TikTok có thể thay đổi cơ cấu doanh nghiệp để tránh nguồn gốc Trung Quốc
Ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok đã trở hiện tượng toàn cầu chỉ sau hai năm qua nhờ trào lưu nhảy múa và hát nhép hấp dẫn. Hiện ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance đang là một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất thế giới.
Vài tuần gần đây, cổ phiếu ByteDance trên thị trường thứ cấp thu hút các nhà đầu tư lớn của Mỹ như Coatue Management và Sequoia Capital.
Cầm chân hàng triệu người dân ở nhà, COVID-19 đã giúp TikTok chứng kiến lượt tải ứng dụng nhảy vọt trong quí I, nâng tổng số lượt tải lên hơn 2,2 tỉ trên toàn thế giới. Khoảng 315 triệu người dùng đã tải TikTok trong quí đầu năm, đánh dấu số lượt tải xuống lớn kỉ lục cho ứng dụng trong một quí, theo công ty nghiên cứu Sensor Tower.
Sức ép từ nhiều phía
Dù bành trướng mạnh mẽ, các vụ việc về khả năng can thiệp đến dữ liệu của Bắc Kinh với các ứng dụng xuất xứ từ Trung Quốc gần đây đang gây áp lực nặng nề lên ByteDance.
Giới quan chức ở nhiều quốc gia đã bày tỏ mối quan ngại về khả năng TikTok chia sẻ lượng lớn dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả tự nguyện lẫn bắt buộc. Song, TikTok đã nhiều lần bác bỏ tin đồn Bắc Kinh đề nghị tiết lộ dữ liệu người dùng, đồng thời khẳng định sẽ không tuân thủ những yêu cầu như vậy.
Dù TikTok liên tục phủ nhận, giới chính trị đang dần dè dặt hơn với ứng dụng. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói bóng gió về một lệnh cấm với TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cấm nhân viên tải TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Không chỉ ở Mỹ, Chủ tịch Ủy ban lập pháp ở Australia đang thực hiện một cuộc điều tra xem xét sự can thiệp của nước ngoài thông qua TikTok và các phương tiện truyền thông mạng xã hội khác.
Chính phủ Ấn Độ cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok do các lo ngại về an ninh mạng sau cuộc đụng độ tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Người dân Ấn Độ hưởng ứng lệnh cấm các ứng dụng cùng với phong trào tẩy chay hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc.
Hành động quyết liệt trước Bắc Kinh
Bất chấp hứng chịu sức ép từ nhiều phía, gần đây TikTok đã khiến giới quan sát ngạc nhiên với phản ứng quyết liệt đối với đạo luật an ninh mạng ở Hong Kong, thậm chí còn thể hiện thái độ mạnh hơn các "ông lớn"công nghệ phương Tây.
Trong khi Twitter, Google và Facebook tuyên bố tạm dừng phản hồi các yêu cầu chia sẻ dữ liệu từ phía cảnh sát Hong Kong, TikTok quyết định rút toàn bộ hoạt động ở đặc khu hành chính, một nỗ lực tạo khoảng cách với Trung Quốc của TikTok.
Theo Wall Street Journal (WSJ), ByteDance vẫn đang ở giai đoạn đầu cuộc thảo luận về việc thay đổi cách thức hoạt động của TikTok. Nếu thành lập một ban lãnh đạo độc lập, TikTok sẽ có một mức độ tự chủ so với công ty mẹ tại Trung Quốc.
Đồng thời, TikTok cũng đang xem xét việc mở một trụ sở toàn cầu mới vào đầu tháng 12, với khả năng là một trong ba thành phố Singapore, London và Dublin.
Trong tháng 5, TikTok bổ nhiệm cựu Giám đốc điều hành của Walt Disney Kevin Mayter làm CEO của ứng dụng, làm việc tại văn phòng Los Angeles sau khi tuyên bố "không cho phép người điều hành Trung Quốc xử lí nội dung của TikTok".
Dù vậy, ByteDance vẫn còn một chặng đường dài để có thể thuyết phục các bên về sự an toàn của TikTok.
Với sự giám sát kĩ lưỡng từ các bên, mọi thay đổi cấu trúc doanh nghiệp TikTok đều phải đủ toàn diện để tách TikTok khỏi mọi vướng mắc với Trung Quốc đại lục, WSJ dẫn lời ông Fergus Ryan - nhà phân tích tại Viện Chính sách chiến lược Australia.
"Liệu cấu trúc mới có thể loại bỏ mọi ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với TikTok hay không? Đây là câu hỏi khó trả lời", nhà phân tích Australia nhận xét.