|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quỹ Phòng chống rủi ro thiên tai 'đóng băng' gần 1.450 tỉ đồng

08:37 | 20/08/2019
Chia sẻ
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Quỹ Phòng chống rủi ro thiên tai (PCRRTT) chưa phát huy tác dụng như kỳ vọng đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, chưa thật minh bạch. Tính đến 6/2019, gần 1.450 tỷ đồng của Quỹ đang bị 'đóng băng', gây lãng phí lớn.
avatar_1566263591299

Thiên tai gây thiệt hại nặng nề, nhưng nhiều địa phương không giải ngân được Quỹ PCRRTT. Ảnh: Bình Phương

Nhiều địa phương  thu mà không chi

VCCI vừa có ý kiến với Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ NN&PTNT về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTT và Luật Đê điều, trong đó chỉ ra hàng loạt bất cập của Quỹ PCTT.

Quỹ PCTT ra đời dựa trên Luật PCTT năm 2013 và Nghị định 94 năm 2014. Qua 5 năm triển khai, VCCI nhận được nhiều ý kiến DN về sự không cần thiết, lãng phí, tốn kém và thiếu minh bạch của quỹ này.

Theo VCCI, có DN phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ, gồm cả nghĩa vụ của chính DN và nộp thay người lao động. Trong khi, nhiều DN khác không bị thu nộp và không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt.

Nhiều DN cho rằng, quỹ đang thu bất hợp lý và không biết được số tiền mình nộp đang được quản lý và sử dụng như thế nào. VCCI dẫn báo cáo của Tổng cục PCTT đến ngày 25/6/2019 cho biết, tổng số tiền thu được ở các tỉnh thành trong 5 năm qua là 2.360 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 là 826 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện thu quỹ hiện nay rất kém. Đến nay, vẫn có 2 địa phương không thành lập được quỹ (Lai Châu và Quảng Bình), có 8 tỉnh không thực hiện thu quỹ (Cao Bằng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre và Bạc Liêu).

VCCI cũng cho rằng, năng lực thu quỹ hiện đạt rất thấp. Theo tính toán, năm 2018 có thể thu 5.800 tỷ đồng, song thực tế chỉ thu được 826 tỷ đồng. “Việc thu quỹ yếu kém như vậy đã tạo ra bất bình đẳng giữa những DN bị thu tiền và những DN không bị thu tiền, giữa DN ở tỉnh này và ở tỉnh khác”, VCCI chỉ ra.

Theo VCCI, việc sử dụng quỹ  “trong tình trạng yếu kém”. Trong 5 năm qua, các địa phương mới sử dụng gần 920 tỷ đồng và còn tồn gần 1.450 tỷ đồng. Nghĩa là 1.442 tỷ đồng đang bị đóng băng trong Quỹ PCRRTT, gây lãng phí lớn.

Theo VCCI, nếu coi số tiền trên dùng để dự phòng khi có thiên tai lớn cũng không thực sự chính xác. Bởi, trong 5 năm qua, Quỹ ở tất cả các địa phương đều kết dư. Thực tiễn cho thấy nhu cầu và năng lực sử dụng quỹ rất thấp.

VCCI cũng chỉ rõ, 5 năm qua, chỉ có 7 địa phương chỉ thu chứ không chi: Điện Biên, Yên Bái, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và Lâm Đồng. Có 7 địa phương khác có thu, nhưng số tiền sử dụng rất thấp, không đạt 10% so với số thu, gồm Bắc Kạn (thu 15 tỷ đồng, chi 37 triệu đồng), Vĩnh Phúc (thu 14 tỷ đồng, chi 712 triệu đồng), Hải Phòng (thu 47 tỷ đồng, chi 610 triệu đồng)…

Thiếu minh bạch, khó giải ngân

Nghị định 94 quy định các địa phương phải công khai thông tin về sử dụng quỹ, vì nhiều DN muốn biết tiền đóng góp có được sử dụng hiệu quả cho mục tiêu phòng tránh thiên tai hay không, nhưng thực tế việc công khai thông tin rất kém.

Đến nay, chỉ có 42 tỉnh thành nộp báo cáo về việc thu và sử dụng quỹ về Tổng cục PCTT. Điều này có nghĩa nhiều tuyệt đại đa số địa phương không báo cáo cả cơ quan cấp trên, chứ chưa nói đến việc báo cáo trước người dân và DN. Chỉ có Bình Dương báo cáo chi tiết đến từng dự án để DN và người dân có thông tin giám sát trên thực tế.

Trao đổi với PV Tiền Phong, về vấn đề trên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng PCTT (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo Nghị định 94, chủ tịch UBND tỉnh có toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về Quỹ. Tuy nhiên, khi quy định rõ các khoản chi, các địa phương cũng lúng túng, không giám chi vì sợ bị vi phạm.

Quỹ PCRRTT do người dân, DN đóng góp. Quỹ này không được trích để trả công cho người vận hành, thu quỹ, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hành thu. “Chẳng hạn ở TPHCM riêng tiền chi cho lập giấy tờ, phiếu… đã hết hơn 2 tỷ đồng, trong khi quỹ không được trích”, ông Hoài nói.

Quỹ PCRRTT sau khi được cấp xã thu, được trích lại 5%, phần còn lại phải nộp lên huyện, rồi chuyển hết lên tỉnh. “Sau đó, địa phương muốn sử dụng vào mục đích gì, phải trình lên tỉnh chờ phê duyệt. Như vậy quy trình quá chặt, không linh hoạt và Quỹ rất khó giải ngân”, ông Hoài nói.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ về đề nghị sửa Nghị định 94 theo hướng linh hoạt hơn. Trong đó, đề xuất trích từ quỹ cho cấp xã 20%, huyện 20% còn lại nộp về Quỹ ở tỉnh 60%. Ở xã hay ở huyện chi đều quyết toán về tỉnh và việc này Chủ tịch tỉnh toàn quyền quyết.

“Địa phương nào thu chi Quỹ không minh bạch phải kiểm điểm, phê bình và phải nói rõ để báo cáo Chính phủ phê bình. Vừa rồi chúng tôi cũng có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo về vấn đề trên”.

ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng PCTT


Phạm Anh