|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ đầu tư chung cư Thăng Long Garden tiêu hết 14 tỷ quỹ bảo trì, chỉ trả trước 500 triệu

19:12 | 08/06/2017
Chia sẻ
Ban quản trị Thăng Long Garden không chấp nhận kế hoạch mỗi quý trả góp 10 – 12% tiền quỹ bảo trì mà Công ty May Thăng Long đưa ra. Dù CĐT đã chuyển 500 triệu đồng và hứa sẽ trả hết tiền quỹ trong hôm nay (ngày 8/6) thì cư dân vẫn không tin và kiến nghị thành phố Hà Nội cưỡng chế việc trả lại quỹ này.
chu dau tu chung cu thang long garden tieu het 14 ty quy bao tri xin tra truoc 500 trieu
. (Ảnh minh họa)

Không chấp nhận trả góp quỹ bảo trì

Ngày 8/6, báo chí đưa tin về việc Công ty cổ phần May Thăng Long – chủ đầu tư (CĐT) dự án Thăng Long Garden đã “tiêu” hết khoảng 14 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì của tòa chung cư này, hiện không có khả năng thanh toán hết một lần nên đề xuất được trả trước 10% tiền quỹ, sau đó mỗi quý tiếp tục trả 10 – 12%.

Trao đổi với PV chiều ngày 8/6, ông Đỗ Quang Bình, Trưởng Ban quản trị (BQT) chung cư cho biết: “Công ty May Thăng Long sáng nay đã chuyển 500 triệu đồng và hứa sẽ trả nốt phần còn lại của quỹ bảo trì trong ngày hôm nay (ngày 8/6). Tuy nhiên, giờ đã gần hết buổi chiều chúng tôi vẫn chưa thấy gì. Chúng tôi không tin lời hứa suông này và vẫn kiên quyết kiến nghị UBND TP Hà Nội vào cuộc cưỡng chế CĐT trả lại toàn bộ quỹ bảo trì cho BQT trong một lần duy nhất”.

Theo ông Bình, trong thời gian hoạt động suốt 10 quý vừa qua, BQT chung cư Thăng Long Garden (thành lập tháng 8/2016) đã liên tiếp gửi ba công văn đến CĐT yêu cầu được trả lại quỹ bảo trì nhưng đều bị lờ đi. Thậm chí, Công ty May Thăng Long còn thẳng thắn từ chối việc giao lại quỹ bảo trì với lý do: công ty vẫn có tài sản tại dự án (CĐT giữ lại một phần diện tích trong tòa nhà), họ là cư dân lớn nhất và họ không tin BQT. Vì thế, họ có trách nhiệm giữ và bảo vệ quỹ bảo trì thay các cư dân trong tòa nhà.

Tuy nhiên, sau khi UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng TP vào cuộc, yêu cầu CĐT phải hoàn trả quỹ bảo trì cho BQT dự án theo quy định thì công ty mới gặp gỡ đại diện cư dân và đưa ra kế hoạch “trả góp” tiền quỹ.

“Nhiều cư dân cũng lo lắng việc Công ty May Thăng Long không có đủ tiền ngay lúc này để hoàn trả quỹ bảo trì nên đề xuất chấp nhận phương án trả góp của CĐT. Tuy nhiên, đơn vị này đã nhiều lần nói sẽ trả tiền quỹ nhưng rồi đều quá hạn và không có động thái gì nên chúng tôi không tin vào những lời hứa hẹn của họ nữa”, ông Bình nói.

Mặc dù nhiều chung cư khác có chung cảnh ngộ cũng đồng ý cho CĐT trả góp tiền quỹ bảo trì, nhưng đó là hành động đồng lõa với sai phạm của CĐT. Bởi theo quy định, quỹ bảo trì không thuộc sở hữu của CĐT, họ chỉ có nghĩa vụ thu hộ và phải hoàn trả lại BQT chung cư ngay khi tổ chức này được thành lập.

Trưởng BQT thông tin thêm, chung cư Thăng Long Garden hiện có 436 căn hộ, CĐT đã thu phí bảo trì của tất cả các hộ với tổng số tiền 14,6 tỷ đồng (trung bình mỗi hộ phải nộp 33,5 triệu đồng vào quỹ bảo trì). Nếu tính thêm tiền lãi gửi ngân hàng thì số tiền quỹ bảo trì hiện tại của chung cư đã lên đến con số gần 20 tỷ đồng.

Ban quản trị tố hàng loạt sai phạm tại Thăng Long Garden

Bên cạnh việc khiếu nại đòi trả lại quỹ bảo trì chung cư, BQT chung cư Thăng Long Garden còn chỉ ra hàng loạt các sai phạm khác của Công ty May Thăng Long tại chung cư này như không chịu hoàn thiện sân vườn ngoại cảnh; chiếm giữ để cho thuê làm bãi gửi ô tô suốt 2 năm rưỡi; chiếm dụng trái phép hơn nghìn m2 vườn hoa thảm cỏ trong dự án và đã xây nhà ba tầng kiên cố... Sau thời gian dài cư dân kiến nghị (từ tháng 5/2014 – 11/2015), chính quyền đã buộc CĐT phải tháo dỡ toàn bộ các công trình sai phạm.

Theo BQT chung cư, hiện tại, một số sai phạm khác của CĐT vẫn còn tồn tại như tự ý sửa đổi thiết kế tòa nhà, tự ý thu hẹp lồng thang máy và cắt bớt điểm dừng; chiếm giữ phòng sinh hoạt cộng đồng 350 m2 để cho thuê làm vườn trẻ kiếm lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, May Thăng Long còn tranh chấp phần diện tích gửi xe với cư dân. Cụ thể, theo quy định của Luật nhà ở, mỗi hộ có 5,9 m2 để xe, 436 hộ sẽ có tổng cộng gần 2.600 m2 diện tích để xe, tuy nhiên CĐT lại nói rằng phần diện tích này thuộc sở hữu của CĐT chứ không phải sở hữu chung của cư dân.

Trước đó, thời điểm tháng 10/2015, chung cư này từng bị cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ phần công trình xây sai phạm tại đây, đó là các công trình Trụ sở Ban quản lý dự án và công trình trạm điện.

Bộ Xây dựng mới đây yêu cầu các địa phương tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về nhà ở, đôn đốc địa phương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở theo thẩm quyền. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở cần được tăng cường.

Trong đó, những trường hợp phổ biến là: không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho BQT nhà chung cư; không tổ chức hoặc gây khó khăn trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; lấn chiếm không gian; xây dựng không đúng quy hoạch đã được duyệt...

Linh Lê