Thủ tướng: Năm 2016 thiệt hại 1,7 tỷ USD do thiên tai
|
Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sáng 26/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2016, thiên tai xảy ra nhiều và nặng nề làm cho nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD (gần 1% GDP). Riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, nền nông nghiệp Việt Nam - ngành trụ đỡ của nền kinh tế đang phải ứng phó được tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được năm 2016, là tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm. Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2% năm 2016. Xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm có chuyển biến căn bản, rõ nét.
Phân tích về những bất cập của nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hạn điền, tình trạng sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến ở Việt Nam. Doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp.
Bên cạnh đó, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống chưa được quản lý tốt. Hệ thống thủy lợi, nhất là các kênh dẫn, hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và lãng phí nước, mà theo Thủ tướng, đây là những quả bom nguy hiểm đang treo trên đầu người dân.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên mạnh thế mạnh về du lịch và công nghệ thông tin. Đây là một lợi thế so sánh mà theo Thủ tướng, có phát huy được hay không là dựa phần lớn vào hệ thống ngành nông nghiệp.
Vì vậy, Thủ tướng đưa ra khuyến cáo nông nghiệp cần chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, phải phát triển nông nghiệp toàn diện hơn. Cùng với đó, cần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Việt Nam nên đầu tư mạnh hơn cho lâm nghiệp, thủy hải sản, không chỉ dựa vào cây lúa.
Các chính sách về tái cơ cấu nâng cao giá trị nông nghiệp và tổ chức sản xuất lại theo hình thức phù hợp là cách để đưa nông nghiệp phát triển trong thời gian tới, đặc biệt trước các thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh sẽ bãi bỏ những thể chế, chính sách ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được. "Thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì càng phải bãi bỏ sớm, còn những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội thì báo cáo sớm", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Cùng với đó, năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng ngành khoảng 2,5 – 2,8%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 – 32,5 tỷ USD. Bộ tiếp tục chọn đây là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.