|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mua trước trả sau khai thác cơ hội tiêu dùng cận Tết

11:00 | 19/12/2023
Chia sẻ
Dịch vụ mua trước trả sau thường xuất hiện ở các hoạt động mua sắm tiêu dùng nhưng nay đã mở rộng thêm tiềm năng ở lĩnh vực du lịch, vận tải.

Mới đây, Traveloka - nền tảng cung cấp các dịch vụ du lịch, thông báo thoả thuận hợp tác với dịch vụ mua trước trả sau của Home Credit. Người đặt phòng khách sạn, kiếm vé máy bay trên Traveloka có thể sử dụng dịch vụ này.

Home Credit cho biết hợp tác với Traveloka sẽ giúp mở rộng dịch vụ mua trước trả sau tại Việt Nam.

Dịch vụ mua trước trả sau tuy không còn mới nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Mua trước trả sau là một hình thức thanh toán cho phép người tiêu dùng mua một sản phẩm hoặc dịch vụ ngay lập tức và chia nhỏ khoản thanh toán của họ trong nhiều kỳ sau đó.

Mua trước trả sau thường áp dụng trong tài chính tiêu dùng với những số tiền nhỏ, khác với vay trả góp áp dụng cho các khoản tín dụng lớn, yêu cầu chứng minh tài chính, thủ tục khắt khe hơn.

Theo quan sát, dịch vụ mua trước trả sau càng được người tiêu dùng quan tâm vào thời điểm cận Tết, khi giá cả các mặt hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cao. Chẳng hạn, vé máy bay các chặng từ Hà Nội - TP HCM, TP HCM - Vinh, TP HCM - Hải Phòng,... đều tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Để có một cặp vé máy bay khứ hồi về quê ăn Tết, người lao động phải bỏ từ 7 - 13 triệu đồng. Trong khi các chặng tàu chạy Bắc - Nam đã gần như bán sạch vé, chỉ còn hạng ghế phụ. Mức giá ghế phụ cũng lên tới 1,7 triệu đồng cho hành trình kéo dài hơn một ngày.

Thanh Huyền quê Nghệ An hiện đang làm việc tại TP HCM cho biết số tiền cô phải trả để có một cặp vé khứ hồi về quê ăn Tết năm nay đắt hơn so với năm ngoái. "Trong khi thu nhập lại giảm, dù vẫn có đủ tiền để mua vé nhưng tôi vẫn chọn mua trước trả sau để đảm bảo không bị 'cháy túi' trong Tết vì còn nhiều thứ phải sắm sửa", Huyền nói.

Tương tự, Quốc Đạt đang làm việc tại Phú Quốc cho hay chi phí về quê Nam Định trong dịp Tết năm nay ước tăng gấp đôi so với mọi năm. Anh chọn mua trước trả sau các loại vé máy bay để giảm áp lực tài chính, đồng thời tận dụng các khuyến mại đi kèm từ các nền tảng.

Theo Traveloka, mua sắm vẫn chiếm ưu tiên hàng đầu của người dùng khi sử dụng mua trước trả sau nhưng việc sử dụng dịch vụ này cho các hoạt động chi tiêu du lịch, đi lại cũng tăng lên 33%.

Hiện không nhiều đơn vị đang triển khai dịch vụ mua trước trả sau cho việc mua vé máy bay. Trước Traveloka, MoMo, VNPay hayKredivo là những nền tảng cung cấp dịch vụ trả sau cho dịch vụ này.

  Biển quảng cáo du lịch của Traveloka trên đường phố TP HCM. (Ảnh: Thành Vũ).

Theo Statista, người dùng mua trước trả sau của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm từ 2,7 triệu (2021) lên 8,7 triệu (2022). Tuy nhiên tỷ lệ thâm nhập của mua trước trả sau ở Việt Nam là 1%, xếp cuối khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).

Do đó, tiềm năng thị trường là rất lớn. Reasearch & Markets cho biết thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 45% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2028 và có thể đạt quy mô 4,7 tỷ USD vào năm 2028. 

Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam có sự tham gia của các công ty tài chính như LotteFinance, Home Credit, FE Credit… hay các công ty khởi nghiệp như Kredivo và Fundiin...

Mua trước trả sau cũng được cung cấp trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki.

Trong các chuỗi bán lẻ, hiện có FPTShop là một trong những đơn vị lớn có tích hợp phương thức thanh toán mua trước trả sau. Đại diện doanh nghiệp cho biết hình thức này đang còn mới và đơn vị cung cấp dịch vụ cũng có nhiều ưu đãi cho khách hàng khi chọn thanh toán bằng mua trước trả sau.

Nhìn chung, thị trường này ở Việt Nam còn đang trong giai đoạn sơ khai, thị phần chưa được định hình. Do đó, các doanh nghiệp tham gia đang cố gắng tiếp cận, tạo thói quen sử dụng mua trước trả sau cho người dùng Việt.

Ông Nguyễn Ảnh Cường - CEO kiêm Founder Fundiin cho rằng việc có nhiều đơn vị nhảy vào ngành là một tín hiệu tốt, cho thấy sức hấp dẫn của mua trước trả sau, đồng thời có thêm trợ lực để thay đổi thói quen thanh toán của người dùng. 

"Thị trường mua trước trả sau hiện còn khá nhỏ dù quy mô tiềm năng là rất lớn. Do đó, càng nhiều đơn vị đầu tư vào thị trường này càng giúp lĩnh vực mua trước trả sau mở rộng nhanh hơn và có lợi cho toàn bộ ngành", ông Cường nói.

Fundiin thành lập từ năm 2019 và có thể xem là một trong những startup đầu tiên của thị trường mua trước trả sau. Sau hai vòng gọi vốn, đến nay công ty của ông Nguyễn Ảnh Cường đã huy động gần 7 triệu USD.

Thành Vũ