|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mức độ nguy hiểm thực sự của TikTok

21:56 | 13/07/2020
Chia sẻ
Việc sử dụng ứng dụng TikTok hay không đang là một chủ đề gây tranh cãi với nhiều người dùng, nhất là khi ứng dụng trên dính tới nhiều bê bối về bảo mật thông tin và quyền riêng tư.
TikTok có thực sự nguy hiểm như mọi người nghĩ? - Ảnh 1.

Logo TikTok. Ảnh: AFP

Tiktok là một mạng xã hội nổi tiếng nhờ các video nhảy và hát nhép, nơi mọi người có thể chia sẻ các đoạn video ngắn trên nền nhạc độc đáo để chia sẻ với bạn bè và giới trẻ trên toàn thế giới. Bất kể là nhảy, múa, phong cách tự do hay biểu diễn tài năng, người dùng được khuyến khích thể hiện cá tính của mình.

Tuy vậy trong những năm trở lại đây, TikTok luôn gặp phải các cáo buộc về vấn đề bảo mật thông tin người dùng hay mới đây nhất ứng dụng này nằm trong danh sách các sản phẩm tẩy chay của Trung Quốc.

Đơn cử, hôm 10/7, Amazon đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị di động truy cập email Amazon vì lí do bảo mật, theo thông tin từ Nikkei.

Tuy nhiên, Amazon đã nhanh chóng bác bỏ thông tin và xác nhận rằng "email đã bị gửi lỗi tới một số nhân sự" và "không có sự thay đổi chính sách nào đối với TikTok ở thời điểm hiện tại".

Zak Doffman, một cây viết về các vấn đề địa chính trị và an ninh mạng, đã có một bài đăng trên Tạp chí Forbes về TikTok. Anh nhận định động thái trên hàm ý rằng TikTok có thể đang xâm phạm thông tin từ các email nội bộ.

Không chỉ Amazon, ngân hàng Wells Fargo cũng đã yêu cầu các nhân viên xóa ứng dụng do lo ngại về tính bảo mật và kiểm soát quyền riêng tư của TikTok. Quân đội Mỹ cũng đã bị cấm sử dụng TikTok trên thiết bị điện thoại do chính phủ nước này cung cấp.

Hồi cuối tháng 6, trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ leo thang, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ của họ trong đó có TikTok. Thị trường có lượng cài đặt ứng dụng lớn nhất thế giới của TikTok đã biến mất hoàn toàn.

Trong những tuần gần đây, TikTok bị coi là "ứng dụng gián điệp của Trung Quốc", thu thập dữ liệu người dùng từ các thiết bị của họ và gửi về Trung Quốc. Điều này chưa được chứng minh và không có gì chắc chắn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Theo Doffman, TikTok có hai vấn đề lớn khiến cho hàng trăm triệu người dùng lo ngại.

"Thứ nhất, TikTok thường phát hành phần mềm với các lỗ hổng bảo mật cần được khắc phục khẩn cấp", Doffman phân tích. Đầu năm nay, các thám tử an ninh mạng thuộc công ty Check Point đã đưa ra lời cảnh báo về rủi ro mạng nghiêm trọng của TikTok đối với người dùng.

"TikTok đã giải quyết vấn đề trên. Việc này không có gì đáng ngạc nhiên bởi nhóm Check Point cũng đã cảnh báo đối với các phần mềm của Microsoft, WhatsApp và thậm chí cả Philips Hue", Doffman nói.

Tuy nhiên, nhóm của Doffman đã phát hiện ra vấn đề về clipboard (bảng ghi tạm) của phiên bản iOS 14 gần đây, họ nhận ra TikTok vẫn đang truy cập vào bảng ghi của người dùng. 

"Phía TikTok nói với tôi rằng vấn đề nằm ở bộ lọc chống thư rác, về cơ bản là tìm cách gắn cờ những người dùng sao chép cùng một bài viết vào nhiều tài khoản khác nhau trên cùng một thiết bị. Họ đã thừa nhận vấn đề này và gỡ bỏ tính năng Kudos cho Apple", Doffman nói.

TikTok có thực sự nguy hiểm như mọi người nghĩ? - Ảnh 2.

Ứng dụng TikTok với nhiều tranh cãi về tính bảo mật và quyền riêng tư. Ảnh: Pinterest

Chuyên gia bảo mật Mike Thompson cho rằng điều này là không có gì đáng ngạc nhiên, nó đi kèm với rủi ro nhưng không khác gì nhiều kênh mạng xã hội khác. Anh cho rằng việc này là do người dùng chứ không nên đổ lỗi cho ứng dụng.

Vấn đề thứ hai Doffman muốn đề cập đến là TikTok là một nền tảng truyền thông xã hội, nên bản thân nó sẽ mâu thuẫn với quyền riêng tư dữ liệu người dùng.

"TikTok thu thập dữ liệu khi bạn sử dụng ứng dụng để suy luận những thứ bạn thích, không thích, bạn bè, trò tiêu khiển, hành vi của người tiêu dùng, địa điểm... Mặc dù dữ liệu có thể bị xâm nhập, nhưng nó cũng giống như Facebook, Google và vô số ứng dụng khác bạn cho phép chúng truy cập vào các dữ liệu trên thiết bị của mình", Doffman nói.

Anh khẳng định rằng TikTok không gửi dữ liệu của người dùng về Trung Quốc cũng như người dùng không hề bị theo dõi hay xâm phạm. Tuy nhiên, anh cũng chỉ ra sự khác biệt của TikTok so với các ứng dụng khác.

"TikTok là một ứng dụng của Trung Quốc. Đây là ứng dụng đầu tiên và duy nhất cạnh tranh trực tiếp với các ứng dụng lớn của Mỹ. TikTok giờ có sức hút hơn cả Instagram và YouTube, chỉ cần đăng tải một đoạn video ngắn trên nền nhạc dài 15 giây người dùng đã có thể trở thành một ngôi sao", Doffman nói.

Trong giai đoạn phải ở tại nhà để ngăn ngừa dịch bệnh, rất nhiều người tìm đến và cài đặt ứng dụng. Thực tế là việc TikTok là một ứng dụng của Trung Quốc đã dẫn tới vấn đề nghiêm trọng.

Mặc dù dữ liệu của hàng trăm triệu thiết bị được thu thập đó không sử dụng để thỏa hiệp với một cá nhân, song đó là một cách thức phức tạp để theo dõi các mục tiêu được lựa chọn.

Doffman cho biết ứng dụng cung cấp bộ dữ liệu theo từng quốc gia, thành phố, nhân khẩu học. Nó tương tự như vụ bê bối dữ liệu Facebook-Cambridge Analytica liên quan đến việc thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook mà Cambridge Analytica bắt đầu thu thập vào năm 2014.

"Bộ dữ liệu đó nếu nằm trong tay một chính phủ nước ngoài đối nghịch là một điều rất nguy hiểm. Trong một thế giới nơi các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng để tuyên truyền tới những người sử dụng nền tảng và họ coi đây là nguồn tin tức chính, việc này bị coi là mối rủi ro đối với an ninh quốc gia", Doffman phân tích.

Ban lãnh đạo của TikTok đã cố gắng trấn an giới chức Mỹ. Họ khẳng định không cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, phía TikTok cũng đã nhấn mạnh giám đốc điều hành của TikTok là một công dân Mỹ và tạo ra hàng trăm việc làm cho người Mỹ.

Các chính trị gia ở Mỹ và nhiều nơi khác rõ ràng đã hoài nghi về vấn đề đó. Câu hỏi mà họ đặt ra là liệu Trung Quốc có ép buộc ByteDance (công ty quản lí TikTok) trong việc điều chỉnh, hạn chế nội dung hay thu thập các dữ liệu để tác động đến một nhóm dân cư hay không.

"Nếu hoài nghi, bạn có thể hỏi liệu có sự khác biệt giữa "dữ liệu người dùng" mà ByteDance đề cập đến với các bộ dữ liệu ẩn danh mở rộng tạo từ dữ liệu người dùng hay không. Nếu Trung Quốc biết tất cả mọi thứ theo từng vị trí, thì giá trị của dữ liệu đó là gì?", Doffman nói.

Không chỉ vậy Doffman còn chỉ ra rằng với quy mô của TikTok, ứng dụng này dễ dàng trở thành mục tiêu của các tin tặc. Việc có nên xóa ứng dụng này hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

Tuy nhiên, Doffman cũng khuyên người dùng nếu muốn gắn bó với ứng dụng này nên cẩn thận với những gì muốn chia sẻ, và "đừng dễ tin vào bất kì bảo mật dữ liệu hoặc quyền riêng tư nào".

Tường Vy