‘Mùa biểu tình’ của dân chung cư tại Hà Nội
Hàng loạt chung cư tại Hà Nội liên tiếp biểu tình
Gần đây, cư dân hàng loạt chung cư tại Hà Nội liên tiếp tổ chức biểu tình, nộp kiến nghị, đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhằm tố cáo nhiều sai phạm của chủ đầu tư (CĐT) tòa nhà. Biểu tình có lẽ là biện pháp bất đắc dĩ khi nhiều CĐT lẩn tránh, không đối thoại khi cư dân phản ánh về các bất cập tại chung cư, các đơn thư, khiếu kiện của cư dân không được phản hồi hay đem lại kết quả cụ thể.
Phần lớn nội dung tranh chấp liên quan đến vấn đề CĐT không giao lại quỹ bảo trì, xây dựng thêm nhiều hạng mục không đúng thiết kế ban đầu và chiếm dụng diện tích chung của cư dân (bãi gửi xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, ô thoáng, sân chơi, khu cây xanh, vườn hoa...).
Mới đây nhất vào chiều tối 12/6, cư dân Capital Garden (102 Trường Chinh) đã tập trung tại tầng một của toà nhà căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư Kinh Đô TCI Group giải trình về các sai phạm tại chung cư này.
Dù xảy ra cháy lớn nhưung hệ thống báo cháy cùng họng nước cứu hỏa tại Capital Garden lại trở nên "vô dụng", đe dọa an toàn tính mạng, tài sản cư dân. (Ảnh: TL) |
Người dân nêu hàng loạt vấn đề như tòa nhà không có tầng cây xanh theo quảng cáo, chậm bàn giao nhà đến một năm theo hợp đồng; biên bản giao nhà không có chữ ký CĐT khiến người dân không thể thực hiện các thủ tục hành chính như xin học, giao dịch ngân hàng... Sai phạm nghiệm trọng nhất tại đây là việc CĐT chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hơn 200 hộ dân luôn nơm nớp lo sợ khi từng xảy ra vụ cháy tại đây nhưng hệ thống báo cháy cũng như họng nước cứu hỏa đều không hoạt động...
Cũng trong ngày 12/6, nhân việc bể phốt lộ thiên sai phép tại tầng hầm chung cư cao cấp Hồ Gươm Plaza (đường Trần Phú, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông) bị bục, Phó Ban Quản trị (BQT) chung cư đã trao đổi với báo chí về nhiều sai phạm của CĐT là Công ty cổ phần May Hồ Gươm.
Dù được quảng cáo là chung cư cao cấp 5 sao với nhiều tiện ích đẳng cấp thì Hồ Gươm Plaza vẫn đang "lún" trong nhiều sai phạm. (Ảnh: Linh Lê) |
Trước đó vào giữa tháng 3, cư dân tại đây đã căng băng rôn, biểu tình trong 4 ngày liên tiếp tại mặt tiền dự án. Hàng loạt sai phạm của CĐT sau đó tiếp tục bị phơi bày như xây bể phốt lộ thiên sai phép; chưa bàn giao đầy đủ tiền quỹ bảo trì (tổng quỹ khoảng 14 tỷ đồng, CĐT mới giao 2 tỷ đồng) cho BQT; tự ý tăng thêm khoảng 200 căn hộ, gây áp lực lớn lên hạ tầng và chất lượng cuộc sống cư dân; không bàn giao lại bản hồ sơ pháp lý của tòa nhà để BQT đối chiếu, làm rõ về vấn đề tranh chấp diện tích sở hữu chung cũng như nội dung quy hoạch các tiện ích có bị cắt xén...
Gần 10 bể phốt lộ thiên tại hầm chung cư cao cấp Hồ Gươm Plaza liên tục bục tràn |
Cũng liên quan đến vấn đề CĐT không chịu giao lại quỹ bảo trì, tại chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), CĐT là Công ty cổ phần May Thăng Long cũng "tiêu hết" 14,6 tỷ đồng quỹ bảo trì thu từ các hộ dân. Công ty May Thăng Long còn tuyên bố: không thể trả tiền quỹ bảo trì ngay vì công ty làm ăn thua lỗ và mỗi quý sẽ gửi trả 10 - 12% tiền quỹ. Tuy nhiên, sau khi BQT công khai nội dung này, báo chí vào cuộc và chính quyền gây sức ép, đến ngày 9/6 CĐT đã hai lần gửi trả tiền quỹ bảo trì số tiền tổng cộng là gần 13,2 tỷ đồng (bằng 90% tổng tiền bảo trì đã thu). Đây là một trong số ít chung cư đã cơ bản giành được “thắng lợi” trong cuộc đấu tranh với CĐT.
Đấu tranh trong khoảng một năm, Thăng Long Garden là chung cư hiếm hoi giành được thắng lợi ban đầu quan trọng khi đòi lại được 90% tiền quỹ bảo trì từ CĐT. (Ảnh: NVCC) |
Trước đó, cư dân tại Thăng Long Garden cũng từng kéo nhau biểu tình nhiều lần để bày tỏ thái độ với nhiều bất cập như rác thải vứt tràn lan không được quản lý, CĐT tự ý sửa đổi thiết kế tòa nhà; thu hẹp lồng thang máy, cắt bớt điểm dừng; chiếm phòng sinh hoạt cộng đồng cho thuê làm vườn trẻ; tranh chấp diện tích gửi xe với cư dân...
Chủ đầu tư chung cư Thăng Long Garden tiêu hết 14 tỷ quỹ bảo trì, chỉ trả trước 500 triệu |
Vào chiều tối 7/6, cư dân tại tòa nhà Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) đã đội mưa xuống đường thể hiện ý kiến không đồng tình với chủ đầu tư. Đây không phải lần đầu người dân căng băng rôn, biểu ngữ tại chung cư mà đã rất nhiều lần họ xuống đường nhằm phản đối các sai phạm của CĐT là Công ty cổ phần phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico).
Theo tố cáo của khách hàng tại dự án, CĐT không những bàn giao nhà chậm hơn 3 tháng; thi công cả khi đã có dân chuyển đến ở tại tòa nhà mà không có biện pháp che chắn, bảo vệ; xây bít các ô thoáng thành căn hộ để bán; chưa nghiệm thu hệ thống PCCC dù cư dân đã về ở nửa năm; còn chưa hoàn thiện phòng sinh hoạt cộng đồng cũng như tầng cây xanh... Không những thế, sau quyết định tạm đình chỉ thi công dự án của UBND phường, CĐT vẫn tiếp tục việc xây dựng, lắp ráp tại nhiều khu vực trong tòa nhà, rạp chiếu phim tại tầng hầm cũng vẫn hoạt động bình thường dù đã có lệnh tạm dừng.
Dự án Golden West Lê Văn Thiêm biến ô thoáng thành căn hộ, bị đình chỉ vẫn thi công |
‘Phớt lờ’ chính quyền và cư dân, Vietradico vẫn im lặng về các sai phạm tại Golden West |
"Phải phạt nặng để triệt tiêu ý định sai phạm của CĐT"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, những tranh chấp nói trên không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà nó là tình trạng phổ biến tại các đô thị lớn, bởi lựa chọn mua căn hộ chung cư đang là xu thế chủ đạo.
Vấn đề quỹ bảo trì đã có Thông tư 28 sửa đổi Thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định việc cưỡng chế bàn giao quỹ này cho BQT tòa nhà. BQT được thành lập trong Hội nghị nhà chung cư được tổ chức lần đầu tiên. Hiện nay nhiều CĐT trì hoãn việc tổ chức Hội nghị nên ông Châu kiến nghị: nếu CĐT họp hai lần mà không bầu được BQT thì UBND phường có thể can thiệp việc tổ chức bầu BQT, chỉ cần đơn vị này được thành lập thì cư dân sẽ có đại diện có tư cách pháp nhân đứng ra đòi các quyền lợi chính đáng của mình.
Còn về việc thay đổi công năng các hạng mục xây dựng so với thiết kế ban đầu, Chủ tịch HoREA cho biết, CĐT chỉ được phép thay đổi sau khi đã nhận được sự đồng thuận của cư dân và trình chính quyền và cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp không có những sự đồng ý tiên quyết trên mà CĐT vẫn cố tình sai phạm thì theo quy định, dự án sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm hoặc CĐT phải nộp 50% lợi tức tạo được từ phần diện tích trái phép.
Tuy nhiên, ông Châu đề xuất: "cần phải phạt ở mức rất cao để triệt tiêu hẳn ý định sai phạm của nhà đầu tư, bởi họ không buộc phải công khai nên mức lợi tức từ diện tích sai phạm có khi gấp nhiều lần con số mà họ đưa ra, họ nói là 1 tỷ đồng nhưng con số thực tế có khi lên đến 3 tỷ đồng".
Còn GS. Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đánh giá, thay đổi số căn hộ của dự án theo thiết kế được duyệt ban đầu là thay đổi công năng, điều này sẽ phá vỡ thiết kế, ảnh hưởng đến cả không gian và khiến dịch vụ tại chung cư trở nên quá tải. Việc tăng số tầng, thêm căn hộ sẽ góp phần gia tăng tình trạng ách tắc giao thông, các vấn đề cảnh quan, môi trường và an toàn đô thị đều sẽ bị ảnh hưởng.
"Thực tế hiện nay tại Việt Nam, nhiều CĐT chỉ quan tâm đến việc bán xong hàng (căn hộ) mà không quan tâm đến việc chất lượng cuộc sống của người dân vào ở như thế nào. Hiện trạng này giống như việc khách mua phải hàng giả mà không đổi được, nhưng mặt hàng này lại có giá trị quá lớn, lên đến mấy tỷ đồng, đó nhiều khi là tiền dành dụm cả đời của người dân. Đó là tư tưởng bán hàng “chụp giật”, không theo đúng quy tắc thị trường", GS. Đặng Đình Đào nhất mạnh.
Chung cư Việt Nam ở 5 - 10 năm là biết ngay, bởi CĐT tuy thu đến hàng tỷ đồng tiền quỹ bảo trì nhưng khi công trình xuống cấp lại thường chậm trễ trong việc tu sửa. Trong khi ở nước ngoài, ngay ký túc xá sinh viên thôi cũng được họ quét sơn, sửa sang định kỳ hàng năm.
GS Đào cho rằng, muốn cải thiện tình hình thì yếu tố tiên quyết là các nhà đầu tư phải làm đúng quy tắc thị trường, phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến cư dân. Các nhà quy hoạch cần siết chặt quy định, yêu cầu CĐT cam kết bằng văn bản về việc tuân thủ bản thiết kế đã được duyệt; nhà quản lý cũng cần giám sát chặt chẽ, luật pháp phải có chế tài cụ thể quy định về việc bảo dưỡng công trình hàng năm. Cư dân không nên biểu tình một cách tự phát mà cần tập hợp lại để cùng khởi kiện để luật pháp xử lý các sai phạm của CĐT...