Mức cộng thêm giá cà phê Việt Nam tăng, nguồn cung Indonesia giảm
Việt Nam - nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới - sẽ là nguồn cung cấp quan trọng cà phê robusta, chủ yếu sử dụng trong sản xuất cà phê hòa tan, khi bắt đầu vụ thu hoạch mới từ cuối tháng 10, trong khi vụ thu hoạch tại Indonesia đã kết thúc.
Việt Nam và Indonesia cùng nhau cung cấp 28% tổng sản lượng cà phê toàn cầu.
Một thương nhân tại hãng châu Âu ở TP.HCM cho biết, nhiều người đang tìm cách bán cà phê nhân loại 1 (R1), trong khi tồn trữ cà phê loại 2 (R2) đang ở mức thấp và không nhà xuất khẩu nào chào bán loại này.
Cà phê R1 hiện được chào bán với mức cộng thêm 30-40 USD/tấn so với giá robusta giao tháng 11/2016 trên sàn London, tăng so với 30-35 USD/tấn tuần trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 đạt 2,54 triệu bao (tương đương 152.678 tấn), tăng 9,2% so với tháng 7. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với dự báo 100.000-120.000 tấn mà thị trường đưa ra cũng như 140.000 tấn ước tính của chính phủ.
Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ đầu niên vụ 2015-2016 đến nay đạt 1,61 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 tăng đã phần nào giúp cân bằng thị trường trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil giảm.
"Điều này cho thấy tồn trữ cà phê của Việt Nam đang tăng, phần nào giúp xoa dịu lo ngại về nguồn cung trong năm tới", ICO cho biết trong báo cáo ra đầu tuần này.
Trong khi đó, nguồn cung cà phê Indonesia thắt chặt hơn khi vụ thu hoạch đã kết thúc.