|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mua theo cổ đông nội bộ: Cẩn trọng lỗ to

08:02 | 20/11/2018
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán trong xu thế giảm khiến nhiều thương vụ mua của cổ đông nội bộ được công bố như một thông điệp ủng hộ giá trị cổ phiếu. Tuy nhiên, việc mua theo cổ đông nội bộ của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đến thời điểm này chủ yếu mang lại thất vọng.

mua theo co dong noi bo can trong lo to

Giá cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng trần vào phiên giao dịch cuối tuần trước, ngay sau khi có thông tin ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPB đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu và bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng, đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu. Thời gian đăng ký giao dịch bắt đầu từ ngày 21/11/2018 cho tới 21/12/2018.

Hiện tại, ông Dũng sở hữu 113,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,494% cổ phần. Bà Vũ Thị Quyên sở hữu 107,7 triệu cổ phiếu (4,257%). Nếu mua hết lượng cổ phiếu nói trên, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Dũng và bà Quyên sẽ tăng lên lần lượt là 4,810% và 4,771%.

Chủ tịch VPB và mẹ công bố mua đúng vào thời điểm giá cổ phiếu VPB đang ở mức thấp nhất kể từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào đầu tháng 8/2017, xuống dưới 19.000 đồng/cổ phiếu. Có thể nói, khối lượng cổ phiếu đăng ký mua vào khá lớn và thời gian giao dịch ngắn đã tạo ra sự hứng khởi cho nhà đầu tư, giúp cổ phiếu VPB có phiên tăng trần.

Trước đó, vào tháng 9/2018, bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch VPB Ngô Chí Dũng cũng đăng ký mua 6,5 triệu cổ phiếu. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu VPB đã có phiên xanh trở lại sau chuỗi ngày chìm trong sắc đỏ. Ở mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu, VPB được định giá tương đối rẻ. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá cổ phiếu này đã giảm mạnh, đặc biệt sau khi Ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III vừa qua.

Nhận thấy khả năng kiếm lời trong ngắn hạn từ cổ phiếu VPB thấp do thiếu vắng thông tin hỗ trợ, nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu này dẫn tới giá VPB giảm mạnh. Theo đó, các nhà đầu tư quyết định mua theo vợ của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đã thua lỗ khoảng 20% trong gần 1 tháng qua, khi giá cổ phiếu giảm về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Lần này, với khối lượng đăng ký mua đến 21 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu VPB lại đang ở mức định giá khá rẻ với P/E 2018 dự kiến dưới 7 lần, liệu giao dịch của cổ đông nội bộ có đủ sức thu hút sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư?

Không riêng VPB, việc cổ đông nội bộ đăng ký mua vào thường tạo lực đỡ cho giá cổ phiếu và hấp dẫn thêm các nhà đầu tư muốn kiếm lời trong ngắn hạn. Đối với cổ phiếu ANV của Công ty cổ phần Nam Việt, nhà đầu tư mua theo cổ đông nội bộ đã phần nào nhận được lợi nhuận hấp dẫn. Cụ thể, vào đầu tháng 7/2018, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT ANV đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu khi giá ANV giảm từ 25.000 đồng/cổ phiếu xuống 18.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau vài phiên giao dịch.

So với 56 triệu cổ phiếu mà ông Tới đang sở hữu thì lượng 2 triệu cổ phiếu đăng ký mua dường như chỉ mang ý nghĩa trao gửi thông điệp ủng hộ cổ phiếu ANV tới nhà đầu tư và quả thật, cho tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu này đã tăng lên xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu, mang lại lợi nhuận hơn 30% cho nhà đầu tư mua theo cổ đông nội bộ. Dù trước đó đã từng có giai đoạn sau khi hết thời gian ông Doãn Tới đăng ký mua là ngày 8/8/2018, giá cổ phiếu ANV giảm sâu xuống hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.

Với các nhà đầu tư mua theo cổ đông nội bộ của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC), niềm vui giá cổ phiếu tăng cũng không kéo dài. Theo đó, khi giá cổ phiếu VJC tuột dốc từ gần 190.000 đồng/cổ phiếu về hơn 110.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 5 thì Tổng giám đốc VJC, ông Lưu Đức Khánh đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phần, nhiều hơn số cổ phần ông Khánh sở hữu thời điểm đó.

Động thái mua của ông Khánh khiến nhà đầu tư hưng phấn trở lại, đẩy giá VJC tăng đáng kể lên 150.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó cho tới nay, giá cổ phiếu VJC giảm dần về đúng bằng mặt bằng giá tại thời điểm ông Khánh mua vào.

Tuy nhiên, lãi lỗ của các khoản đầu tư "mua theo" cổ đông nội bộ kể trên chỉ là tạm tính và chỉ xét trong ngắn hạn. Về dài hạn, những doanh nghiệp có cổ đông nội bộ vững và toàn tâm phát triển doanh nghiệp lại là một yếu tố đáng kể để nhà đầu tư cân nhắc, đặt niềm tin.

Xem thêm

Thu Hương