|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ liệu có dễ thực hiện?

07:05 | 24/11/2018
Chia sẻ
Việc công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu quỹ trong thời gian ngắn 10 ngày sẽ tạo thêm những thủ tục không cần thiết, giảm tính tự chủ và linh hoạt.

Dồn dập đăng ký mua cổ phiếu quỹ trong những tháng cuối năm

Từ tháng 10 đến nay, nhà đầu tư chứng khoán chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp công bố phương án và đăng ký thực hiện mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. Bên cạnh việc Thế giới Di Động mua lại cổ phiếu ưu đãi (ESOP) của cán bộ, công nhân nghỉ làm với số lượng khá nhỏ thì đã có những doanh nghiệp lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ với tỷ trọng lớn như Vicostone, Maritime Bank, Hodeco ...

Cụ thể, mới đây Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần Vicostone (Mã: VCS) đã thông qua phương án mua lại 3,2 triệu cổ phiếu quỹ nhằm tái cơ cấu ngắn hạn, dài hạn. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hoặc các nguồn khác.

Đáng chú ý, đầu tháng 10, HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - mã : MSB) dự chi 770 tỉ đồng để mua lại tối đa 70 triệu cổ phiếu quỹ với giá dự kiến 11.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến tháng 10.

Bên cạnh đó, đầu tháng 11, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco - mã: HDC) thông báo sẽ mua 5 triệu cổ phiếu quỹ trong quý I. Thời điểm bắt đầu giao dịch cổ phiếu quỹ tối đa là 15 ngày sau khi được UBCKNN chấp thuận phương án. Giá mua theo giá thị trường nhằm bình ổn giá cổ phiếu.

Trước việc giá cổ phiếu giảm hơn 50% so với đầu năm, mới đây HĐQT CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - mã: HAX) cũng thông qua phương án về việc mua 1 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 11/2018 – 1/2019 và sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Mua cổ phiếu quỹ có còn dễ?

Để tránh chuyện nhiều doanh nghiệp lợi dụng mua cổ phiếu quỹ nhằm kích giá, tăng cầu, Bộ Tài Chính đã soạn thảo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định việc mua cổ phiếu quỹ sẽ thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông và doanh nghiệp phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ.

Các trường hợp mua lại cổ phiếu quỹ theo yêu cầu của cổ đông theo quy định tại Luật Doanh nghiệp; hoặc mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu hay trường hợp công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ… thì không yêu cầu có nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua phương án và các yêu cầu khác về điều kiện mua cổ phiếu quỹ.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất mua vào cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá lượng cổ phiếu mua vào.

Ngoài việc thay đổi về thẩm quyền ra quyết định mua vào cổ phiếu quỹ, công ty chứng khoán thực hiện, nguồn vốn mua cổ phiếu quỹ….Dự thảo cũng yêu cầu về việc cung cấp tình trạng tài chính doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ.

Cụ thể, công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình nếu đang có nợ quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán (trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phiếu quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, việc xác định nợ quá hạn được căn cứ vào báo cáo tài chính bán niên gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét).

mua co phieu quy phai giam von dieu le lieu co de thuc hien

Giảm vốn điều lệ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp?

Tại hội thảo đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) diễn ra ngày 14/11, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan điểm lo lắng và mong muốn xem xét kỹ quy định này.

Đại diện Công ty TNHH quỹ Manulife Việt Nam cho biết, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp, được luật pháp công nhận và được cổ đông thông qua.

Việc công ty mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ sẽ tạo thêm tính thanh khoản cũng như tính hấp dẫn của cổ phiếu thông qua việc bán lại cổ phiếu quỹ trên sàn giao dịch khi điều kiện thị trường tốt hơn, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cho công ty (và cổ đông).

Vì vậy, việc quy định công ty bắt buộc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu quỹ (nhất là trong một thời gian ngắn 10 ngày như trong quy định của Dự Thảo Luật Chứng khoán sửa đổi) sẽ tạo thêm những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, cũng như làm giảm tính tự chủ, linh hoạt của các công ty.

Theo vị đại diện này, quy định chỉ nên được áp dụng trong trường hợp công ty và đại hội cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ trong những điều kiện nhất định.

Trong khi đó CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã: VNM) đề nghị dự thảo Luật Chứng khoán cần làm rõ việc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ.

Trường hợp mua lại cổ phiếu ESOP thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua Nghị quyết có nội dung số lượng ESOP được mua theo báo cáo. Nếu được cổ đông thông qua thì công ty có được phân hối ESOP đã mua lại cho nhân viên theo một chương trình phúc lợi nào đó của công ty không hay bắt buộc phải giảm vốn điều lệ?

Hay như đại điện CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland – mã: NVL) cho rằng yêu cầu phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của công ty sẽ gây khó khăn cho hoạt động công ty đại chúng.

Cụ thể, công ty thường xuyên mua lại cổ phiếu thưởng đã phát hành cho cán bộ nhân viên khi nghỉ việc hoặc các trường hợp khác theo quy chế phát hành sau đó bán lại, thưởng cho cán bộ nhân viên khác, theo đại diện Novaland, hoạt động này diễn ra thường xuyên.

Do vậy, nếu yêu cầu phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ, sau đó phải làm thủ tục tăng vốn điều lệ khi phát hành thêm cổ phiếu sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính cho công ty.

Trước những ý kiến trên, UBCKNN cho biết sẽ xem xét và cân nhắc để đưa quy định mua cổ phiếu quỹ hợp tình, hợp lý hơn.

Hiện nay, thủ tục giảm vốn điều lệ được quy định tại khoản 4 điều 68 luật Doanh nghiệp 2014.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ, công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thông báo phải có các nội dung như: Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp; Vốn điều lệ, số vốn dự định tăng hoặc giảm; Thời điểm, lý do và hình thức tăng hoặc giảm vốn; Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp...

Trong vòng 3 ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh/thành phố sẽ có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện thủ tục thay đổi giảm vốn điều lệ cho công ty.

Trường hợp từ chối bổ sung vào hồ sơ đăng ký kinh doanh thì Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh/thành phố có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Xem thêm

Nguyễn Đức

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.