|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mực nước sông Hồng lên nhanh, Hà Nội sẵn sàng ứng phó nguy cơ ngập lụt

17:25 | 21/08/2020
Chia sẻ
Theo thông tin từ Trạm Thủy văn Hà Nội, ngày 21/8, hiện mực nước quan trắc được trên sông Hồng đoạn dưới chân cầu Long Biên là hơn 8 m, gần mức báo động 1. Tình hình nước sông Hồng lên cao có thể dẫn đến nguy cơ ngập lụt vùng trũng và bãi bồi.
Mực nước sông Hồng lên nhanh, Hà Nội sẵn sàng ứng phó nguy cơ ngập lụt  - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai dự báo trên các sông khu vực Bắc Bộ, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng lên tiếp tục lên trong 12 giờ tới (Ảnh: Hữu Nghị/ Dân trí).

Thông tin từ Báo Chính phủ, từ nay đến ngày 22/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông (phổ biến 20 - 50 mm/24h, có nơi trên 100 mm/24h). 

Riêng với khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 50 - 100 mm/24h, có nơi trên 120 mm/24h). Đi kèm trong mưa dông là khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ được dự báo ở cấp 1.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai dự báo ở cấp 1.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1.000 - 1.500 m3/s, mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức Báo động (BĐ) 2 đến trên Báo động 2 khoảng 1,0 m. Mực nước tại Yên Bái trong 36 giờ sẽ tăng lại và đạt mức BĐ2 đến BĐ3.

Mực nước sông Hồng lên nhanh, Hà Nội sẵn sàng ứng phó nguy cơ ngập lụt  - Ảnh 2.

Lũ trên sông Hồng qua thành phố Lào Cai dự báo dâng cao trở lại vào đêm nay (Ảnh: Thông tin phòng chống thiên tai).

Đến 5h sáng ngày 21/8, mực nước trên sông Hồng tại TP Lào Cai tăng 0,88m trong thời gian đầu ngày 21/8, đạt mức 80,55 m. Tuy nhiên mực nước tại Yên Bái có xu hướng giảm, lúc 7h ngày 21/8 ghi nhận ở mức 30,76 m, dưới BĐ 2 là 0,24 m.

Theo thông tin từ Trạm Thủy văn Hà Nội, chiều ngày 21/8, hiện mực nước quan trắc được trên sông Hồng đoạn dưới chân cầu Long Biên là hơn 8 m, gần mức báo động 1. Tình hình nước sông Hồng lên cao có thể dẫn đến nguy cơ ngập lụt vùng trũng và bãi bồi.

Trước đó, ngày 20/8, tỉnh Lào Cai có công văn thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8.

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã chỉ đạo các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng ứng phó với lũ có thể xảy ra do mưa lớn và xả lũ của các hồ chứa trên địa phận Trung Quốc.

Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai dự báo trên các sông khu vực Bắc Bộ, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng lên tiếp tục lên trong 12 giờ tới, sau đó xuống, tại Hà Nội lúc 7 giờ ngày 22/8 có khả năng ở mức 5,10m.

Cơ quan phòng chống thiên tai cảnh báo, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại, sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1m - 3m. Từ ngày 21/8 - 22/8, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức báo động 3; sông Lô, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 - báo động 2.

Hiện, tại TP Yên Bái nước đã rút, không còn diện tích ngập lũ. Các khu vực khác trên địa bàn Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chưa có thông tin ngập lụt.

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các cơ quan liên quan các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc triển khai thực hiện các nội dung công điện và báo cáo về các công tác.

Các địa phương cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt trượt cao mới phát sinh.

Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Tây Nguyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lí các tình huống có thể xảy ra.

Minh Hằng