tài chính, DN chỉ tập trung vào chiến lược phát triển.
Tuy nhiên, trường hợp đối tác chiến lược muốn nắm quyền kiểm soát thì liệu DN có chấp nhận. Với quỹ đầu tư họ sẽ thoái vốn trong tương lai, do đó không can thiệp sâu vào quản lý doanh nghiệp vốn đã tìm hiểu kỹ trước khi tham gia.
Vì vậy, DN cần tìm đối tác phù hợp cho sự phát triển của mình, quỹ hay nhà đầu tư chiến lược không thể đánh giá đối tượng nào tốt hơn mà tùy vào chiến lược phát triển của DN.