|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[Live] Góp ý dự thảo Luật Chứng khoán: 'Nóng' chuyện mua cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ và người có liên quan

10:25 | 14/11/2018
Chia sẻ
Hôm nay 14/11, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang tổ chức hội thảo tại TP HCM để lấy ý kiến nhiều cơ quan, tổ chức về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi với 10 chương và 137 điều.
live gop y du thao luat chung khoan nong chuyen mua co phieu quy giam von dieu le va nguoi co lien quan [Live] Góp ý dự thảo Luật Chứng khoán: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước cùng lên tiếng

Hội thảo có sự tham dự của ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cùng đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có liên quan.

Buổi chiều:

Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans):

Liên quan đến thời gian chào bán thêm có sự mâu thuẫn. Doanh nghiệp cũng chưa rõ về phần giới hạn phát hành thêm. Đại diện doanh nghiệp này cũng đồng ý với ý kiến của Vinamilk về việc không bắt buộc doanh nghiệp phát hành thuê đơn vị tư vấn.

Đại diện PVTrans đặt câu hỏi: Trong trường hợp doanh nghiệp cần huy động vốn để đầu tư dự án nhưng phát hành chỉ được 70% thì xử lý như thế nào?

Dự thảo hiện tại có quy định: Trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành, ý kiến kiểm toán phải chấp nhận toàn phần, đại diện PVTrans cho rằng quy định này hơi khắt khe cho doanh nghiệp.

Ý kiến Tập đoàn Cao Su Việt Nam:

Việc quy định người có liên quan là cá nhân, công ty đại chúng phải kê khai thông tin. Theo đại diện của Tập đoàn Cao su, quy định này quá rộng và phiền phức.

Tập đoàn Cao su cũng đề nghị bỏ quy định người liên quan bao gồm rể và dâu, có thể quy định những thành phần liên quan mua, bán ở mức bao nhiêu thì công bố.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Cố vấn Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB):

Liên quan đến doanh nghiệp sau một năm chuyển đổi thành công ty đại chúng, điều khoản chuyển tiếp buộc doanh nghiệp phải làm với UBCKNN để cấp giấy phép kinh doanh. Theo ông Nghĩa, phải cân nhắc và UBCKNN nên tự cấp cho doanh nghiệp.

Tham luận của Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM):

VFM nhận thấy thị trường phái sinh đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư. Chứng khoán và phái sinh là 2 tài sản tài chính có liên quan đến nhau. Các chủ thể tham gia vào 2 thị trường giao dịch này gần như giống nhau. Các nước trong khu vực như Singapore, Hong Kong đã ban hành Luật Chứng Khoán và Hợp đồng tương lai để quản lý các hoạt động của thị trường chứng khoán và phái sinh.

Tại Việt Nam, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước vẫn là cơ quan chính giám sát thị trường phái sinh. Do đó chúng tôi kiến nghị sửa tên luật “Luật Chứng khoán” thành “Luật Chứng khoán và Phái sinh”, và bổ sung thêm các quy định liên quan đến phái sinh.

Về các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán: theo thông lệ quốc tế, quỹ mở là quỹ khi cổ phần, phần vốn góp, chứng chỉ quỹ được mua lại theo yêu cầu của cổ đông/thành viên. Còn quỹ đóng là quỹ khi cổ phần, phần vốn góp, chứng chỉ quỹ không được mua lại theo yêu cầu của cổ đông/thành viên. Cũng theo thông lệ quốc tế, quỹ đóng/ quỹ mở có thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty hợp danh.

Do đó, VFM đề xuất chia quỹ theo các loại hình sau: Quỹ đầu tư bao gồm quỹ mở và quỹ đóng; Quỹ mở hoặc quỹ đóng có thể là quỹ đại chúng hoặc quỹ không đại chúng. (Bỏ khái niệm về quỹ thành viên vì quỹ thành viên có thể là quỹ mở hoặc quỹ đóng không đại chúng); Quỹ đầu tư được phép thành lập dưới một trong những loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh Nghiệp.

Về điều kiện huy động vốn để thành lập quỹ đại chúng: Đề nghị quy định rõ điều kiện “có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất 50 tỉ đồng áp dụng cho quỹ đại chúng ngoại trừ quỹ ETF.

Về hạn chế đối với quỹ đại chúng, hạn mức đầu tư của quỹ tại một tổ chức phát hành: Hạn chế đầu tư của quỹ ở mức 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành là quá ít. Đề xuất tăng tỷ lệ này lên 15% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó.

Về quy định quỹ được phép cho vay chứng khoán: theo thông lệ quốc tế, quỹ đầu tư được phép cho vay chứng khoán nếu việc cho vay chứng khoán làm tăng thu nhập của quỹ mà không làm tăng rủi ro của quỹ hoặc chỉ phát sinh rủi ro ở mức chấp nhận được. Do đó, đề xuất cần làm rõ đây là về hạn chế “Công ty quản lý quỹ không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán để thực hiện các hoạt động sau đây: Cho vay tiền hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào” để tránh nhầm lẫn với việc cho vay chứng khoán.

Về quy định hạn mức vay của quỹ: để phù hợp với thông lệ quốc tế, VFM đề xuất như Quỹ đầu tư được phép vay để đáp ứng lệnh bán của nhà đầu tư. Tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn (cho mục đích đáp ứng lệnh bán của nhà đầu tư) của quỹ không được quá 10% giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa là 30 ngày;

Các Quỹ đầu tư chuyên biệt được phép vay không hạn chế, mức vay cụ thể được quy định rõ tại điều lệ/Bản cáo bạch của quỹ.

Quỹ ETF là một loại quỹ đặc thù, do đó đề nghị quy định rõ các hạn chế đối với quỹ đại chúng (Điều 109) không áp dụng đối với quỹ ETF.

Về mệnh giá chứng khoán: việc quy định mệnh giá bắt buộc trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là phù hợp. Tuy nhiên, mệnh giá sau đợt chào bán lần đầu có thể thay đổi theo nhu cầu công ty, do công ty quyết định và được quy định tại điều lệ công ty/điều lệ quỹ.

Cách quy định hiện tại dễ dẫn đến việc hiểu nhầm rằng mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ phải luôn là 10.000 đồng, không thay đổi trước và sau đợt chào bán lần đầu, từ đó không thể thực hiện được việc sáp nhập, chia tách cổ phiểu, chứng chỉ quỹ.

Do đó, VFM đề xuất chỉnh sửa quy định về mệnh giá, cụ thể là mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu ra công chúng là 10.000. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ sau đợt chào bán lần đầu ra công chúng do công ty quyết định, và quy định tại điều lệ công ty, điều lệ quỹ.

Sau khi nghe các ý kiến tham luận vào buổi sáng, chiều nay Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng nêu quan điểm:

Về việc mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ đúng là rất phiền toái cho doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán sẽ xem xét, điều chỉnh.

Tuy nhiên, nếu không theo luật doanh nghiệp thì lại có vấn đề. Một số doanh nghiệp lớn trong quá trình mua cổ phiếu quỹ có hành vi lợi dụng thị trường để kinh doanh.

Liên quan đến cổ phần hóa, trước đây các đợt thoái vốn được coi là IPO. Theo luật mới thì cổ phần hóa sẽ không áp dụng theo Luật Chứng khoán. Việc niêm yết thì theo luật chứng khoán để giảm phức tạp trong quá trình thực hiện.

live gop y du thao luat chung khoan nong chuyen mua co phieu quy giam von dieu le va nguoi co lien quan
Hình ảnh hội thảo sáng 14/11. Ảnh: Thu Hà

Kiểm toán Ernst & Young:

Hiện nay tại Việt Nam, gần như không có tổ chức tư vấn/bảo lãnh phát hành nào yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm tra và báo cáo về các thông tin tài chính trong bản cáo bạch (trừ một số trường hợp phát hành chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo thông lệ quốc tế).

Điều này được cho là do các quy định pháp luật của Việt Nam về phát hành chứng khoán ra công chúng chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức tư vấn/bảo lãnh phát hành đối với các thông tin trong bản cáo bạch, đồng thời tổ chức tư vấn/bảo lãnh phát hành chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với các thông tin trình bày trong bản cáo bạch.

Việc kiểm tra rà soát các thông tin công bố trong bản cáo bạch có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, là nền tảng đảm bảo sự công khai minh bạch cho TTCK.

Tuy vậy, việc kiểm tra rà soát các thông tin tài chính trong bản cáo bạch, tùy vào quy mô và khối lượng giao dịch, sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, tính bảo mật thông tin cũng là một trong các vấn đề mà tổ chức phát hành còn nhiều e ngại khi có sự tham gia của nhiều bên khi tiến hành giao dịch chào bán/niêm yết chứng khoán

Công ty TNHH quỹ Manulife Việt Nam:

Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp, được luật pháp công nhận và được cổ đông thông qua. Việc công ty mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ sẽ tạo thêm tính thanh khoản cũng như tính hấp dẫn của cổ phiếu thông qua việc bán lại cổ phiếu quỹ trên sàn giao dịch khi điều kiện thị trường tốt hơn, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cho công ty (và cổ đông).

Vì vậy, việc quy định công ty bắt buộc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu quỹ (nhất là trong một thời gian ngắn 10 ngày như trong quy định của Dự Thảo Luật Chứng Khoán Sửa Đổi) sẽ tạo thêm những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, cũng như làm giảm tính tự chủ, linh hoạt của các công ty. Thiết nghĩ quy định này chỉ nên được áp dụng trong trường hợp công ty và đại hội cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ trong những điều kiện nhất định.

Quỹ bảo vệ nhà đầu tư là một ý tưởng tốt đẹp, tuy nhiên việc góp thành một quỹ chung do Sở Giao Dịch Chứng Khoán quản lý có thể làm cho việc quản lý và thực thi trở nên phức tạp, chồng chéo. Ngoài ra, việc đóng góp quỹ này sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho công ty chứng khoán (hoặc cho bản thân nhà đầu tư nếu các công ty chứng khoán tính thêm phí bảo vệ cho khách hàng). Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty, hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư. Do vậy, chúng tôi thiết nghĩ nên có cơ chế quản lý minh bạch, rõ ràng trước khi thực hiện để đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư và tạo được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

CTCP Chứng khoán SSI:

Dự thảo cần làm rõ hơn một số khái niệm, từ ngữ đề cập tại Dự thảo như định nghĩa về nhà đầu tư chiến lược, chào bán, sở hữu gián tiếp; công ty liên doanh, công ty liên kết...

SSI cũng cho rằng nên thu hẹp các đối tượng được xem là “người có liên quan”, sẽ không bao gồm con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu.

Đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng và riêng lẻ: SSI thấy nên làm rõ một số quy định về điều kiện chào bán và trường hợp không phải đăng ký chào bán chứng khoán, bổ sung các tài liệu trong hồ sơ chào bán để phù hợp với điều kiện chào bán, bãi bỏ một số điều kiện liên quan đến chào bán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Đối với công ty đại chúng: thời điểm trở thành công ty đại chúng và phải tuân thủ các nghĩa vụ của công ty đại chúng.

Về Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên: SSI cho rằng nên sửa đổi một số nội dung để phù hợp hơn, và đề nghị loại trừ trường hợp công ty đã niêm yết phải thực hiện thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện như đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Đối với hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ) nên có quy định mở tại điều kiện cho CTCK và CTQLQ có sự tự chủ nhất định trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, phân biệt nghiệp vụ kinh doanh được UBCKNN cấp phép và dịch vụ được cung cấp. Việc liệt kê các dịch vụ được cung cấp như Điều 85 sẽ gây khó khăn cho CTCK khi thị trường phát triển.

Đồng thời, CTCK và CTQLQ cần ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho người hành nghề chứng khoán và công ty chứng khoán và có cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện; Bổ sung quy định về trách nhiệm của CTCK trong thủ tục phong tỏa, giải tỏa chứng khoán cầm cố và xử lý tài sản cầm cố theo thỏa thuận của chủ tài khoản với ngân hàng hoặc bên thứ ba.

SSI cũng đồng ý với việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư nhưng cần được xem xét kỹ lượng.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Đại diện CTCP Hàng không Vietjet cho biết:

Đối với, định nghĩa thuật ngữ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự luật mới không cần thiết đưa vào mục b và mục c như sau: Công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 năm; Cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu hai năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng Việt Nam trong 12 tháng gần nhất, định nghĩa này chưa thật sự thuyết phục.

Về phương diện nhà đầu tư, đối với công ty có vốn hóa vô cùng lớn, và nhà đầu tư đơn thuần mua bán giao dịch cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, họ mỗi tháng giao dịch 1 đợt trong 12 tháng liên tiếp, sau đó họ nghỉ 5 – 10 năm rồi quay lại thị trường thì không nên coi họ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Về phương diện doanh nghiệp, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể gây khó khăn trong việc thống kê những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để báo cáo trong Bảng tóm tắt danh sách cổ đông theo yêu cầu trong các đợt báo cáo phát hành tăng cổ phần.

Bên cạnh đó, việc một doanh nghiệp vốn hóa 1.000 tỷ đồng sở hữu cổ phần của một hay nhiều doanh nghiệp khác theo những hình thức khác nhau thì cũng không nên xem doanh nghiệp đó là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Qua Luật chứng khoán sửa đổi lần này, Vietjet cũng nhận thấy rằng luật mới có những quy định chặt chẽ bám sát tình hình thực tế của doanh nghiệp, bên cạnh việc kế thừa những quy định của luật chứng khoán vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế thì Dự thảo lần này còn bổ sung và điều chỉnh một số thông tin bất cập, những nội dung chưa rõ ràng.

Dự thảo lần này còn luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực thi, điều này ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, tạo tính công bằng và minh bạch hóa thông tin từ doanh nghiệp và cá nhân trong công tác phát hành cũng như đầu tư vào chứng khoán.

Thông qua quá trình niêm yết, chào bán…, doanh nghiệp phải thực hiện những thủ tục được quy định theo hệ thống luật, được đánh giá và giám sát, từ đó tránh những trường hợp có hình thức mà không có nội dung đối với những doanh nghiệp “ma”.

CTCP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) nêu ý kiến:

Về quy định tại Điều 34 về chào mua công khai, Novaland cho rằng Khoản 1 điểm b chưa rõ ràng, khó hiểu. Nếu một người sở hữu 36%, mua thêm 8-9% thì có phải chào mua công khai nữa không?

Về việc báo cáo mua lại cổ phiếu, đại diện Novaland thấy chưa ổn cho công ty đại chúng. Việc mua lại không nhất thiết phải giảm vốn điều lệ. Cứ mỗi lần mua lại phải giảm vốn điều lệ sau đó lại làm thủ tục tăng vốn điều lệ sẽ làm nhiễu thông tin.

Mua lại cổ phiếu ESOP có khó khăn khi công ty mua trước khi ĐHĐCĐ thông qua vậy nếu cổ đông không đồng ý thì sao? Theo Novaland phải hướng dẫn nhiều thêm, nếu áp dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, liên quan hủy tư cách công ty đại chúng, dự thảo luật còn mập mờ, có thể gây ra những thiệt thòi cho những doanh nghiệp đã khắc phục được vi phạm quy định.

Đại diện Novaland cũng nêu thắc mắc: Trong trường hợp tài khoản công ty bị phỏng tỏa hoặc tài khoản phong tỏa không phải do lỗi doanh nghiệp, chỉ là do ngân hàng sơ suất trong giao dịch thì có cần phải công bố hay không.

Tham luận mở đầu hội thảo, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nêu ý kiến:

Dự thảo, có định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng khó thực hiện trong thực tế vì khó xác định cụ thể. Doanh nghiệp vốn 1.000 tỉ đồng nhưng hoạt động của họ không phải đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì không nên gọi là đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Họ chỉ dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư.

Cá nhân càng khó xác định là chuyên nghiệp hay không. Tiêu chí xác định cũng rất khó. Vinamilk cho rằng nên bỏ quy định này, do không có cơ sở xác định.

Về Điều 4 liên quan về thành viên ban kiểm toán nội bộ xin đổi thành thành viên tiểu ban kiểm toán.

Về cơ cấu quản lý: HĐQT trong đó có tiểu ban kiểm toán của HĐQT. Dự thảo cần phân biệt được tiểu ban kiếm toán của HĐQT và phòng kiểm toán của công ty.

Điều 4, khoản 39 điểm i có quy định: Người có liên quan của cá nhân tổ chức có quan hệ sau đây... Theo Vinamilk, trong phần hướng dẫn của chính phủ phải nói rõ, bởi quy định bao hàm nhiều đối tượng. Khách hàng lớn là ai, chiếm bao nhiêu % doanh số. Doanh nghiệp trong lĩnh vực B2B thì tỷ lệ khách hàng lớn rất là nhiều. Nên quy định rõ mức độ đối tác kinh doanh, khách hàng lớn.

Về Điều 12 khoản 2 điểm a, nói về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng, Vinamilk cho rằng theo luật tổ chức phát hành bắt buộc phải có công ty tư vấn là công ty chứng khoán, điều này nên do công ty lựa chọn hình thức. Có nhiều công ty đã phát hành nhiều lần, có nhiều kinh nghiệp và không cần tư vấn là công ty chứng khoán. Trong luật nên quy định là đề xuất, hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.

Tương tự Điều 15 nên điều chỉnh cho doanh nghiệp lựa chọn chứ không theo hướng bắt buộc.

Điều 35, mua lại cổ phiếu quỹ: Theo đại diện của Vinamilk, đây là một thay đổi lớn của luật. Khi doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ bất kỳ dưới hình thức nào đều phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày.

Trong trường hợp mua lại cổ phiếu quỹ của cán bộ công nhân viên, đại hôi cổ đông cho phép sử dụng quỹ này để phân phối hay bắt buộc phải giảm vốn điều lệ.

Điều 119 khoản 2 điểm h quy định: Quyết định mua, bán tài sản hoặc thực hiện các giao dịch có giá trị lớn hơn mười lăm phần trăm tổng tài sản của công ty tính tại Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc Báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét

Vinamilk cho biết, việc mua nguyên liệu chỉ là hoạt động bình thường, việc công bố sẽ rất nhiều. Ban soạn thảo có thể loại trừ hoạt động này.

Ngoài ra, hiện tại tỷ lệ tối thiểu của thành viên HĐQT độc lập phải đạt 1/3. Đề nghị cơ quan có một văn bản cụ thể cho phép làm tròn lên hay làm tròn xuống để có cơ sở kiếm tra, đôn đốc các doanh nghiệp.

Liên quan về thủ tục thu hồi cổ phiếu ESOP, Vinamilk cho rằng hơi thừa, khi mà thu hồi phải gửi báo cáo nhiều cơ quan, mất nhiều thời gian, có thể kéo dài hơn một tháng. Theo Vinamilk, có thể không cần công văn chấp thuận của UBCKNN về việc trước hoặc sau thu hồi.

Xem thêm

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hà

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.