Mua sắm online tại Mỹ lập kỷ lục gần 10 tỷ USD trong ngày hội Black Friday
Theo nghiên cứu của Adobe Analytics, người tiêu dùng tại Mỹ đã chi mức kỷ lục là 9,8 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến vào ngày lễ Black Friday năm nay. Điều này cho thấy nhóm người tiêu dùng quan tâm về giá đang tích cực tìm kiếm các deal tốt ở trên mạng.
Vivek Pandya, nhà phân tích chính của Adobe Digital Insights, cho biết: “Chúng tôi đã thấy một nhóm người chi tiêu có kế hoạch đã xuất hiện nhiều hơn trong năm nay. Họ đang cố gắng tận dụng những ngày lễ mua sắm để có thể tối đa mức giảm giá”.
Tờ Bloomberg đánh giá đây có thể được xem là một dấu hiệu tích cực cho các nhà bán lẻ khi họ đang phải đối mặt với dự báo doanh số bán hàng mờ nhạt cho mùa lễ sắm lớn nhất năm.
Cụ thể, nhu cầu về thiết bị điện tử, đồng hồ thông minh, TV và thiết bị âm thanh đã giúp doanh số bán hàng trực tuyến trong ngày tăng 7,5% so với năm ngoái. Đáng chú ý, xu hướng "Mua trước, trả sau" được người tiêu dùng Mỹ lựa chọn nhiều trong mùa mua sắm năm nay.
Theo khảo sát của Adobe, 79 triệu USD doanh thu đến từ những người tiêu dùng đã chọn phương thức thanh toán "Mua trước, trả sau", tăng 47% so với năm ngoái và tăng 72% so với tuần trước Lễ Tạ ơn.
Ông Pandya lưu ý rằng việc mua sắm ngẫu hứng có thể đóng một vai trò trong sự tăng trưởng của Black Friday vì 5,3 tỷ USD doanh thu trực tuyến đến từ mua sắm trên thiết bị di động. Nhà phân tích của Adobe nhận định rằng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã giúp người tiêu dùng dễ dàng chi tiêu thoải mái hơn trên thiết bị di động của họ.
Xu hướng này đánh dấu sự phục hồi kể từ kỳ nghỉ lễ năm ngoái, khi lạm phát cao tác động đến túi tiền của người tiêu dùng. Giữa bối cảnh đó, các nhà bán lẻ đã tăng cường giảm giá mạnh để loại bỏ hàng tồn kho.
Doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Salesforce. Trong đó, nhu cầu lớn dành cho ngành hàng giày dép, đồ thể thao, chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp. Ngành hàng quần áo, nhà cửa và mỹ phẩm là nhóm được giảm giá nhiều nhất.
Tờ Bloomberg nhận định doanh số bán hàng trực tuyến trong những ngày trước Cyber Monday (27/11) có thể mang lại cho các công ty những tính toán ban đầu về hiệu quả hoạt động trong mùa nghỉ lễ, trái ngược với số liệu từ kênh bán lẻ truyền thống, vốn thống kê số liệu chậm hơn.
Tuy nhiên, những dự báo ban đầu của tháng 11 và tháng 12 cho thấy mức tăng trưởng doanh số bán hàng năm nay vẫn chưa thoát khỏi cảnh ảm đạm.
Tại Mỹ, Salesforce dự đoán doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tăng 1% trong giai đoạn trước Cyber Monday so với năm 2022, tốc độ chậm nhất trong 5 năm. Cùng nhận định, Adobe kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 4,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm trước đại dịch là 13%.
Số liệu của hai công ty tuy khác nhau do cách phân tích song kết quả chung vẫn thể hiện sự kém tích cực. Adobe thu thập dữ liệu bằng cách phân tích một nghìn tỷ lượt truy cập vào các trang web bán lẻ ở Mỹ, theo dõi 18 danh mục sản phẩm và 100 triệu mặt hàng. Đơn vị này không theo dõi các giao dịch bán lẻ truyền thống.
Ông Pandya cho biết: “Mô hình mua sắm online đã thay đổi trải nghiệm ngày Black Friday tại cửa hàng, vốn nổi tiếng với hình ảnh những hàng dài người xếp hàng, tranh giành sản phẩm giảm giá". Ông nói thêm rằng người tiêu dùng “có nhiều quyền quyết định hơn” khi họ mua sắm trực tuyến vì việc so sánh giá song song sẽ dễ dàng và đảm bảo mức giá tốt hơn.
Các nhà bán lẻ cũng đã nhận thức được sự gia tăng của người tiêu dùng săn lùng hàng giảm giá. Nhiều nhà bán lẻ tại Mỹ đã kéo dài ngày lễ mua sắm và cung cấp nhiều deal giảm giá hời hơn để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, nhà phân tích của Adobe, chi tiêu mua sắm có thể sẽ bắt đầu giảm dần từ kỳ nghỉ lễ. Ngày Cyber Monday được xem là ngày mua sắm lớn cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, có thể là đợt tăng chi tiêu cuối cùng cho những mặt hàng không thiết yếu trong thời gian còn lại của năm.
Pandya cho biết: “Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng chi tiêu sẽ giảm dần vào tháng cuối năm vì những đợt giảm giá đó sẽ yếu đi và điều này đang ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của người mua trong lễ hội mua sắm năm nay."